70 xuân gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 2:54:28 PM

YBĐT - Cách đây 70 mùa xuân, Nhà nước non trẻ Việt Nam trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo và tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam ngày 6/1/1946.

Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thu Hạnh)
Đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Thu Hạnh)

Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nói trong Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa I, rằng: “Kết quả của sự hy sinh, đấu tranh của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết, anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta; sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm giành lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

70 năm qua, Quốc hội không ngừng hoàn thiện, đổi mới hoạt động, thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng, nhiệm vụ lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và trong ngoại giao nghị viện... Từ khóa I đến khóa XIII, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) luôn mang trong mình niềm tự hào to lớn, được cử tri giao phó trọng trách đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Cũng 13 khóa Quốc hội, cử tri tỉnh đã bầu 52 vị đại biểu đại diện cho nhân dân các dân tộc Yên Bái vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta. Là đại biểu, nên mỗi thành viên trong đoàn đã chủ động gắn bó mật thiết với các cử tri và người dân Yên Bái. Coi mỗi người dân như những người ruột thịt để khi đến với người dân là như trở về với anh em trong cùng nhà.

Thế nên, những tâm tư, những kiến nghị của cử tri luôn được đại biểu ghi nhận đầy đủ, rồi đề đạt với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng. Cũng chính nhờ gần gũi, chia sẻ nên đường lối, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách pháp luật của Nhà nước được các đại biểu tuyên truyền đầy đủ đến nhân dân. Mỗi nội dung, mỗi câu chuyện trên nghị trường Quốc hội đều gắn với bước phát triển của tỉnh và đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Chẳng vậy mà, người dân Yên Bái, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ để làm ra nhiều thóc, nhiều ngô, nuôi nhiều trâu bò, lợn gà, có của ăn của để. Những con đường ý Đảng, lòng dân thêm dài rộng, con em đồng bào được học hành đầy đủ. Niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và mỗi ĐBQH ngày càng được nâng lên.

Tại cuộc gặp mặt đại diện các thế hệ ĐBQH dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta có truyền thống tốt đẹp của Quốc hội Việt Nam, trải qua thử thách gian khổ mà gây dựng nên, đó là Quốc hội đại biểu của nhân dân và là Quốc hội phụng sự Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta...

Tinh thần Quốc hội và tinh thần ĐBQH không thay đổi, chính vì vậy Quốc hội các khóa tiếp theo cần phải kế tục truyền thống ấy”.

Điều đó, chính là sự khẳng định vai trò, trách nhiệm của ĐBQH cũng là niềm tin mà cử tri và người dân Yên Bái tiếp tục gửi gắm đến mỗi vị ĐBQH trước thềm xuân mới Bính Thân.

Ông Nguyễn Văn Tuyết- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII:

Là ĐBQH của tỉnh Yên Bái các khóa X, XI và khóa XII, tôi đã cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ và thực hiện lời hứa với cử tri. Tôi không bao giờ quên những lần đi vận động bầu cử và tiếp xúc cử tri tại huyện Mù Cang Chải. Lúc đó con đường lên huyện rất khó khăn, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Nguyện vọng của cử tri là làm sao có con đường nhựa tốt và đề nghị có cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào vùng cao.

Tham gia họp Quốc hội, tôi đã mạnh dạn phát biểu ý kiến và đưa ra hình ảnh đồng bào vùng cao cần gì? “Cần câu hay con cá”?. Và tôi đã kiến nghị cho đồng bào “cần câu” bằng đề nghị đầu tư xây dựng con đường cho huyện Mù Cang Chải. Với sự vào cuộc tích cực của tỉnh, của huyện và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng của cử tri đã được đáp ứng và con đường nhựa đã đầu tư xây dựng và Chính phủ có chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã vùng đặc biệt khó khăn...

Mỗi khi những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được giải quyết, tôi cảm thấy rất phấn khởi, coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính mình mà nêu cao tinh thần, trách nhiệm hơn nữa trước cử tri.

Ông Nguyễn Mạnh Đức - Đại biểu Quốc hội khóa XI:

Là ĐBQH, chúng tôi thấy những bất bình, sai trái với pháp luật thì phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, để lẽ phải được thực thi theo pháp luật.

Được Đảng cử, dân bầu, tôi luôn tâm niệm phải vì nhân dân phục vụ, mang ý chí nguyện vọng của nhân dân đến với Quốc hội và phải thông tin, tuyên truyền được những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cử tri, để biến những chủ trương, chính sách đó thành các hành động cụ thể.

 

Bà Hoàng Thị Hàng - Đại biểu Quốc hội khóa IV và khóa V:

Quốc hội khóa IV, khóa V là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt, bản thân vừa làm bí thư chi bộ, kiêm chủ nhiệm HTX sản xuất nông nghiệp, tôi đã chỉ đạo tổ Đảng, các đội sản xuất, hăng hái lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tôi vẫn nhớ lúc bấy giờ Quốc hội chỉ họp từ 5 đến 6 ngày là dài nhất, không dám họp công khai, chỉ họp bí mật tránh sự đánh phá của giặc Mỹ. Lúc bấy giờ đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đi bộ nên mỗi khi đi họp về đến nhà nghe đài mới thấy nói Quốc hội khai mạc.

Sau khi đi họp Quốc hội về, tôi được trưởng đoàn phân công một mình đi vào xã xa nhất của huyện là xã Tân Phượng để tiếp xúc cử tri truyền đạt lại nội dung, nghị quyết của Quốc hội nhưng đi bộ cũng phải mất cả ngày đường.

Giờ tôi vẫn thường theo dõi diễn biến của các kỳ họp Quốc hội qua ti vi. Tôi và các cử tri mong rằng, Quốc hội khóa XIV tới đây, sẽ phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm và trí tuệ tập thể trước cử tri và nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một đi lên.

Bà Đinh Thị Lý - Đại biểu Quốc hội khóa III:

 Tôi nhận thấy rằng, các ĐBQH Yên Bái các khóa đều tích cực đóng góp ý kiến trong các buổi thảo luận tại tổ và hội trường để tham gia xây dựng luật và các nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã thể hiện tốt vai trò giám sát của mình giúp cho các hoạt động về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của tỉnh tuân thủ theo đúng Hiến pháp và pháp luật, tham gia đấu tranh chống lại tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đảm bảo công bằng cho xã hội.

Đức Toàn - Mạnh Cường (ghi)

Minh Quang

Các tin khác

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đến hết quý 1, thành phố Yên Bái đã có 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm theo Kế hoạch hành động số 236 của Thành ủy; 17 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục