Nghịch lý chăn nuôi: Vào "phình", ra "lép"

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/4/2014 | 9:41:37 AM

YBĐT - Thức ăn chăn nuôi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi quá trình tạo ra sản phẩm chăn nuôi. Nhưng có một nghịch lý là sản phẩm chăn nuôi có thể giảm nhưng giá thức ăn thì hầu như không. Như vậy, cần có thêm nhiều giải pháp tích cực để hài hòa giữa lợi ích của người chăn nuôi và doanh nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH Hòa Bình Minh chăm sóc đàn lợn thịt. Ảnh: Linh Chi
Công nhân Công ty TNHH Hòa Bình Minh chăm sóc đàn lợn thịt. Ảnh: Linh Chi

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo và sắn vào "top" đầu của thế giới nhưng để chế biến thức ăn chăn nuôi cần rất nhiều nguyên liệu khác như: ngô, đậu tương, khô dầu, bột xương, bột cá, vitamin. Các nguyên liệu này đều phải nhập khẩu từ 60% đến 100% và giá cả phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ. Vài năm trở lại đây, giá cả mặt hàng này không ngừng tăng.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng; ngô tăng 6,28%, khô dầu đậu tương tăng 19,6%, bột cá tăng 28,4%, cám gạo tăng 13,67%, sắn lát tăng 11,43%. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho gà thịt tăng 8%, lợn thịt tăng 10,2%.

Tỉnh Yên Bái có trên 1.100 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi với các nhãn hiệu: Lái Thiêu, Newhope, Con cò, An Co… với sản lượng hàng năm đạt trên 40.000 tấn.

Yên Bái có duy nhất một nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín hàng năm sản xuất và tiêu thụ 5.000 tấn, chủ yếu là các loại thức ăn cho lợn nái và lợn thịt các tháng tuổi.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Huyên - Giám đốc Công ty cho biết: "Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa đang bị lép vế ngay trên sân nhà so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Tín đã cơ cấu lại sản phẩm để phù hợp với thị trường, cắt giảm chi phí, hạ giá thành để giảm chi phí cho khách hàng và người chăn nuôi, lựa chọn phân khúc phù hợp với khả năng của mình, chuyển dịch nhà máy về vùng nguyên liệu và gần người chăn nuôi để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Nhà máy ở Yên Bái phân phối cho các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang đã vận hành được 1 năm và khai thác được 60% công suất".

Thức ăn công nghiệp chủ yếu dùng phục vụ nhu cầu chăn nuôi lợn và gia cầm. Hai lĩnh vực này không ngừng tăng trưởng với tốc độ đạt từ 4% trở lên do phát triển chăn nuôi hàng hóa: đàn lợn đạt 473.000 con, đàn gia cầm đạt 3,5 triệu con và 70% - 80% số cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. So với cách chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi theo phương thức này đã tạo ra giá trị vượt trội hơn nhiều lần.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà máy của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín.

Theo các nhà chuyên môn, 2,7kg thức ăn chăn nuôi cho 1kg tăng trọng gà và 3,1kg cho 1kg tăng trọng lợn. Hiệu suất chăn nuôi là vậy nhưng người chăn nuôi đang thua lỗ triền miên. Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong 2 năm 2012 - 2013, ngành chăn nuôi lỗ 27.000 tỷ đồng, trong đó có 20 tháng lỗ hoàn toàn.

Một trong những lý do là giá sản phẩm chăn nuôi không tăng theo kịp giá thức ăn, hay nói cách khác là đầu ra "lép" mà đầu vào càng "phình". Nếu như năm 2010, giá một ki-lô-gam thức ăn công nghiệp thường hỗn hợp chỉ ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, tức là từ 230.000 - 250.000 đồng mỗi bao loại 25kg, giá lợn hơi 35.000 - 40.000 đồng/kg, giá gà nuôi công nghiệp cũng đạt 80.000 - 90.000 đồng/kg thì hiện nay, giá thức ăn đã là 14.000 - 15.000 đồng/kg, mỗi bao cám 25kg có giá 350.000 - 375.000 đồng, giá lợn chỉ lên chưa quá 40.000 đồng, giá gia cầm nuôi theo phương thức công nghiệp khoảng 70.000 đồng.

Trong khi đó, chi phí thức ăn chiếm đến 70%, mỗi tạ lợn sẽ cho lãi khoảng 200.000 - 400.000 đồng, mỗi lứa gà sẽ lãi 10.000 đồng/con nhưng nếu chẳng may gặp dịch bệnh coi như thua lỗ. Đây quả là một thách thức lớn với người chăn nuôi. Để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ chăn nuôi đã phối trộn thức ăn bằng các loại cám ngô, cám gạo.

Với kinh nghiệm chăn nuôi lớn mấy năm nay, anh Hoàng Ngọc Minh ở thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) cho biết: "Mỗi lứa gà, tôi nuôi 1.500 con. Nếu cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp sẽ hết hơn 2 triệu đồng mỗi ngày, nếu trộn thêm cám ngô và cám gạo sẽ còn 1,5 triệu đồng mà vẫn cho hiệu quả 4 tháng xuất chuồng 1 lứa".

Giải quyết vấn đề mâu thuẫn này cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, xây dựng liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra với giá cả sản phẩm ổn định. Ngoài ra, công tác khuyến nông cần hướng dẫn người dân sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, tạo thức ăn phối trộn hợp lý vẫn tạo ra hiệu quả tăng trọng mà giá thành lại rẻ hơn.

 Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, đối với những cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chỗ, do không mất chi phí vận chuyển và qua nhiều khâu trung gian nên giá thành rẻ hơn từ 2% - 3%. Vì vậy, cần có thêm chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy thức ăn chăn nuôi tại chỗ.

          Hồng Khanh

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục