Tham nhũng khắc phục hậu quả tốt được miễn tử hình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/11/2015 | 2:06:30 PM

Đó là nội dung mới đáng chú ý trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 27-11.​ Quốc hội cũng quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh.

Theo đó, Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi), quy định: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ (ba phần tư) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.

Đồng thời, Quốc hội quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với: tội cướp tài sản; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch.

Phong tỏa tài sản tham nhũng từ giai đoạn điều tra

Thông qua Nghị quyết về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Quốc hội yêu cầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân (VKSND), tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

“Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%” - nghị quyết nêu.

Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra  việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm 100% các vụ việc sau khi thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

* Cho phép ghi âm, nghe điện thoại bí mật để điều tra tham nhũng, khủng bố

Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong sáng 27/11 với 85,63% tổng số đại biểu tán thành.

Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Ảnh minh hoạ

Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Bộ luật là biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, tham nhũng, khủng bố trong tình hình hiện nay.

Theo đó, Luật quy định sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Các biện pháp này có thể được áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Trường hợp vụ án đang được thụ lý, điều tra ở cấp huyện, cấp khu vực thì thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện, cấp khu vực đề nghị thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.

Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định trong Bộ luật này.

Quyết định trên phải được viện trưởng VKSND cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.

Thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.

Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Không được sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.

Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho viện trưởng viện kiểm sát đã phê chuẩn.

Viện trưởng viện kiểm sát đã phê chuẩn phải kịp thời quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi thuộc một trong 3 trường hợp: Có đề nghị bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan điều tra có thẩm quyền; có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can

Về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can (Điều 183), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH không tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo, đề nghị thu hẹp hơn, chỉ áp dụng trong các trường hợp hỏi cung bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm để bảo đảm tính khả thi, tránh lãnh phí.

Do ý kiến ĐBQH còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã lấy phiếu xin ý kiến và kết quả có 45,95% ý kiến ĐBQH trên tổng số ĐBQH tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo; 34% ý kiến ĐBQH trên tổng số ĐBQH đề nghị chỉ bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong trường hợp bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm.

UBTVQH nhận thấy, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo là cần thiết. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Khoản 6 Điều 183 Bộ luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định này cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trình tự, thủ tục việc bảo quản, sử dụng, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời do phải có thời gian để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ thì cần có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cần giao cho Bộ trưởng Bộ CA chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục việc thực hiện, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật này.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1/1/2017. Chậm nhất đến 1/1/ 2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

(Theo TTO - HNMO)

Các tin khác
Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Yên Bái và Thị ủy Nghĩa Lộ chụp ảnh với các đại biểu về dự Đại hội.

Ngày 19/4, với hơn 150 đại biểu chính thức tham dự, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thị xã Nghĩa Lộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã được tổ chức thành công tốt đẹp.

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục