Mù Cang Chải chủ động phòng chống rét cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/10/2013 | 8:44:31 AM

YBĐT - Để phòng tránh thiệt hại cho đàn gia súc khi mùa đông đến, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã sớm triển khai giải pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Vấn đề này thực sự cấp thiết, nhất là khi tình hình thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

Tỷ lệ hộ dân có gia súc làm chuồng trại đạt trên 90%.
Tỷ lệ hộ dân có gia súc làm chuồng trại đạt trên 90%.

Nếu như những năm trước, vào thời điểm vụ mùa, lên Mù Cang Chải, đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh người dân đập lúa xong chất rơm đốt khói nghi ngút thì nay đã khác. Trên khắp các cánh đồng từ Nậm Có, Cao Phạ, Chế Cu Nha đến La Pán Tẩn, Lao Chải, Khao Mang… nông dân gom rơm thành từng bó đưa về nhà lều, cho rơm lên xe máy chở về nhà, thậm chí có hộ còn dùng cả ô tô chở rơm về dự trữ.

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Cách đây 3, 4 năm, trâu, bò của huyện bị chết đói, chết rét nhiều. Như năm 2010, có trên 2.000 con chết rét thì hai năm nay đã giảm rõ rệt. Trâu, bò đối với người dân vùng cao là cả một khối tài sản lớn nên mấy năm nay, ý thức của người dân về chăm sóc, dự trữ thức ăn, chống rét cho trâu, bò trong mùa đông cũng đã được nâng cao. Ngay thời điểm này, khi thu hoạch vụ mùa, huyện đã tăng cường vận động, tuyên truyền người dân chăm sóc, bảo vệ và phát triển diện tích cỏ chăn nuôi; tận dụng các phụ phẩm trồng trọt như thân cây ngô, rơm rạ để tích trữ; kiểm tra, tu sửa lại chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo kín gió trong mùa đông”.

Cùng với vận động, tuyên truyền người dân chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc, huyện đã hỗ trợ 600 cây rơm cho người dân với mức hỗ trợ 300.000 đồng/cây. Đến nay, việc chuẩn bị thức ăn cho gia súc trong mùa đông cơ bản bảo đảm, hầu hết các hộ chăn nuôi đều có rơm khô dự trữ; tỷ lệ hộ dân có gia súc làm chuồng trại đạt trên 90%. Nhiều hộ mặc dù không được hỗ trợ cây rơm nhưng vẫn tự giác mang rơm về dự trữ cho gia súc nhà mình.

“Mình có trâu, bò thì mình phải bảo vệ thôi. Nếu được Nhà nước hỗ trợ làm cây rơm thì tốt, còn không thì năm nào mình cũng dự trữ ở nhà lều này, khi nào rét chở dần về nhà cho 3 con trâu ăn” - anh Thào Nhà Tông ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn cho biết.

Đến gia đình ông Giàng A Cheo, bản Rèo Sa, xã Lao Chải đúng lúc ông vừa đi chăn thả 4 con trâu về. Vừa cho trâu vào chuồng ông vừa nói: “Mình đi thả về rồi nhốt nó vào đây, hôm nào rét quá thì che bạt xung quanh và lấy rơm cho nó ăn. Được cán bộ bảo nên khi gặt xong, toàn bộ rơm mình đem phơi khô, bó thành bó, mang về nhà cất. Gia đình cũng kết hợp trồng thêm cỏ ở xung quanh nhà để làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa rét”.

Gặt xong, người dân chủ động dự trữ rơm.

Cứ gặt xong, không cần ai nhắc nhở hay vận động, gia đình ông Sùng A Làng ở bản Khao Mang, xã Khao Mang lại cho toàn bộ rơm rạ thu được vào nhà lều rồi lấy xe máy chở về dần vì nhà cách ruộng gần 10km.

Ông Làng bảo rằng: “Gia đình có 4 con trâu, 8 con bò, trị giá trên 300 triệu đồng đấy. Đây là khối tài sản lớn nên tôi phải bảo vệ chúng chứ. Vụ này, tôi dự trữ trên 2 tấn rơm, rơm nhà không đủ tôi đi xin thêm rơm của những nhà nuôi ít và trồng thêm 0,5ha cỏ voi. Những ngày nắng ấm, tôi chăn thả gần nhà, còn những khi trời lạnh chỉ cần nhốt tại chuồng, cho ăn thì không lo trâu, bò chết rét nữa rồi”.

Không chỉ riêng gia đình ông Cheo, ông Làng mà hầu hết các hộ nuôi gia súc ở đây bây giờ đều đã biết dự trữ rơm khô để làm thức ăn thường xuyên cho trâu, bò trong mùa đông. Ngoài rơm rạ và thức ăn tươi, bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chuẩn bị bổ sung thức ăn tinh cho trâu, bò như: cám gạo, bột ngô, cây chuối… và cho uống nước ấm, nước muối… để tăng sức đề kháng.

Công tác phòng, chống đói, rét và dự trữ thức ăn cho gia súc của huyện những năm qua đã có nhiều chuyển biến đặc biệt là ý thức của người dân đã được nâng cao. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết khi bắt đầu vào mùa đông, các cấp chính quyền cũng chú trọng tuyên truyền tới người dân về việc không chăn thả gia súc trong những ngày giá lạnh kết hợp tu sửa, gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, chắn gió cho gia súc; tăng cường thực hiện các biện pháp giữ ấm cũng như phòng chống dịch, bệnh cho đàn gia súc theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

H.D

Các tin khác
Một ngôi nhà ở huyện Trấn Yên bị tốc mái hoan toàn do trận dông lốc sáng ngày 28/3/2024.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái, tính đến 14h ngày 29/3/2024, dông lốc và mưa đá đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều tài sản và hoa màu của nhân dân.

Sáng 29/3 giá vàng SJC tăng lên mức 81,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tăng lên 71,23 triệu đồng/lượng. Sáng cùng ngày, giá vàng nhẫn tròn ở mức 70,5 triệu đồng/lượng, cao hơn 750.000 đồng so với ngày 28/3.

Các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống sẽ được giám sát chặt chẽ

14 tổ chức tín dụng có tầm quan trọng trong hệ thống sẽ phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động, ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa gửi công điện hỏa tốc yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục