Cần sớm ban hành chính sách đặc thù cho người dân sau tái định cư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2014 | 3:31:11 PM

YBĐT - Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái trong phiên thảo luận về tình hình KT – XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Trong đó, đề cập đến một số vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn thấp; vấn đề liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng giáo dục và đào tạo, khám chữa bệnh còn nhiều bất cập. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc ban hành các chính sách đặc thù để ổn định đời sống và bố trí đất sản xuất cho người dân sau tái định cư…

Đại biểu Nguyễn Công Bình bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2014; kế hoạch năm 2015 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Các báo cáo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội. Có thể nói, trong năm qua, một năm đầy thách thức, nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn nội tại của nền kinh tế; cùng với tình hình thế giới diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 đã gây ra căng thẳng trên biển Đông.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương đúng đắn, đặc biệt là Chính phủ đã điều hành vững vàng và quyết tâm cao trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội; 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch là một kết quả đáng khích lệ. Điểm nổi bật là các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, quốc phòng an ninh được giữ vững và ổn định. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mặc dù có tăng so với cùng kỳ nhưng chưa thực sự vững chắc, sự hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp; hoạt động và phát triển của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký giảm. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học và công nghệ của doanh nghiệp rất thấp. Đại biểu Bình phân tích: “Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tại 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 0,2 – 0,3% trên tổng doanh thu. Trong khi đó, con số này tại Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10% và Nhật Bản gần 50%...

Liên quan đến vấn đề về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Công Bình cho rằng đây là vấn đề đáng báo động và lo ngại cho người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; chất lượng khám chữa bệnh còn nhiều bất cập.

Đề cập đến vấn đề liên quan đến đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; những người về hưu trước năm 1993 và người dân vùng tái định cư khi phải di dời nhường đất để xây dựng các công trình lớn của quốc gia như: xây dựng đường cao tốc, các công trình thủy điện… hiện nay, đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Những vấn đề nêu trên, theo tâm tư nguyện vọng của cử tri, đề nghị Chính phủ cần có nhiều giải pháp và hành động quyết liệt hơn để từng bước khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực, quyết tâm cao, cùng với những nhóm giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện một số chủ trương, đặc biệt là việc xây dựng và ban hành một số chính sách còn chậm, đơn cử như thực hiện Nghị quyết số 62 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình thủy điện. Chính phủ đã có Báo cáo số 442 ngày 22/10/2014 gửi Quốc hội. Sau gần một năm thực hiện đã có sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện. Tuy nhiên, còn hai nội dung là việc trồng rừng thay thế mới đạt 10% và việc ban hành chính sách để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư nhưng đã gần một năm vẫn chưa được ban hành.

Đại biểu Nguyễn Công Bình nhấn mạnh: Qua thực tế khảo sát và tiếp xúc cử tri ở một số nơi tái định cư cho thấy, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Nhiều khu tái định cư chưa gắn với tái định canh, đất sản xuất giao cho dân thấp hơn nhiều so với diện tích đất bị thu hồi hoặc đất có giao nhưng đất xấu, thiếu nước… gây khó khăn ảnh hưởng cho việc sản xuất và đời sống của người dân. Đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn bản chưa có điện hay có những cụm dân cư với 5.000 hộ, gần 2 vạn khẩu, nhiều năm qua không có tổ chức tín dụng, người dân phải đi xa từ 40 – 50 km mới đến được ngân hàng để vay tiền hoặc gửi tiền. Vì lẽ đó, đại biểu Nguyễn Công Bình kiến nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết của Quốc hội và sớm ban hành chính sách đặc thù cho người dân sau tái định cư.

Đức Toàn

Các tin khác

Kỳ họp đã thông 17 nghị quyết quan trọng về cơ chế, chính sách; trong đó có Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo MTTQ tỉnh và MTTQ thị xã Nghĩa Lộ khảo sát để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo ở xã Thạnh Lương.

Nhiệm kỳ qua, với vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở thị xã Nghĩa Lộ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương.

Vận động viên đoàn thể thao của tỉnh tham gia thi đấu tại Giải vô địch cầu mây quốc gia năm 2024.

Ngành văn hóa -thể thao và du lịch Yên Bái được tỉnh giao 9 nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động số 188 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.

Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương dâng hương, hoa tại điện Kính Thiên (Đền Hùng, Phú Thọ) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục