Hội nghị Trung ương 11 bàn về tổ chức chính quyền địa phương

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2015 | 2:26:43 PM

Tìm phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp và hiệu quả trong thời gian tới được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 11.

Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Trung ương 11.
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Trung ương 11.

Một trong 4 nội dung lớn được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Vì sao Trung ương lại bàn vấn đề chính quyền địa phương trước khi thống nhất thông qua tại Quốc hội? Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào tháng 11/2014 đã có 2 luồng ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Một là giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Hai là bỏ HĐND cấp phường, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Từ thực tiễn tham gia công tác tại HĐND, ông Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng ủng hộ phương án 1 vì cho rằng, quy định như vậy phù hợp với Hiến pháp 2013, phù hợp với chủ trương xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, được người dân lựa chọn ủy quyền thông qua bầu ra cơ quan đại diện của mình ở tất cả các cấp chính quyền.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Bích, việc tổ chức cấp chính quyền gồm HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính cơ sở thể hiện chính quyền đó gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

“Thực tế cho thấy sau khi thí điểm không tổ chức HĐND, bà con ít được lãnh đạo quận, phường, ủy ban thăm hỏi, động viên. Đại biểu HĐND thành phố khi tiếp xúc cử tri phải tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của bà con nhân dân thuộc thẩm quyền của phường, quận. Thực tế ấy cần được quan tâm”, ông Bích cho biết.

Từ 2009, tại 67 quận, 32 huyện, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm tại các địa phương cho biết, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm. Tuy nhiên, việc không tổ chức HĐND đặt ra vấn đề về giám sát quyền lực cũng như tính đại diện của nhân dân.

Theo ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Luật tổ chức chính quyền địa phương phải xây dựng được mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp để giải quyết những bất cập đó. Đồng thời, HĐND phải có thực quyền, phát huy năng lực sáng tạo, được tự chủ quyết định, chứ không phải "quyết cái trên quyết rồi, bàn cái trên bàn rồi". Trên tinh thần đó, ông Trần Du Lịch đề nghị nên tiến tới tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp hoàn chỉnh là cấp tỉnh và cấp cơ sở.

“Trong tương lai đô thị hóa nhiều thị trấn sẽ thành thị xã và nhiều xã quy mô sẽ mở rộng ra cũng có chính quyền cơ sở tăng tự chủ cho cơ sở, thực quyền của nhân dân, đại diện cho nhân dân. Chúng ta còn có bước trung gian từ khoảng 5 năm chúng ta duy trì chính quyền cấp huyện, cấp quận để tổ chức nền hành chính và dần dần chúng ta sẽ phát triển nền hành chính có 3 cấp là cấp trung ương và địa phương 2 cấp. Nếu chọn phương án đó sẽ không có xáo trộn gì lớn và không ảnh hưởng đến hệ thống chính trị, chúng ta có con đường mở ra để người đi sau tiếp tục cải cách”, ông Trần Du Lịch phân tích.

Còn theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, trong 2 phương án trình ra, chưa có phương án nào hoàn hảo. Dự thảo Luật cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương từng cấp, làm rõ điểm giống và khác nhau của từng mô hình chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn, hải đảo, đô thị và đơn vị hành chính đặc biệt, từ đó mới có thể lựa chọn phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương như thế nào cho phù hợp và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

“Không thể cho rằng chúng ta lựa chọn theo phương án 2 là bỏ đi HĐND cấp quận, phường thì sẽ bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn và cũng vẫn phát huy được dân chủ nhân dân. Hay là lựa chọn phương án 1 như mô hình hiện nay nếu không khắc phục được những bất cập, hạn chế hiện nay thì cũng không thể nào bảo đảm được là phát huy hiệu lực, hiệu quả”, bà Thủy nêu rõ.

Như vậy, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Sau hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 16/4 vừa qua, đang có ba loại ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Ngoài phương án 1 và phương án 2 nêu trên, một số ý kiến đề nghị cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn theo tinh thần mở của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương (ví dụ chính quyền ở đô thị là hai cấp, ở nông thôn là ba cấp, ở hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một cấp).

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đa số tán thành phương án giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhiều lần họp bàn trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường những năm vừa qua. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, cho nên còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến về vấn đề quan trọng này, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 9 khoá XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới.

                                                                                      (Theo VOV)

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Ngày 29/3, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thanh tra. Đồng chí Dương Quốc Huy - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  chủ trì họp Phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải

Thủ tướng nhấn mạnh, khối lượng công việc triển khai năm 2024 là rất lớn, đòi hỏi các các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Sáng nay - 29/3, đồng chí Đỗ Đức Duy - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực (BCĐ PCTNTC) tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 8 của BCĐ để đánh giá kết quả hoạt động quý I, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại lễ phát động

Chiều 28-3, ngay sau hội nghị tổng kết hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2026).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục