Dự kiến trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/5/2023 | 2:41:37 PM

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bổ sung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023), thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình.

Thảo luận Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu

Sáng 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ năm theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự kiến đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ năm).

Hai dự án luật, bao gồm: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu.


Quang cảnh phiên thảo luận.

Bên cạnh đó, bổ sung 4 dự án luật, bao gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu và thông qua tại kỳ họp thứ bảy...

Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ sáu.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy đối với 10 dự án, trong đó có 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu và 2 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy và thông qua tại kỳ họp thứ tám đối với 9 dự án luật; cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám đối với 2 dự án luật.


Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) thảo luận.

Xây dựng chương trình pháp luật toàn khóa, hạn chế điều chỉnh

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nhận định, số lượng dự án luật, pháp lệnh phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình còn lớn. Điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn, đòi hỏi nhanh chóng điều chỉnh. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao.

Cho rằng hoạt động lập pháp vẫn còn hạn chế nhất định, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nêu 3 điểm cố hữu: Thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh; chất lượng các đạo luật chưa cao; kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ.

"Để khắc phục 3 hạn chế này, phải sớm khôi phục việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hằng năm”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đồng tình với việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải quyết liệt hơn nữa, cơ quan nào vi phạm về thời gian sẽ dừng, không trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, để nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trước hết Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị sửa đổi Luật Thương mại, Luật Bảo hiểm y tế; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Luật Người cao tuổi; xây dựng Luật Đô thị đặc biệt; đồng thời đánh giá cao và đề nghị bổ sung dự án Luật Chuyển đối giới tính do đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) soạn thảo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 21 đại biểu phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp ý kiến của các đại biểu, tổ chức chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương dâng hương, hoa tại điện Kính Thiên (Đền Hùng, Phú Thọ) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến kỳ họp thứ 7 sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần đầu với 11 dự luật.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hình sự Yên Bái thảo luận phương án bắt giữ tội phạm.

Ngày 18/4 hằng năm là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát hình sự. Đó là ngày tôn vinh những chiến sĩ cảnh sát mang trong mình tinh thần dũng cảm, mưu trí và phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên quyết đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Sáng 17/4, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục