Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh- liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016)

Yên Bái quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm, xác định danh tính mộ liệt sỹ, góp phần tri ân gia đình người có công với cách mạng

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2016 | 9:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cũng như cả nước, tỉnh Yên Bái đang quản lý 5.792 hồ sơ liệt sĩ, 15 nghĩa trang liệt sỹ với số mộ là 2.018, trong đó, gần một nửa là mộ vô danh và còn rất nhiều liệt sĩ mà hài cốt đang nằm nơi chiến trường các tỉnh trong nước, nước bạn Lào, Cam-pu-chia chưa được tìm thấy để đưa về quê hương.

Thương binh, cựu chiến binh phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái gặp mặt trong ngày 27/7. (Ảnh: Thanh Miền)
Thương binh, cựu chiến binh phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái gặp mặt trong ngày 27/7. (Ảnh: Thanh Miền)

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, nhiều người con của đất Việt đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường, góp phần làm nên những chiến thắng hào hùng, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, thống nhất nước nhà, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sự lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp trách nhiệm của các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, địa phương trong tỉnh, công tác thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở tỉnh Yên Bái đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, động viên được nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của cộng đồng để chăm lo đời sống gia đình chính sách.

Bên cạnh việc thực hiện toàn diện các chính sách từ trung ương cho các đối tượng người có công và thân nhân như: chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho gần 7.000 đối tượng; chi trả trợ cấp một lần cho hàng nghìn đối tượng, đảm bảo 100% người có công có bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm cho trên 3.000 đối tượng; thực hiện đầy đủ các chế độ về trang thiết bị trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; ưu đãi giáo dục và đào tạo, ưu đãi về nhà, đất ở ..., tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa; xã, phường làm tốt công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công; thực hiện quản lý nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp.

Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã ban hành một số chính sách của địa phương rất thiết thực, hỗ trợ có hiệu quả trong việc nâng cao đời sống của người có công ở địa phương, có chính sách đi trước trung ương như Đề án làm nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2014; Đề án hỗ trợ chăn nuôi cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp giai đoạn 2013 - 2016.

Mặt khác, từ năm 2016, Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh chính thức được hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động với công suất 66 giường điều dưỡng, đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc điều dưỡng tập trung, phục hồi sức khỏe các đối tượng người có công của tỉnh.

Theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay về thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công là công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, xác định danh tính mộ liệt sĩ còn thiếu. Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong gần 1,2 triệu liệt sĩ cả nước hiện nay, mới có hơn 910.000 liệt sĩ được quy tập. Trong số được quy tập còn hơn 300.000 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Như vậy, cả nước còn hơn nửa triệu liệt sĩ cần tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính. Cũng như cả nước, tỉnh Yên Bái đang quản lý 5.792 hồ sơ liệt sĩ, 15 nghĩa trang liệt sỹ với số mộ là 2.018, trong đó, gần một nửa là mộ vô danh và còn rất nhiều liệt sĩ mà hài cốt đang nằm nơi chiến trường các tỉnh trong nước, nước bạn Lào, Cam-pu-chia chưa được tìm thấy để đưa về quê hương.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Đề án 1237), với mục tiêu đến năm 2015 tìm kiếm, quy tập được khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ; đến năm 2020 tìm kiếm, quy tập được 60% hài cốt liệt sĩ còn lại có thông tin. Trách nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc về các cấp, các ngành, địa phương, nòng cốt là cơ quan quân sự. Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 1237, trong điều kiện thông tin ngày càng khó khăn, nhưng công tác tìm kiếm, quy tập vẫn được triển khai một cách toàn diện, kết quả từ sau khi phê duyệt Đề án đến hết năm 2015 đã tìm kiếm, quy tập được 7.997 hài cốt liệt sĩ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 phê duyệt Đề án xác minh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) với mục tiêu đến năm 2020: xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin đạt 7.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen đạt 70.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 20% số hài cốt hiện chưa có thông tin).

Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Yên Bái tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.

Thực hiện Đề án 150, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện phương án điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Việc triển khai công tác điều tra nhằm mục đích thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ và lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ để giám định AND xác định danh tính liệt sỹ; mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ; cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu về thông tin liệt sỹ, tình hình thân nhân, mộ và nghĩa trang liệt sỹ làm cơ sở tra cứu, phục vụ công tác quản lý, thực hiện các chính sách đối với liệt sỹ theo quy định.

Xác định đây là cuộc điều tra quan trọng, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, nơi điều tra, nội dung phức tạp, cần độ chính xác cao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn tại 4 cụm cho trên 200 cán bộ lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, cán bộ công chức lao động - thương binh và xã hội 180/180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Trên cơ sở danh sách liệt sỹ có hồ sơ gốc do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và cung cấp, các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh danh sách điều tra để tiến hành điều tra tại các hộ gia đình theo mẫu phiếu điều tra quy định. Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc điều tra thông tin liệt sỹ, thân nhân, mộ và nghĩa trang liệt sỹ tới các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đến đầu tháng 5 năm 2016, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành nghiệm thu, làm sạch, hoàn thiện toàn bộ phiếu điều tra. Kết quả ban đầu được xác định, số phiếu điều tra về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ thu về là 4.478; phiếu điều tra về thông tin mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh là 2.018 (số mộ có đầy đủ thông tin là 12 mộ, số mộ có một phần thông tin là 1.067 mộ, mộ không có thông tin là 939 mộ).

Như vậy, có thể thấy là phần lớn hài cốt liệt sĩ của tỉnh Yên Bái hiện nay không nằm trên các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn; số mộ còn vô danh chiếm gần một nửa số mộ trong các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Qua xác định ban đầu thì một số các nghĩa trang Liệt sĩ trên toàn quốc có nhiều con em của tỉnh Yên Bái đang an nghỉ là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị; Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang….

Trong thời gian tới, khi toàn quốc hoàn thành việc điều tra, cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ sẽ được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng và các địa phương để phục vụ cho việc tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Các cơ quan quản lý và người dân sẽ rất thuận tiện trong việc khai thác thông tin về mộ liệt sĩ thông qua mạng Internet; và cũng dựa vào cơ sở dữ liệu này để các cơ quan chức năng thực hiện lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ chưa biết thông tin về phần mộ liệt sĩ để phân tích ADN, lưu trữ, so sánh, đối khớp phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Mặc dù, còn rất nhiều việc phải làm trong nhiệm vụ tìm kiếm liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị; cần sự đồng lòng, giúp đỡ của người dân, các cựu chiến binh, các thân nhân gia đình liệt sĩ; sự phối hợp, kết nối chặt chẽ, rất trách nhiệm giữa các cơ quan trung ương với các nước bạn, với các địa phương trong nước, giữa các tỉnh, các huyện mới có thể hoàn thành mục tiêu theo Đề án 150, Đề án 1237. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước nhân dân và sự tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả và với nền tảng là các thông tin kết quả ban đầu đã thu được, kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được trong những năm qua, nhất định sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân và thân nhân các liệt sĩ, góp phần vào sự ổn định tình hình chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Tuấn Chung (Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Các tin khác
Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm và tặng quà động viên các nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh.

Sáng 23/4, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Phan Văn Anh đã đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương, viếng và chia buồn với gia đình các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đang điều trị tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu chỉ đạo tại lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Viện Quản trị và Công nghệ (FSB) thuộc Tập đoàn FPT (lớp 1) do Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Viện tổ chức.

Sáng 22/4, đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã dự khai mạc lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại Viện Quản trị và Công nghệ (FSB) thuộc Tập đoàn FPT (lớp 1) do Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Viện tổ chức.

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái, ngày 23/4, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thanh Bình cùng các ban của HĐND tỉnh đã có buổi giám sát tại thị xã Nghĩa Lộ.

Sáng nay - 23/4, đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm viếng, động viên các gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chiều 22/4 tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục