Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV:

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

  • Cập nhật: Chủ nhật, 23/10/2016 | 8:32:38 AM

Ngày 22-10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ ba.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ.

Các đại biểu QH thảo luận ở tổ về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017.

Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) và nhiều đại biểu đồng tình Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, năm 2016, Chính phủ khóa mới phải đối mặt nhiều khó khăn, như: hạn hán, thiên tai, sự cố môi trường, tai nạn lao động, nợ công cao, nợ xấu cơ bản chưa giải quyết triệt để; xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động còn nhiều khó khăn...

Song thực hiện các nghị quyết của Đảng và QH, với thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo cải cách bộ máy hành chính bằng một loạt các giải pháp, bắt đầu từ giải quyết vấn đề nhân sự; tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, thu ngân sách từ đầu năm đến nay tăng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao…, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc đánh giá những mặt còn hạn chế, yếu kém, bất cập được nêu trong báo cáo chưa rõ và chưa sâu sắc: đó là tình trạng tham nhũng, là chất lượng cán bộ được bổ nhiệm, nếu không nhìn nhận một cách nghiêm túc, thì bộ máy hành chính nhà nước sẽ không hiệu quả.

Việc đầu tư công phân tán nguồn lực chưa hiệu quả; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm và chưa thực chất. Vì cổ phần hóa (CPH), đổi mới doanh nghiệp, song vốn Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ chi phối, nên chưa thu hút được nguồn lực từ các đối tác tư nhân. Việc tái cơ cấu trong ngành nông nghiệp còn chậm, chưa tính kỹ đến yếu tố biến đổi khí hậu; nguồn lực dành cho kinh tế biển còn chưa tương xứng... Do vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đề cập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) và một số đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính và bộ máy chính quyền. Vì lâu nay, môi trường đầu tư còn tồn tại rào cản là thủ tục hành chính còn rườm rà; thực thi công vụ của đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước có lúc còn gây khó khăn, làm cho nhà đầu tư chưa yên tâm, khiến doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã còi cọc; tiếp tục thu hút doanh nghiệp nước ngoài đi đôi có chính sách quan tâm đến hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển. Trong đó, nên chọn kinh tế mũi nhọn là nông nghiệp để tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển.

Thận trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020

Thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, trong tái cơ cấu cần đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, CPH các doanh nghiệp nhà nước gắn tái cơ cấu vùng và ngành kinh tế, nhưng phải theo lộ trình cụ thể. Nếu chỉ chăm chăm thoái vốn doanh nghiệp cho bằng được sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế vùng và ngành. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo mỗi năm ngành nào, lĩnh vực nào cổ phần hóa, thoái vốn; phải có lộ trình, chương trình hành động cụ thể từng năm, cần có kỷ cương, tổ chức giám sát, sơ kết kịp thời...

Một số đại biểu băn khoăn, nguồn lực vật chất để huy động vào tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cần hơn 10 triệu tỷ đồng (gần 500 tỷ USD), nhưng thu ngân sách hằng năm của ta chưa đến 50 tỷ USD. Trong khi đó, kế hoạch tái cơ cấu đưa ra lộ trình, giải pháp, chủ yếu huy động nguồn lực từ bên ngoài; hơn nữa hằng năm, ta bội chi ngân sách khoảng 5%, chưa nói đến nợ xấu, nợ đọng, nếu giải quyết không khéo sẽ trở thành nợ công… Chính phủ nên cân nhắc có kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp, nhất là cân đối việc thu, chi ngân sách, nên giảm chi đi đôi tinh giản bộ máy hành chính nhà nước...

Thảo luận Kế hoạch tài chính 5 năm, phần lớn các đại biểu tán thành các quan điểm mà Chính phủ đưa ra trong Báo cáo. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần lưu ý hơn nội lực của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường trong nước, tránh tình trạng để doanh nghiệp nội bị thua thiệt ngay trên “sân nhà”.

Về vấn đề tái cơ cấu ngành, theo các đại biểu, cần tập trung vào những mũi nhọn, như: sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… Đồng thời, bảo đảm tính minh bạch, tăng cường khâu giám sát từ QH. Một số đại biểu đề nghị: nâng mức tăng trưởng GDP trong kế hoạch lên 6,5 - 7%; hạn chế lạm phát, bội chi ngân sách lần lượt dưới các mức 5% và 3 - 3,5%.

Đề cập việc tái cơ cấu tổ chức tài chính, thị trường chứng khoán…, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khoản nợ xấu lên tới hơn 250 nghìn tỷ đồng là bài toán khó, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, khoa học để giải quyết rốt ráo, triệt để.

Về phương án thí điểm phá sản đối với một số doanh nghiệp yếu kém, cần triển khai một cách bài bản, thận trọng, tránh để xảy ra hiệu ứng đô-mi-nô giữa các ngân hàng, bảo đảm an toàn cho hệ thống tín dụng. Trong khi đó, nhiều đại biểu có chung nhận định, việc sáp nhập hai sàn giao dịch của Sở Chứng khoán Hà Nội và Sở Chứng khoán TP Hồ Chí Minh là đúng thời điểm. Tuy nhiên, về vấn đề này, Chính phủ cần cân nhắc kỹ địa điểm đặt sàn giao dịch chung theo hướng gần thị trường tài chính tiềm năng hơn.

Thảo luận về việc tỷ lệ ngân sách được giữ lại giai đoạn 2017 - 2020 cho TP Hồ Chí Minh dự kiến giảm từ 23% xuống còn 17%, một số đại biểu đồng loạt bày tỏ lo ngại về những hệ lụy sẽ xảy ra. Theo đó, việc cắt giảm ngân sách được giữ lại một cách đột ngột sẽ dẫn tới thiếu hụt các khoản chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội… Điều này sẽ gây ảnh hưởng nhiều chiều đến đời sống người dân, tạo áp lực lớn cho “đầu tàu kinh tế” của đất nước.

(Theo Nhân Dân)

Các tin khác
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Yên Bình tặng hóa chúc mừng Đại hội đại biểu MTTQ xã Đại Đồng, huyện Yên Bình

Huyện Yên Bình đã hoàn thành Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp xã; đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Người dân Yên Bái tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao sức khoẻ và mức hưởng thụ văn hóa, làm cho cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Thời gian qua, mục tiêu phát triển vì hạnh phúc của nhân dân đã được tỉnh Yên Bái hiện thực hóa ở từng bước đi với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp và xuyên suốt. Những tiêu chí về một xã hội hạnh phúc mà ở đó người dân hài lòng với chất lượng cuộc sống, môi trường, nền hành chính… đã được đặt lên hàng đầu.

Sáng 28/3, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Việt - Úc thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lớp bồi dưỡng “Tăng cường kỹ năng lãnh đạo chiến lược khu vực công” dành cho 50 học viên lớp Đề án 11 của Tỉnh uỷ Yên Bái.

Ban tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Yên Bình họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

Là địa phương được tỉnh Yên Bái lựa chọn tổ chức điểm Đại hội Thi đua quyết thắng, giai đoạn 2019 – 2024, đến nay, huyện Yên Bình đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức thành công sự kiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục