Trăn trở Minh Bảo

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/7/2014 | 2:48:44 PM

YBĐT - Là xã thuần nông thuộc vùng ven của thành phố Yên Bái nhưng Minh Bảo không có được điều kiện đất đai trù phú để phát triển các loại cây rau màu như xã Tuy Lộc, Âu Lâu cũng không có nghề làm miến đao truyền thống nổi tiếng như ở Giới Phiên. Đó cũng là những trăn trở trong việc tìm giải pháp đột phá phát triển kinh tế của Đảng ủy, chính quyền nơi đây.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Ngô Thị Nhung cho hiệu quả kinh tế tốt.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Ngô Thị Nhung cho hiệu quả kinh tế tốt.

Bao năm loay hoay tìm hướng đi cho kinh tế, bao loại cây trồng và cũng đủ loại vật nuôi được đưa vào thử nghiệm nhưng Minh Bảo vẫn chưa tạo được bước đột phá về kinh tế. Câu trả lời đâu là thế mạnh mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển vẫn đang là bài toán khó, đặt áp lực lên vai những người “đứng mũi chịu sào” ở địa phương này.

Qua tìm hiểu thì thấy, tiếng là xã thuần nông nhưng Minh Bảo chỉ có chưa đầy 50ha ruộng cấy lúa. Như vụ đông xuân 2014, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều nên năng suất lúa toàn xã trung bình chỉ đạt 35 tạ/ha, giảm 25% so với vụ đông xuân trước. Diện tích đất đã ít lại kém màu và manh mún nên giá trị kinh tế từ cây lúa thấp, không thể xem là cây chủ lực. Diện tích sắn trồng xen đồi rừng khoảng 20ha và trên 16ha đất trồng màu chỉ đủ để nông dân địa phương phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, giá trị thu nhập không đáng kể. Tiềm năng có thể được coi là thế mạnh của Minh Bảo là đồi rừng với trên 800ha, thứ đến là cây chè với 101ha.

Năm 2013, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của toàn xã đạt trên 11 tỷ đồng, vượt trên 8% kế hoạch giao cả năm song với một xã thuần nông thì con số ấy không phải là lớn. Người dân địa phương thừa nhận, đồi rừng tuy là thế mạnh nhưng trên thực tế, trồng rừng kinh tế ở Minh Bảo chưa đem lại giá trị tương xứng bởi giá trị kinh tế rừng thấp; cây chè thiếu sự đầu tư chuyên canh.

Ông Bùi Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã không khỏi trăn trở khi cho rằng, việc tìm ra một giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế thực sự là bài toán khó đối với Đảng ủy, chính quyền. Điều ông băn khoăn cũng là khó khăn trong việc đưa các mô hình kinh tế mới vào thực hiện khi mà quyền lựa chọn nuôi con gì, trồng cây gì để cho hiệu quả kinh tế cao là do chính người dân quyết định. Vấn đề mà địa phương phải làm đó là tìm ra cho được những mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, mang tính hướng dẫn, định hướng để người dân áp dụng trong phát triển kinh tế hộ song điều này không hề dễ.

Được biết, từ năm 2009 đến nay, đã có trên 50 dự án chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được triển khai trên địa bàn xã với 46 hộ tham gia mô hình. Trong đó, Đề án trồng nấm 1 hộ tham gia sản xuất với quy mô hơn 1 vạn bịch; số dự án còn lại chủ yếu là chăn nuôi lợn, gà và 27 dự án nuôi ba ba. Các dự án được đưa vào thực hiện ở địa phương là sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể; sự tận tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y viên cơ sở trong việc đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân những mong dự án thành công để tìm ra cho địa phương những cây, con mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Kiểm lại các dự án chăn nuôi ở Minh Bảo thì thấy, trong tổng số 48 dự án đầu tư vào lĩnh vực này, hiện chỉ có 10 dự án đạt 100% công suất, gồm 3 dự án lợn và 7 dự án ba ba; số dự án đạt công suất dưới 50% chiếm non nửa. Theo cán bộ khuyến nông địa phương, về cơ bản, các hộ tham gia dự án đều tuân thủ đúng, đủ các yêu cầu theo quy trình kỹ thuật.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp khó khăn như: giá thức ăn cao, giá thành sản phẩm bán ra thấp, tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi lớn, thiếu vốn đầu tư trong khi tiêu chí của đề án đặt ra cao… khiến nhiều hộ chăn nuôi tham gia dự án chỉ thực hiện được một vài lứa đầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến các dự án chăn nuôi triển khai ở địa phương không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Chị Ngô Thị Nhung, thôn Thanh Niên là một trong những hộ nhiều năm tham gia dự án chăn nuôi cho hay, chỉ cần một vài biến động nhẹ của thị trường thì người chăn nuôi đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Duy trì nuôi thường xuyên khoảng 100 con lợn thịt/lứa, thu nhập mỗi năm cũng ngót nghét 100 triệu đồng nhưng thời điểm hiện tại, gia đình chị cũng chỉ duy trì khoảng 50 đầu lợn thịt. Theo chị Nhung, giá lợn hơi bán ra thấp như vài tháng trước thì chăn nuôi thực sự không có công chứ chưa tính gì đến lãi nên nếu nuôi nhiều thì khả năng thua lỗ là rất lớn. Thời điểm hiện tại, giá lợn, gà tăng cao cũng là tín hiệu khả quan để người chăn nuôi yên tâm đầu tư tái đàn.

Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Anh Toàn, áp dụng đưa các dự án, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả vào thử nghiệm là biện pháp cần thiết để tìm ra hướng đi cũng như các giải pháp phù hợp trong phát triển kinh tế của địa phương. Quan trọng hơn, từ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất sẽ giúp người dân thay đổi tư duy, cách thức phát triển kinh tế. Bên cạnh mô hình trồng nấm, nuôi lợn, nuôi ba ba đang cho hiệu quả kinh tế tốt thì các mô hình nuôi ong mật, trồng hoa đào cảnh, trồng mít Chang - gai Thái Lan, trồng chuối tiêu Đại Hoàng, thanh long ruột đỏ, thâm canh chè vụ đông… cũng đã và đang được thực hiện trong dân. Mục tiêu địa phương đặt ra trong năm 2014 là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phấn đấu đạt trên 12 tỷ đồng; đưa mức bình quân thu nhập đầu người lên 18 triệu đồng/năm; nỗ lực hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi mà địa phương hiện đã đạt 15/19 tiêu chí.

Phạm Minh

Các tin khác

Ngày 28/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam công bố thông tin về "Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024" lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Giá xăng tăng từ chiều nay 28/3.

Từ 15h hôm nay 28/3, giá xăng E5 RON92 tăng 406 đồng/lít, xăng RON95 tăng 532 đồng/lít, trong khi đó các mặt hàng dầu tăng, giảm tùy loại.

Người dân huyện Yên Bình chuyển hướng nuôi trồng các loại cá da trơn, cá đặc sản chất lượng cao.

Những năm qua, huyện Yên Bình chú trọng tập trung đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chủ động xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục