Công tác dân vận góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/10/2010 | 9:54:42 AM

YBĐT - Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy Yên Bái, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái trao đổi với các điển hình “Dân vận khéo”.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái trao đổi với các điển hình “Dân vận khéo”. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Công tác dân vận của các cấp ủy đã tích cực đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, cán bộ trong hệ thống chính trị luôn gắn bó với dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân và nắm vững tình hình nhân dân, tham mưu kịp thời để giải quyết những vấn đề nảy sinh. Công tác dân vận đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Các lực lượng dân vận đã vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, phát huy nội lực, khai thác lợi thế từng vùng, từng địa bàn, lập nên những thành tựu mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam và gắn liền với từng bước trưởng thành của Đảng. Một trong những truyền thống tốt đẹp và nguồn gốc sức mạnh của Đảng là mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân. Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân trước hết và chủ yếu thể hiện ở mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân thông qua chính sách, pháp luật và hoạt động của cán bộ, công chức đồng thời thể hiện ở mối quan hệ giữa Mặt trận và các đoàn thể với nhân dân.

Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi công tác vận động, tổ chức quần chúng tham gia vào mọi công việc của cách mạng là vấn đề chiến lược xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định rõ mục đích trước hết của Người là trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập, tự do. Sau khi giành được chính quyền, trong bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật năm 1949, Người khẳng định: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Cùng với lịch sử 80 năm vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác dân vận của Đảng đã đánh dấu những chặng đường lịch sử đầy tự hào với nhiệm vụ tập hợp, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân thành một lực lượng to lớn, đông đảo, đoàn kết chung quanh Đảng tham gia các phong trào cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những kỳ tích vẻ vang. Đó là các phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng nhân dân từ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930 - 1931 đến phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương thời kỳ 1936 - 1939, phong trào Phản đế 1939 - 1941, phong trào Mặt trận Việt Minh thời kỳ 1941 - 1945 làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập và xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), Đảng ta tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh truyền thống đoàn kết toàn dân để thực hiện các mục tiêu kháng chiến, tổ chức được nhiều cao trào rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động lực lượng làm nên những chiến công hiển hách, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thắng lợi của công cuộc đổi mới cũng khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của công tác vận động quần chúng và khẳng định sức mạnh của nhân dân cùng toàn Đảng đưa đất nước phát triển vượt bậc trong khu vực.

Từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta đã rút ra những bài học lớn, trong đó có bài học liên quan trực tiếp tới công tác dân vận của Đảng. Đó là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, chính nhân dân là người làm nên thắng lợi của lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân.

Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh đất nước. Đảng không ngừng củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc" và xây dựng cơ chế để thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy Yên Bái, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tập trung phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao, vùng dân tộc ít người và vùng đặc biệt khó khăn. Công tác dân vận của các cấp ủy đã tích cực đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, cán bộ trong hệ thống chính trị luôn gắn bó với dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân và nắm vững tình hình nhân dân, tham mưu kịp thời để giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Công tác dân vận đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Các lực lượng dân vận đã vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, phát huy nội lực, khai thác lợi thế từng vùng, từng địa bàn, lập nên những thành tựu mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có thể kể đến thắng lợi của cuộc vận động di dân để xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà; thắng lợi của cuộc vận động đồng bào vùng cao xóa bỏ hàng ngàn héc-ta cây thuốc phiện, thay thế bằng nhiều loại cây lâm - nông nghiệp có năng suất, sản lượng cao; cuộc vận động làm đường giao thông nông thôn, đặc biệt là chiến dịch làm đường lên các xã vùng cao khó khăn của huyện Trạm Tấu, Văn Yên, Văn Chấn để hoàn thành 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; cuộc vận động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo nên những vùng kinh tế tập trung như vùng chè, vùng quế, vùng lúa, vùng cây ăn quả, vùng sắn...

Bên cạnh đó, các lực lượng dân vận đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện thắng lợi chủ trương xóa nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Đảng bộ trong từng giai đoạn. Các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tấm lòng vàng” và các loại quỹ nhân đạo từ thiện, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. 

Đội ngũ cán bộ ban dân vận các cấp thường xuyên được củng cố,  tăng cường và không ngừng được bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực công tác. Thời gian gần đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu có hiệu quả công tác vận động quần chúng, xây dựng các đề án khả thi như Đề án “Nâng cao chất lượng công tác tôn giáo, tín ngưỡng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2009 - 2015”, xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng công tác quần chúng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân vận cơ sở”, về “Nghiên cứu phong tục tập quán, nâng cao hiệu quả công tác vận động đồng bào dân tộc Dao tỉnh Yên Bái trong công cuộc đổi mới”; tham mưu nâng cao hiệu quả lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bước đầu đẩy mạnh năng lực lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận đối với các cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, tham mưu triển khai có kết quả bước đầu phong trào thi đua xây dựng các điển hình "Dân vận khéo"; xây dựng được nhiều điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân, tạo nên một phong trào sôi nổi, rộng khắp, có sức lan tỏa trong cộng đồng và chỉ sau một năm phát động, đã có gần 1.000 mô hình đăng ký xây dựng từ cơ sở. Có 56 điển hình được ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và 3 tập thể, cá nhân được báo cáo điển hình tại Hội nghị Biểu dương phong trào dân vận khéo toàn quốc.

Phong trào thi đua thiết thực từ cơ sở đã phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước vào công cuộc đổi mới đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Vừa qua, ban dân vận các cấp đã tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia văn kiện đại hội Đảng các cấp, giới thiệu nhân sự đại hội và tổ chức thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Trong quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng, những cán bộ dân vận của Đảng luôn thấm nhuần và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối đoàn kết, thống nhất".

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chưa nhận thức đúng và đầy đủ về nhiệm vụ công tác dân vận. Lực lượng cán bộ tham mưu về công tác dân vận còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng mới. Sự phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, chưa đạt hiệu quả cao.

Công tác dân vận của chính quyền chuyển biến chưa rõ nét, việc xây dựng và thực hiện Quy chế ở dân chủ chưa đồng bộ; một vài nơi vẫn để tình trạng thắc mắc, khiếu kiện, một số cán bộ vi phạm dân chủ dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Một số phong trào thi đua của Mặt trận, đoàn thể chưa đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả còn hạn chế. Việc phát triển và nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên ở vùng cao còn gặp nhiều khó khăn.

Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, chúng ta càng tự hào về những đóng góp của lực lượng dân vận trong hệ thống chính trị và nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót, chúng ta càng nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác vận động quần chúng của Đảng bộ tỉnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Để giữ vững niềm tin với Đảng và nhân dân, trong thời gian tới, công tác dân vận tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tăng cường công tác tham mưu, nắm chắc tình hình nhân dân, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; giữ mối liên hệ giữa Mặt trận, đoàn thể, phối hợp vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hai là, tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực vận động quần chúng cho đội ngũ cán bộ khối dân vận xã, phường, thị trấn và cán bộ Mặt trận, đoàn thể các huyện, thị, thành phố mới kiện toàn sau đại hội Đảng các cấp; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành làm nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến công tác vận động quần chúng nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước theo tinh thần Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Ba là, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đề cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của nhân dân thông qua tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Bốn là, không ngừng nâng cao cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, không để xảy ra “điểm nóng” trong cộng đồng dân cư.

Năm là, tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tích cực học tập để chuyển giao công nghệ, khoa học, kỹ thuật, sáng tạo trong lao động, có ý chí vươn lên làm giàu, đoàn kết tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Hoàng Đức Quế - Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái

Các tin khác

Chiều nay – 19/4, thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác, kết nghĩa năm 2023, triển khai chương trình năm 2024.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương khai trừ Đảng ông Lê Viết Chữ

Bộ Chính trị khai trừ đảng nhiều cán bộ ở Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Căn cứ vào các vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều cán bộ khác của Bộ này cũng bị kỷ luật.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đến hết quý 1, thành phố Yên Bái đã có 21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm theo Kế hoạch hành động số 236 của Thành ủy; 17 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch,

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục