Văn Chấn: Cần thúc đẩy phát triển vốn rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/7/2014 | 8:46:06 AM

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, Văn Chấn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trong huyện trồng và phát triển vốn rừng. Bình quân mỗi năm huyện trồng mới gần 2.000ha rừng. Không chỉ trồng mà người dân còn làm khá tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng, nhờ vậy, tỷ lệ tàn che ngày một nâng lên.

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.
Cán bộ kiểm lâm kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đến hết năm 2015 là nâng độ tàn che lên 62,5%. Tuy nhiên, cho đến nay đã gần hết nhiệm kỳ Đại hội, thẳng thắn đánh giá, mục tiêu trên khó thành hiện thực. Vậy đâu là nguyên nhân?

Văn Chấn là huyện có diện tích rừng rộng lớn, tài nguyên rừng phong phú với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm. Song, do những năm trước đây người dân có tập quán phát nương làm rẫy, không ít người dân chỉ biết lấy khai thác chặt phá rừng là chính, do đó diện tích rừng ngày một thu hẹp, tài nguyên rừng nghèo kiệt, nhất là khu vực cánh đồng Mường Lò. Trước thực trạng đó, huyện đã vận động nhân dân chuyển sang nền lâm nghiệp xã hội, lấy bảo vệ rừng và xây dựng vốn rừng là chính.

Đặc biệt, từ năm 2006, Văn Chấn đã tạo ra một bước đột phá trong trồng rừng kinh tế. Đối với các xã vùng ngoài, việc trồng rừng kinh tế đã trở thành một nghề, nhưng đối với các xã vùng cánh đồng Mường Lò và các xã vùng thượng huyện thì còn rất mơ hồ. Nhưng ngay trong năm 2006, toàn huyện đã trồng được trên 1.400ha rừng kinh tế đảm bảo phát triển tốt, bà con các dân tộc Tày, Mường, Thái, Mông đã biết trồng và tu bổ rừng. Vui hơn cả là huyện đã tạo được bước đột phá mới trong nhận thức của người dân vùng Mường Lò về trồng rừng kinh tế, tăng thu nhập tạo động lực thúc đẩy kinh tế vùng.

Từ đó đến nay, trồng rừng ở Văn Chấn không chỉ là phong trào mà đã trở thành một nghề trong dân. Theo số liệu thống kê năm 2010, diện tích có rừng của huyện đạt 68.400ha, tỷ lệ che phủ đạt 54%, đến năm 2012 con số này là  71.151ha, tỷ lệ che phủ đạt 57%. Tuy nhiên, trong năm 2013, thực hiện Quyết định 578/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2011-2020 thì tổng diện tích đất lâm nghiệp huyện Văn Chấn giảm 8.504ha/9.872ha cắt giảm quy hoạch đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Như vậy, tính cả diện tích rừng trồng mới năm 2014, huyện Văn Chấn chỉ còn 64.000ha rừng, cũng đồng nghĩa với độ che phủ giảm còn 53%.

Để đạt mục tiêu Nghị quyết trong năm 2015, hai năm còn lại Văn Chấn phải trồng mới 14.100ha mới đạt độ tàn che 62,5% - một con số không thể thực hiện được. Bên cạnh việc hụt diện tích do điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, còn có hơn 2.000ha bàn giao thực hiện Dự án trồng cây cao su và hết năm 2015 bàn giao tiếp hơn 2.000ha nữa. Đó là những khó khăn khách quan ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp trên địa bàn nhưng bên cạnh đó cũng cho thấy việc trồng và phát triển vốn rừng ở Văn Chấn đang có chiều hướng chững lại so với vài năm về trước.

Theo rà soát, hiện toàn huyện chỉ còn hơn 10.000ha đất phát triển lâm nghiệp. Thế nhưng phần lớn là xa khu dân cư, nhỏ lẻ, nhiều diện tích hiện người dân đang canh tác cây nông nghiệp. Cùng với đó là vẫn còn một bộ phận nhân dân, nhất là các xã quanh vùng cánh đồng Mường Lò mới chủ yếu sản xuất thuần nông, độc canh cây lúa, không mấy quan tâm đến phát triển nghề rừng. Việc trồng, bảo vệ rừng vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhân dân các huyện như: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên muốn phát triển nghề rừng mà không có đất thì không ít hộ dân ở vùng cao Văn Chấn có đất lại được Nhà nước đầu tư giống, phân bón vậy mà vẫn không trồng rừng?

Kinh tế đồi rừng đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ngày một phát triển thu hút và giải quyết nhiều việc làm cho lao động. Giá trị kinh tế từ rừng mang lại rất lớn nhưng bên cạnh đó còn những hạn chế về tốc độ phát triển, chất lượng rừng, lợi nhuận từ rừng mang lại thấp, sức cạnh tranh yếu, tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác hợp lý, nhất là lâm sản ngoài gỗ và dịch vụ môi trường.

Một vấn đề không thể không nói tới là năng suất và chất lượng rừng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguyên liệu gỗ lớn dành cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đó là những hạn chế mà Văn Chấn cần khẩn trương khắc phục cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả lợi ích từ rừng mang lại để người dân gắn bó với rừng, yêu rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng và phát triển vốn rừng, đưa rừng trở thành một ngành kinh tế chủ lực.

Thanh Phúc

Các tin khác
Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

NHNN hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25-4

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (25/4) lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục