Mù Cang Chải: Nghị quyết đã đi vào cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/2/2017 | 6:51:11 AM

YBĐT - Những ngày đầu năm mới, đến bất kỳ xã nào của huyện vùng cao Mù Cang Chải đều gặp không khí thi đua lao động sản xuất, công tác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện rất sôi nổi, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đã đề ra.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Mù Cang Chải kiểm tra sản xuất lúa mỳ tại xã Nậm Khắt.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Mù Cang Chải kiểm tra sản xuất lúa mỳ tại xã Nậm Khắt.

Đồng chí Giàng A Tông - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải trao đổi: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo 100% các chi, Đảng bộ trực thuộc tổ chức hội nghị học tập, quán nghị quyết đại hội Đảng các cấp và xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết.

Nhiệm kỳ này, huyện tập trung thực tốt một số mục tiêu phát triển kinh tế như: khai thác triệt để mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh việc ứng dụng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu, cây hoa, rau sạch hàng hóa. Phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, gắn với thế mạnh đồi rừng.

Ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao. Khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Xây dựng và phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có lợi thế của huyện...

Tạo điều kiện phát triển đa dạng các loại hình kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình gắn với thế mạnh của huyện về đồi rừng và du lịch cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt trên 500 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp trên 330 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 38.900 tấn; thu ngân sách đạt 90 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 7%... - đồng chí Giàng A Tông bố sung thêm.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2016 và cả nhiệm kỳ, ngay từ vụ đông xuân năm 2015 - 2016, Huyện ủy tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Vận động nhân dân các xã xóa ruộng một vụ, những diện tích ruộng bảo đảm nước tưới tiêu huyện chỉ đạo cấy lúa nước; diện tích khô hạn không có nước chuyển đổi trồng cây cải dầu và các loại rau sạch cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện, phục vụ khách du lịch đến tham quan chụp ảnh lưu niệm; xây dựng các mô hình chăn nuôi theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Sau một năm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, Huyện ủy Mù Cang Chải đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tích cực tuyên truyền, cổ vũ động viên cán bộ và nhân dân thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Nổi bật là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo đồng chí Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2016, do ảnh hưởng của thời tiết băng tuyết, rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại 503 ha lúa xuân; 6,24 ha mạ; 500 tổ ong; 1.500 ha thảo quả; 646 con gia súc; trên 100 ha rừng trồng trong độ tuổi chăm sóc... song huyện đã chỉ đạo quyết liệt khôi phục sản xuất vượt kế hoạch đã đề ra.

Toàn huyện gieo cấy 4.360 ha ruộng nước, vụ mùa gieo cấy 2.860 ha, đạt 100% diện tích, vụ đông xuân gieo cấy 1.500 ha, tăng gần 100 ha so vụ đông xuân năm trước; gieo trồng 4.200 ha ngô xuân hè và 560 ha ngô thu đông, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2016 đạt trên 38.776 tấn, tăng 6,2% so với năm trước, vượt 1,3% kế hoạch. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 309 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2015...

Năm 2016, nhân dân 12 xã trong huyện đã trồng được 500 ha cải dầu vừa phục khách du lịch tham quan chụp ảnh lưu niệm, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng cho Công ty Thịnh Đạt chiết xuất tinh dầu cải để xuất khẩu.

Thực hiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho 28 hộ chăn nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên, mỗi hộ 15 triệu đồng, hỗ trợ 101 hộ chăn nuôi 3 con lợn/lứa, mỗi hộ 2 triệu đồng.

Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã xây dựng được 9 mô hình chăn nuôi dê tại các xã: Nậm Có, Cao Phạ, Mồ Dề, Kim Nọi, Chế Tạo, Khao Mang... với kinh phí 791 triệu đồng; xây dựng 5 mô hình trồng trọt tại các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình với kinh phí 460 triệu đồng; hỗ trợ 3 mô hình chăn nuôi lợn thịt tại các xã: Chế Cu Nha, Kim Nọi, Chế Tạo với kinh phí 244 triệu đồng...

Đồng bào Mông xã Nậm Có gieo cấy lúa xuân năm 2017.

Những mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các xã trong năm 2017 và những năm tiếp theo thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của trung ương và của tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện theo lộ trình đến năm 2020 của huyện. Vụ đông xuân năm 2016 - 2017, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã rà soát diện tích đảm bảo nước tưới để đưa vào gieo cấy 1.600 ha lúa nước, tăng 100 ha so vụ xuân năm trước.

Ngành nông nghiệp huyện cử cán bộ về các xã hướng dẫn nhân dân làm đất gieo cấy, cung ứng kịp thời 48.000 kg giống lúa Nhị ưu 838; TH 3-3; Việt lai 20; C ưu đa hệ số 1..., nilon cho nhân dân gieo mạ bảo đảm cấy trong khung thời vụ; riêng 8 ha ở thị trấn Mù Cang Chải, giống do nhân dân tự chuẩn bị. Đến nay, nhân dân trong huyện đã gieo cấy được trên 90% diện tích, còn một số diện tích ở các xã, bản vùng cao thời tiết giá lạnh sẽ hoàn thành việc cấy lúa trong tháng 2.

Chúng tôi cùng đồng chí Phạm Tiến Lâm xuống cơ sở tìm hiểu việc sản xuất vụ xuân của đồng bào Mông. Dừng chân trên cánh đồng bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha ghi lại những hình ảnh bà con đang gieo cấy lúa vụ xuân. Thấy cán bộ đến thăm ruộng, chị Hảng Thị Xáy lên tiếng:

- Hôm nay, cán bộ lại xuống kiểm tra bà con gieo cấy à?

- Không phải kiểm tra nữa, ở đây, bà con đã tự giác sản xuất vụ xuân lâu rồi, hôm nay, chúng tôi đưa các anh nhà báo đi chụp ảnh bà con cấy lúa thôi – đồng chí Lâm đáp lời.

- Gia đình chị có nhiều ruộng không, chị làm vụ xuân lâu chưa? - tôi hỏi.

- Mình có khoảng hơn 5.000 m2, vụ mùa và vụ xuân đều gieo cấy hết diện tích. Vụ xuân thì cũng làm được gần 10 vụ rồi không nhớ rõ nữa - chị Máy cười nói.

- Chị làm ruộng có đủ gạo ăn không?

- Trước đây, không làm vụ xuân, năm nào, gia đình mình cũng phải xin gạo cứu đói mất 3 tháng, từ khi làm thêm vụ xuân có đủ gạo ăn, mỗi năm còn bán đi hơn 1 tấn thóc để mua quần áo cho con đi học và mua ít đồ dùng trong gia đình.

Chị Máy vừa dừng lời, anh Lâm đưa tay vẽ nửa vòng tròn từ những thửa ruộng bậc thang ở trung tâm xã Chế Cu Nha lên đến khu vực giáp ranh xã La Pán Tẩn rồi xuống phía xã Dế Xu Phình... mà lúa xuân đã phủ kín trên các thửa ruộng và chậm rãi nói: “Anh em làm ngành nông nghiệp chúng tôi thấy bà con người Mông đã tự giác sản xuất vụ xuân ai cũng mừng lắm! Trước đây, ở khu vực các xã ngay gần quốc lộ vẫn chủ yếu sản xuất ruộng một vụ theo tập quán canh tác cũ, nhiều hộ dân thiếu gạo ăn vài tháng, nay thì khác nhiều rồi, nhân dân trong huyện không phải xin gạo cứu đói nữa, nhiều hộ còn dư thừa thóc ăn bán ra thị trường để mua sắm đồ dùng sinh hoạt".

Được biết, diện tích 220 ha ruộng nước của xã Chế Cu Nha cách đây hơn chục năm chỉ gieo cấy một vụ, từ khi huyện triển khai xóa ruộng một vụ bà con được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc...

Hiện nay, nhân dân ở các bản vùng thấp không lạnh đã gieo cấy trên 80 ha lúa xuân; diện tích còn lại xã liên kết ký hợp đồng với Công ty Thịnh Đạt ở thị xã Nghĩa Lộ ứng giống, phân bón cho nhân dân trồng 100 ha cải dầu, Công ty sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân...

Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mù Cang Chải đạt được sau hơn một năm đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tiếp tục thi đua lao động sản xuất, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo, đưa huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển nhanh và bền vững.

Nguyễn Giang

Các tin khác

Ngày 24/4, Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh do đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch tại huyện Lục Yên.

Một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Tại Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phối hợp tiếp xúc cử tri 5/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với trên 1.600 cử tri tham dự. Qua đó, đã tiếp thu và tổng hợp 14 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Đến nay đã có 12/14 ý kiến, kiến nghị được các Bộ, ngành Trung ương có văn bản trả lời. Báo Yên Bái xin gửi tới bạn đọc và cử tri trong tỉnh nội dung chi tiết các trả lời này!

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Lạng Sơn thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương giao diện mới Báo Lạng Sơn điện tử.

Sáng 24/4, Báo Lạng Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024).

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Bình làm tốt công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ phong trào Thi đua Quyết thắng.

Những năm qua, phong trào Thi đua quyết thắng (TĐQT) của lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Bình đã được triển khai thực hiện thường xuyên, đồng bộ, toàn diện, có nội dung trọng tâm, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục