Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2014 | 2:07:35 PM

Sáng 16-4, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình làm việc, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển, đã cho ý kiến chung quanh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quy định chặt chẽ các vị trí có quân hàm cấp tướng

Đầu buổi sáng, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình của Chính phủ, nêu rõ: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 được Quốc hội thông qua năm 2008 đã được Bộ Quốc phòng nghiêm túc tổ chức triển khai. Sau 15 năm thực hiện, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam cơ bản phù hợp, đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, còn có ý kiến khác nhau, một số quy định của luật chưa cụ thể, khó áp dụng cần được khắc phục. Từ thực tiễn trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về nhiều nội dung đề cập trong dự thảo luật, trong đó nhấn mạnh yêu cầu quy định chặt chẽ, đúng nhu cầu các vị trí có quân hàm cấp tướng.

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nêu rõ: Dự thảo Luật quy định một số chức vụ có trần quân hàm cấp tướng còn chưa đáp ứng được yêu cầu trên, như: cùng nhóm chức vụ cơ bản nhưng có trần quân hàm khác nhau, có chức vụ Đại tá, có chức vụ Thiếu tướng, cùng chức danh Cục trưởng nhưng có Cục trung tướng, có Cục thiếu tướng.

Theo đó gây nên những bất cập giữa cấp Cục và Tổng cục, có Cục trưởng trần quân hàm bằng Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy quân khu, quân chủng và cao hơn Tổng cục phó; trần quân hàm của Cục trưởng và Chính ủy cục chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguyên tắc người chỉ huy và chính ủy có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của đơn vị theo Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cho rằng cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…), theo đó cần xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp Tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định: Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - Trung tướng bằng với trần cấp bậc hàm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh - Thiếu tướng, thấp hơn trần cấp bậc hàm Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh – Trung tướng.

Mặt khác, Luật cần phải bảo đảm nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương thì có quân hàm tương đương, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận ngay trong lực lượng.

Về quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị việc quy định cấp trưởng có cấp bậc hàm cao hơn cấp phó một bậc đối với sĩ quan cấp tướng là chủ trương đúng, vừa bảo đảm thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy, vừa bảo đảm cơ cấu đội ngũ sĩ quan cấp tướng, tránh việc lạm dụng.

“Mặt khác, nếu chỉ quy định quân hàm cấp phó bằng cấp trưởng ở một số đơn vị như dự án Luật sẽ tạo mâu thuẫn với một số đơn vị khác và không nhất quán trong các điều Luật, gây tâm tư, thắc mắc trong đội ngũ sĩ quan”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần nghiên cứu để bảo đảm thống nhất với Luật Công an nhân dân ở một số chức vụ, đặc biệt là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh. Tuy là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng dự thảo Luật quy định khác nhau về trần cấp bậc hàm.

Phải phù hợp với quy định của Hiến pháp

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thấy rằng, một số quy định trong dự thảo Luật liên quan chặt chẽ với các quy định của Hiến pháp như: thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ, do đó đề nghị cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp và phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước đối với việc tổ chức Quân đội nhân dân.

Về thẩm quyền quy định chức vụ tương đương đối với các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng - quy định tại khoản 2 Điều 11, nhiều ý kiến Ủy viên TVQH đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra, cho rằng: Việc quy định chức vụ tương đương là cần thiết, làm cơ sở pháp lý xác định thang, bảng lương chức vụ và quy định về cấp bậc hàm, theo đó phải căn cứ vào quy mô, chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động cơ quan, đơn vị để xác định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu: Điều 88 Hiến pháp giao Chủ tịch nước phong, thăng quân hàm cấp tướng, vì thế đề nghị Ban soạn thảo cần cụ thể hóa, làm rõ nội dung của dự thảo Luật đề nghị giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định chức vụ tương đương với các chức vụ cơ bản có trần quân hàm cao nhất là Thiếu tướng, Trung tướng.

Về quy định quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với đơn vị mới thành lập (khoản 2, Điều 15), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, thẩm quyền của Thủ tướng quy định quân hàm cao nhất là cấp tướng của đơn vị mới thành lập cần bảo đảm phù hợp Điều 70 của Hiến pháp. Theo đó, thẩm quyền quy định hàm cấp của lực lượng vũ trang thuộc về Quốc hội.

Về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, một số ý kiến đề nghị xem xét việc đưa các nội dung quy định có liên quan đến các chức vụ của Cảnh sát biển (khoản 1 Điều 11), Cơ yếu Chính phủ (khoản 1 Điều 15) vào dự thảo Luật vì đây là những cơ quan chuyên trách của nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý. Nếu đưa vào Luật có thể sẽ gây hiểu nhầm tổ chức Cảnh sát biển, Ban Cơ yếu Chính phủ là đơn vị Quân đội nhân dân.

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  chủ trì họp Phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Sáng nay - 29/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực (BCĐ PCTNTC) tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 8 của BCĐ để đánh giá kết quả hoạt động quý I, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại lễ phát động

Chiều 28-3, ngay sau hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2026).

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tham gia trồng cây tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên.

Dân vận khéo (DVK) đã trở thành phong trào thi đua chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai rộng khắp với hình thức đa dạng, phù hợp, từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục