Diễn văn của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/6/2018 | 2:35:57 PM

YênBái - YBĐT - Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, tổ chức sáng 9/6.

Kính thưa đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo  tỉnh qua các thời kỳ!
Kính thưa các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lao động!
Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí!

Hòa chung trong không khí vui mừng, phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2018), hôm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những lời dạy quý báu và tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh những tập thể và cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước thời gian vừa qua. 

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các vị đại biểu, khách quý, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị thuộc 17 khối thi đua của tỉnh, đặc biệt là các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ, UBND tỉnh ngày hôm nay. 

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác thi đua; lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng, nâng cao, phát huy lòng yêu nước, thể hiện bằng hành động thực tế trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập. Người đã dạy: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải  thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi chính quyền cách mạng và công cuộc bảo vệ Tổ quốc đang ở tình thế "nghìn cân treo sợi tóc” chống lại thù trong, giặc ngoài, Người đã phát động nhiều phong trào vận động quần chúng để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách như "Hũ gạo nuôi quân”; "Tuần lễ vàng”; thi đua tăng gia sản xuất, chiến đấu giỏi để vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm... từ đó tạo khí thế cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong quần chúng nhân dân, giúp chúng ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách trong những ngày đầu tiên đất nước giành độc lập.

Ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ban hành 10 điều thưởng. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho công tác khen thưởng, là cơ sở để từ đó hình thành các chủ trương, chính sách lớn về thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, nhân kỷ niệm một nghìn ngày toàn quốc kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã ra"Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cùng nhau thi đua, đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Lời kêu gọi của Bác đã như một lời hiệu triệu, phát động một phong trào quần chúng rộng lớn cả trong chiến đấu, sản xuất, làm việc và học tập để "kháng chiến và kiến quốc thành công”.

Toàn dân, toàn quân ta đã nhiệt liệt hưởng ứng, nhất tề đứng dậy làm nên những chiến thắng vẻ vang, viết nên những trang sử chói lọi trong các cuộc kháng chiến kiến quốc mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Khi hoà bình được lập lại, các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được phát động sôi nổi, rộng khắp với nhiều chủ đề như: "Sóng Duyên Hải”, "Gió Đại Phong”, "Thanh niên sẵn sàng, phụ nữ đảm đang”, "Một người làm việc bằng hai”... để vận động, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế…


Kính thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể các đồng chí,

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong suốt 70 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống yêu nước, không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, tích cực đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung cũng như quê hương Yên Bái nói riêng.

Các phong trào thi đua được quan tâm, triển khai rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu như phong trào"Tuần lễ vàng”, chỉ trong một ngày ở phố Cát Tường, huyện Yên Bình đã có 50 gia đình ủng hộ cách mạng 0,7 lạng vàng, 20 lạng bạc, gần 100 đồng Đông Dương; tổng cộng, nhân dân tỉnh Yên Bái đã đóng góp gần 20 lạng vàng, 200 lạng bạc và 3 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ; hay phong trào xóa nạn mù chữ, diệt giặc dốt được các ban Bình dân học vụ các cấp trong tỉnh triển khai tích cực; nhiều người biết chữ đã xung phong tới các bản làng vận động nhân dân học chữ và chỉ trong vòng một năm Yên Bái đã có hàng vạn người đọc thông, viết thạo...

Trong những năm vừa qua, chất lượng các phong trào thi đua ngày càng được nâng lên, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm triển khai tích cực, được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia.

Điển hình là các phong trào thi đua "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức "Trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu”; "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”; "Thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, "Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quản lý kinh doanh giỏi”; "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, "Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”;"Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ”...
Các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh đã khơi dậy tinh thần tự giác và sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp... Đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là động lực to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Cũng nhờ động lực từ các phong trào thi đua, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh.
Lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.500 tỷ đồng; đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 36 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (vượt 44% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII); tỷ lệ giảm hộ nghèo vượt so với kế hoạch; công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2017 tăng 14 bậc; đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong thu hút các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là, việc triển khai các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp, tinh giảm 86 cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc, giảm 474 biên chế các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Những kết quả trên đây đã tạo thế và lực, là tiền đề vững chắc để tỉnh Yên Bái phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện hàng loạt tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 
Tại Lễ kỷ niệm ngày hôm nay, chúng ta lựa chọn biểu dương và tôn vinh 70 điển hình tiên tiến và 41 tập thể, cá nhân xuất sắc. Nhưng chúng ta cũng tin tưởng rằng, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng ở nhiều lĩnh vực, nhiều cương vị công tác, nhiều thành phần dân tộc và trong mọi tầng lớp nhân dân đang ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo, lặng lẽ, miệt mài cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nhà, cho quê hương, đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng, đánh giá cao và biểu dương các tập thể, cá nhân được tuyên dương trong buổi lễ trọng thể ngày hôm nay. Tôi cũng hoan nghênh và biểu dương các sở, ban, ngành, địa phương, cảm ơn đồng bào và nhân dân toàn tỉnh đã tích cực, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý
Thưa toàn thể các đồng chí,

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận, phong trào thi đua và công tác khen thưởng thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế: phong trào thi đua và công tác khen thưởng tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa thực sự toàn diện, ở một số ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức; việc đăng ký, ký kết giao ước thi đua chưa bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; hoạt động của một số khối thi đua hiệu quả còn thấp; vai trò của các tổ chức đoàn thể chưa được phát huy mạnh mẽ; công tác hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua chưa kịp thời. 

Còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến chưa được phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng kịp thời và hiệu quả; tỷ lệ khen thưởng chưa cân đối, bình xét danh hiệu thi đua có lúc còn nể nang, luân phiên, cào bằng... Những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục, sửa chữa.
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể các đồng chí,

Chúng ta đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với các cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi công tác thi đua, khen thưởng phải có nhiều đổi mới, quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa, biện pháp tổ chức theo đúng lời dạy của Bác, đó là: "Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”; "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.

Ðể tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 15/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017-2020”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; trong thời gian tới, các ngành, các cấp, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu, đó là:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở với hình thức phong phú, đa dạng, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả...

Thứ hai là, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Thi đua thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua.
Thứ ba là, phải xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua cần hướng tới việc khuyến khích đổi mới tư duy sáng tạo, tiếp cận, phát triển và nhân rộng những mô hình mới, hiệu quả trong quản lý, khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học...tận dụng tốt cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước đưa tỉnh nhà tiến kịp với trình độ phát triển chung của cả nước.

Thứ tư là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp. Kiện toàn, mở rộng và nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của các khối thi đua từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng, để khen hưởng phải kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, là động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua.
Thứ năm là, chú trọng xây dựng đội ngũ người làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bề dày kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và các phong trào thi đua để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng. 

Kính thưa các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí!

Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta cùng bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chính là tấm gương mẫu mực, là nguồn động viên, khích lệ to lớn cho chúng ta trong các phong trào thi đua yêu nước.

Tôi tin tưởng rằng, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự quản lý, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình, rộng rãi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng quê hương Yên Bái.

Chúc phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển và thu được những thành tựu rực rỡ. 
Kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Các tin khác
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất của Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023 - 2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024 - 2025).

Kỳ thứ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Trong các ngày 23 và 24/4/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 40. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Ngày 24/4, Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh do đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có cuộc giám sát chuyên đề thực hiện một số chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển du lịch tại huyện Lục Yên.

Một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Tại Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã phối hợp tiếp xúc cử tri 5/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với trên 1.600 cử tri tham dự. Qua đó, đã tiếp thu và tổng hợp 14 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. Đến nay đã có 12/14 ý kiến, kiến nghị được các Bộ, ngành Trung ương có văn bản trả lời. Báo Yên Bái xin gửi tới bạn đọc và cử tri trong tỉnh nội dung chi tiết các trả lời này!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục