Tinh giản "đồng chí, đồng đội" là rất khó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/4/2018 | 9:07:48 AM

Ai cũng nói bộ máy đang rất cồng kềnh, kém hiệu quả nhưng phải bắt đầu từ đâu? Nếu không chỉ ra được thì "đồng chí, đồng đội” với nhau xử lý rất khó. Đây là nhiệm vụ mà Ban Tổ chức Trung ương giao cho Vụ Tổ chức cán bộ cơ quan nghiên cứu và tham mưu giải quyết.

Qua hơn 1 năm nghiên cứu và thực hiện thí điểm, "với cách làm công khai, minh bạch, khoa học khẩn trương nhưng có lộ trình hợp lý và hướng tới mục tiêu cao nhất là vì mục tiêu chung”, như chia sẻ của ông Dương Minh Đức - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cơ quan (Ban Tổ chức Trung ương) - có thể nói, bước đầu đã nhìn thấy cách giải bài toán tinh gọn bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương.

Vượt 10%, đi trước kế hoạch 3 năm

PV: Trong hơn 1 năm qua, Ban Tổ chức Trung ương đã triển khai rốt ráo việc tinh gọn và tái cơ cấu lại bộ máy. Ông có thể cho biết kết quả bước đầu của quá trình này?

Ông Dương Minh Đức: Sau hơn 1 năm nghiên cứu và triển khai thí điểm, Ban Tổ chức Trung ương hiện đã giảm được 20% biên chế, đi trước kế hoạch 3 năm và vượt được 10% so với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Thực hiện Quyết định 79 của Bộ Chính trị về chức năng nhiệm vụ, hiện Ban đang có 15 đơn vị, sau thời gian hội thảo, nghiên cứu hiện Vụ Tổ chức cán bộ đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban 2 phương án sắp xếp lại, còn 12 đơn vị và một phương án còn 9 đơn vị (có sáp nhập, có thành lập đơn vị mới). Lựa chọn phương án nào sẽ do lãnh đạo Ban, sau đó trình lên Bộ Chính trị quyết định.

Để có được kết quả này, chúng tôi phải thực hiện nhiều việc, bắt đầu từ định hướng: giảm bộ phận phục vụ, cụ thể đã điều chuyển cán bộ từ bộ phận phục vụ sang làm bộ phận chuyên môn (phục vụ ở đây chỉ những cán bộ làm công tác chuyên môn chứ không phải chỉ là hành chính, lái xe, tài vụ, quản trị - PV); sắp xếp lại bộ phận phục vụ tinh gọn, hiệu quả hơn. Trước mắt, chỉ tuyển bổ sung một phần để thay thế các cán bộ nghỉ hưu trong năm 2016, 2017; mặt khác, yêu cầu mỗi cán bộ đang làm việc phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, kết hợp với việc phân công lại theo chức năng nhiệm vụ theo vị trí việc làm một cách hợp lý hơn, nên tuy giảm về nhân sự nhưng cơ quan vẫn vận hành. Khối lượng công việc của mỗi cán bộ nhiều lên, nặng hơn nhưng hiệu quả công việc cao hơn. Nguyên tắc của chúng tôi là một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một người thì mới kiểm soát, đánh giá được, nếu không sẽ rơi vào tình trạng không quy được trách nhiệm.

Để làm được những việc này, chúng tôi thực hiện dựa trên bộ công cụ đánh giá cán bộ; vị trí việc làm; phân công, luân chuyển, điều chuyển và quy chế nội bộ. Bộ công cụ và quy chế này được xây dựng trên cơ sở ý kiến đóng góp, thảo luận của anh em toàn cơ quan. Khi đã thành quy chế mọi người theo đó thực hiện, người vi phạm cũng theo quy chế đó để xử lý, do đó tất cả mọi người đều phải chuyển động. Những công chức "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” không có chỗ để tồn tại.

Tuân thủ nguyên tắc tổ chức phải đi trước

PV: Ông có thể nói rõ hơn về quá trình nghiên cứu, xây dựng các bộ công cụ để đánh giá cán bộ?

Ông Dương Minh Đức: Xác định phải xây dựng vị trí việc làm là chủ trương của Bộ Chính trị, trong đó có việc mô tả vị trí việc làm, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Ban, của các vụ, đơn vị. Ví dụ, vụ này có chức năng tham mưu về công tác cán bộ cho hệ thống thì phải thể hiện được công việc của Vụ trưởng, Vụ phó, chuyên viên… là gì. Từ mô tả vị trí việc làm mới thực hiện xây dựng khung năng lực phù hợp với từng vị trí việc làm, tiếp đó bố trí nhân sự có năng lực tương ứng, từ đó mới quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm được.

Trong hơn 1 năm đi tiên phong trong xác định vị trí việc làm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, đến nay, Ban Tổ chức Trung ương, đã tham mưu để Lãnh đạo ban ký ban hành danh mục tạm thời gồm 39 vị trí việc làm của toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Riêng Ban Tổ chức Trung ương có 33 vị trí việc làm và thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức từ tháng 4/2018 và sẽ sơ kết việc thực hiện này vào tháng 12/2018. Dự kiến tháng 5 tới, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức giao ban trực tuyến để trao đổi và thực hiện trong toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Nhiều đơn vị tiến hành mô tả việc làm theo nhân sự, theo con người hiện có là không đúng mà phải từ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình. Chưa cần quan tâm ai đang làm gì, mà cần mô tả từng vị trí công việc, sau đó mới áp vào để xem xét. Có thể ở một đơn vị đang có tới 70 người, nhưng sau mô tả chỉ cần 50 người đảm nhiệm. Tiếp đó áp đến khung năng lực, có thể có người đủ, người chưa đủ điều kiện, nhưng không vì thế có thể cho họ nghỉ, phải xem xét theo hướng người chưa đủ năng lực thì cho đi đào tạo, chưa đúng sở trường thì luân chuyển, điều chuyển sang vị trí khác, những người sắp về hưu thì quá độ, nhưng việc tuyển mới, đào tạo, luân chuyển nhất định phải tuân thủ khung năng lực phù hợp với vị trí việc làm… Công việc này đòi hỏi phải làm đồng bộ, căn cơ nhưng cái được là cả cơ quan đều phải chuyển động theo hướng tích cực.

Biên chế làm việc ở Ban Tổ chức Trung ương thời điểm cao nhất là hơn 250 người, giờ chỉ còn hơn 220 người.

Để xây dựng bộ công cụ đánh giá cán bộ, từ nghiên cứu thực tế cách làm ở quận Long Biên (Hà Nội) và tỉnh Hà Giang, kết hợp với các yêu cầu của Nghị quyết trung ương 4, Chỉ thị 05, chúng tôi đưa ra bộ công cụ đánh giá 360 độ đối với cán bộ, tức là cấp trên đánh giá xuống, cấp dưới đánh giá lên, tự cá nhân đánh giá, rồi đánh giá ngang cấp, tổ chức Đảng đánh giá về ý thức tiên phong, gương mẫu của người đảng viên… Bộ công cụ này đã được trình lên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho ý kiến chỉ đạo sau đó sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong toàn cơ quan trước khi Lãnh đạo ban kí ban hành.

Như vậy, với danh mục vị trí việc làm và bộ công cụ để đánh giá cán bộ sẽ làm cho mọi việc trở nên minh bạch, người nào thực sự cống hiến bằng năng lực, phẩm chất sẽ được đánh giá khách quan, chính xác. Đây cũng là cơ sở để đào tạo, luân chuyển, đề bạt, cất nhắc, khi đó, công tác cán bộ tự nhiên sẽ trở nên chắc chắn và lành mạnh bởi nó được dựa trên năng lực, phẩm chất, hiệu lực hiệu quả công việc.

PV: Là đơn vị được lãnh đạo Ban giao nhiệm vụ nghiên cứu và thí điểm thực hiện, theo ông đâu là điểm mấu chốt để việc tinh gọn, tái cơ cấu lại bộ máy đạt được hiệu quả?

Ông Dương Minh Đức: Kinh nghiệm của chúng tôi là phải dựa vào các công cụ đánh giá thì việc tinh gọn hay sắp xếp lại mới thuyết phục. Cá nhân phải tinh giản hay các bộ phận sẽ sáp nhập hoặc thay đổi cũng thấy việc đó là vì một mục tiêu chung phải làm như thế. Sau tất cả những chuyện đó rồi mới tính đến chuyện nhân sự, chứ không thể ngay từ đầu đã nặng về chuyện nhân sự, nhắm ông A cho vị trí này, hoặc sát nhập vào nhau vị trí ông A sẽ thế nào… Phải theo đúng nguyên tắc tổ chức cán bộ, tổ chức phải đi trước, phải làm cho xong và làm thật khách quan, trong sáng rồi mới tính đến con người. Giải quyết vấn đề con người cũng phải căn cứ vào năng lực, phẩm chất, triển vọng để từ đó trao đổi, lựa chọn theo phương thức tính đến quá độ, có cả tương lai và phù hợp tốt nhất với năng lực sở trường cũng như tính đến những yếu tố do lịch sử để lại.

Người đứng đầu không chỉ làm thủ trưởng mà phải làm thủ lĩnh

PV: Việc tinh gọn bộ máy cũng như tinh giản biên chế sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của người đứng đầu, tăng quyền lực nhiều hơn cho lãnh đạo. Vấn đề kiểm soát quyền lực được xử lý thế nào?

Ông Dương Minh Đức: Tổng Bí thư đã nói trong kiểm soát quyền lực, "công khai là thanh bảo kiếm”. Công khai và dân chủ sẽ tạo thành cơ chế ràng buộc nhau. Bằng công cụ đánh giá 360 độ đối với cán bộ như tôi đã nói ở trên, cấp trên đánh giá xuống, cấp dưới đánh giá lên, tự cá nhân đánh giá, rồi đánh giá ngang cấp, tổ chức Đảng đánh giá về ý thức tiên phong, gương mẫu của người đảng viên … Khi đó, cấp dưới nhìn vào buộc anh phải thực hiện, cấp trên nhìn xuống buộc anh phải có trách nhiệm để phát huy sức mạnh tổng hợp của anh em.

Người đứng đầu không chỉ biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới mà phải biết kết luận, đó mới đúng là dân chủ tập trung. Dân chủ là phải mở ra, để tất cả mọi người được phát huy trí tuệ. Nhưng để tập trung được, đòi hỏi người đứng đầu phải có phẩm chất, năng lực, không chỉ tiếp thu ý kiến của anh em mà còn phải biết nâng tầm những ý kiến đóng góp đó.

Anh được làm thủ trưởng là do Đảng, Nhà nước bổ nhiệm, cấp dưới có thể khẩu phục. Nhưng để cấp dưới tâm phục, khẩu phục, anh phải đạt được ở mức thủ lĩnh. Vai trò của người đứng đầu thể hiện ở chỗ đó.

Người đứng đầu còn cần phải có tâm. Anh có trình độ, nhìn ra vấn đề, nhưng nếu thiếu trong sáng, lồng ý chủ quan của mình vào, lập tức kết luận của anh trở nên méo mó.

PV: Xin cảm ơn ông!
 
(Theo VOV)

Các tin khác

Ngày 19/3, tại Trường Chính trị tỉnh, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã giảng dạy tại lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược.

Măng mai Lâm Thượng là một trong những sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao đang được huyện Lục Yên quan tâm phát triển.

Do vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Yên đã xây dựng Kế hoạch số 179 thực hiện Chương trình hành động (CTHĐ) số 188 của Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ năm 2024 với 46 chỉ tiêu Tỉnh ủy giao và 15 chỉ tiêu theo kế hoạch của huyện.

Theo Chương trình Phiên họp thứ 31, sau phiên chất vấn buổi sáng ở lĩnh vực tài chính, chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, kết nối trực tuyến đến 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục