Đại biểu Quốc hội đề nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 6:11:40 AM

Các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với chủ trương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

Chiều 20/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và thảo luận về Dự thảo Nghị quyết này.

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35: qua thảo luận tại Tổ, Hội trường và tổng hợp Phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với chủ trương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cũng nổi lên một số nội dung mà ý kiến của đại biểu còn rất khác nhau.

Theo dự thảo, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, các Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao về hiệu quả 2 lần lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ chủ chốt phát huy những ưu điểm, xem xét, điều chỉnh lại những nhược điểm trong quản lý… Đồng thời nhất trí với chủ trương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cũng còn nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau về thời gian, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm; về mức độ lấy phiếu tín nhiệm, về hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Về thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến không đồng tình với dự thảo Nghị quyết, cho rằng, nếu Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ thì việc phát huy hiệu quả lấy phiếu tín nhiệm chưa cao. Các đại biểu cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. Nhiều ý kiến phân tích nên để thời điểm lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4. Khoảng cách giữa 2 lần lấy phiếu là 2 năm, đủ thời gian để người trong diện lấy phiếu tín nhiệm nắm bắt tình hình và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân giao, đồng thời cũng đủ thời gian để đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân đánh giá căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó để người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian để có phương hướng khắc phục và đề ra phương hướng thực hiện. Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ 2 vào năm thứ 4 của nhiệm kỳ nhằm giám sát lại kết quả lần lấy phiếu tín nhiệm trước, và đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm thời gian này là kênh quan trọng để cấp ủy căn cứ đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ để kiện toàn cấp ủy và hệ thống chính trị trong thời gian tiếp theo.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) nói: “Rất đông cử tri đề nghị, trong mỗi nhiệm kỳ nên 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 và lần thứ 2 vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Quá trình giãn về thời gian đã đủ cho các vị là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn và rèn luyện nâng cao hiệu quả công tác của mình. Lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tương tự như việc tái giám sát. Lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm là lần giám sát, lần thứ 2 là lần tái giám sát để xem các vị nằm trong đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đã chuyển biến và đã tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội đến đâu”.

Góp ý về quy định mức đánh giá tín nhiệm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Dự thảo Nghị quyết nên để 2 mức đánh giá trong lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm và không tín nhiệm, thay vì 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: “Không có nghĩa là 2 mức thì không phân biệt được giữa việc bỏ phiếu và lấy phiếu mà việc thể hiện 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm để cho kết quả rõ ràng hơn. Tôi cũng liên hệ với kết quả 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi có phải chăng là kết quả phiếu tín nhiệm thấp là không tín nhiệm hay không. Cho nên tôi thấy rằng, thể hiện qua 2 mức độ là rõ ràng, minh bạch nhất và cũng dễ dàng cho việc lượng hóa”.

Nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Nghị quyết 35 sửa đổi cần quy định rõ ràng hơn về hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm, vừa để thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua và cũng để phát huy hiệu quả sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) đề nghị: “Cần quy định theo hướng người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trong dự thảo Nghị quyết không nêu vấn đề từ chức, tôi đề nghị bổ sung. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm cách chức đối với người đó”.

Đổi chứng minh thư thành thẻ căn cước công dân

Cũng trong chiều 20/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Căn cước Công dân và Dự thảo Luật Hộ tịch.

Theo luật Căn cước công dân, các công dân Việt Nam từ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước công dân. Đây là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

381/403 ĐBQH đã bỏ phiếu đồng ý thông qua dự thảo luật căn cước công dân với kỳ vọng tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.

Thẻ căn cước sẽ được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp VN và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Về sự thay đổi tên này, UBTVQH cho biết, tên gọi thẻ căn cước công dân phù hợp với tên gọi của luật, phù hợp nội dung các thông tin trên thẻ và giá trị sử dụng của thẻ là để chứng minh thông tin căn cước của công dân; đồng thời để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa giấy tờ công dân tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử theo Đề án 896 của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng tên gọi này.

Đột phá lớn nhất của luật đó là xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ sở dữ liệu này là những thông tin được cập nhật và chuẩn hóa từ một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành như hộ tịch, cư trú, căn cước công dân, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện và quản lý nhằm mục đích kết nối, chia sẻ, sử dụng chung.

Trong Cơ sở dữ liệu có thông tin về nhóm máu của công dân nhưng chỉ được nạp vào bộ thông tin khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó.

Mỗi công dân được cấp một mã số định danh cá nhân riêng, không lặp lại ở người khác.

(Theo VOV - HNMO)

Các tin khác
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Chiều 25/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Ngày 25/4, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái tại huyện Lục Yên.

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện tặng Đại hội bức cờ thêu mang dòng chữ:

Sáng 25/4, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019 - 2024. Đây là đơn vị vinh dự được Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái chọn làm điểm để rút kinh nghiệm tổ chức trong toàn LLVT tỉnh.

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Sáng 25/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy định kỳ tháng 4. Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục