Trên công trường Thủy điện Ngòi Hút

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2014 | 2:47:40 PM

YBĐT - Đầu tháng Chín, lúa Mường Lò đang đỏ đuôi; táo mèo Tú Lệ chín rộ, quả nào cũng căng tròn, vàng rộm và thơm nức… Vượt qua những địa điểm du lịch hấp dẫn, cố lảng tránh sự cuốn hút đến lạ kỳ của những sản vật Văn Chấn, Mường Lò, chúng tôi lên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Ngòi Hút II - công trình công nghiệp có quy mô lớn nằm trên địa bàn ba xã Tú Lệ (Văn Chấn), Nậm Có (Mù Cang Chải) và Châu Quế Thượng (Văn Yên).

Các kỹ sư và chuyên gia bàn phương án lắp đặt thiết bị điều khiển của công trình.
Các kỹ sư và chuyên gia bàn phương án lắp đặt thiết bị điều khiển của công trình.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Trường Thành - chủ đầu tư Dự án Thủy điện Ngòi Hút II Trần Huy Đức nói với chúng tôi: “Trên 90% công việc đã hoàn thành, giai đoạn cao điểm nhất trong quá trình thi công đã qua nhưng với một dự án thủy điện lớn, nằm ở vùng sâu, vùng xa chắc sẽ có nhiều chuyện để kể. Đặc biệt, những ngày này, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý dự án, công nhân, nhà thầu xây lắp đang ra sức thi đua lao động, sản xuất để hòa mình vào không khí mừng Quốc khánh 2/9, phấn đầu hoàn thiện việc xây dựng và lắp đặt để nhà máy phát điện thương mại trong thời gian sớm nhất”.

Rồi ông Đức cung cấp cho chúng tôi thông tin sơ bộ về dự án: Tổng mức đầu tư 1.337.460 triệu đồng, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam trên 600 tỷ, vay từ Ngân hàng Thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam trên 172 tỷ và vốn tự có trên 340 tỷ đồng; tổng công suất của Nhà máy là 48MW, khởi công tháng 8 năm 2010, do Công ty cổ phần Trường Thành làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Trường Thành Sơn La là nhà thầu thi công.

Công trình trải dài gần 20km, trên địa bàn 3 xã là Tú Lệ, Nậm Có và Châu Quế Thượng. Thông tin về Dự án chỉ ngắn gọn như vậy nhưng khối lượng công việc thật sự khổng lồ gồm: xây một đập dâng 47m, đào hầm dẫn dòng xuyên núi dài hơn 11km để tạo cột nước 365m sinh nguồn năng lượng quay hai tổ máy lớn phát ra nguồn điện 48MW.

Nếu đặt câu hỏi: Bạn có trong tay 300 tỷ đồng thì bạn sẽ làm gì? Chắc chắn nhiều câu trả lời sẽ là: xây nhà cao, mua xe đẹp, đi du lịch… tiếp đến là sẽ chọn những công việc nhàn hạ, thuận lợi để tiếp tục giàu thêm. Với những nhà đầu tư làm thủy điện, họ có trong tay cả trăm tỷ đồng nhưng họ không chọn cách ấy mà họ tiếp tục đầu tư vào tận nơi thâm sơn cùng cốc, chốn rừng thiêng nước độc để làm ra nguồn năng lượng cho đất nước, làm giàu cho bản thân và xã hội. Đến Nhà máy Thủy điện Ngòi Hút II khi đường từ Nậm Búng vào vị trí cuối cùng của Dự án đã êm thuận, không giống như những ngày đầu cán bộ khảo sát phải vượt núi cao, suối sâu đầy nguy hiểm, chúng tôi vẫn thấy khâm phục những nhà đầu tư, ngả mũ trước sự chịu đựng, vượt khó của những người thợ thủy điện.

Đây là đập đầu mối, là bức tường bê tông khổng lồ được tạo bởi 55 nghìn m3 bê tông cốt thép, chiều cao mặt đập 47m; con đập lớn đã ngăn dòng suối Hút tạo một hồ chứa với dung tích hơn 4 triệu m3. Từ hồ chứa, nước theo tuyến năng lượng (đó là một hầm dẫn nước dài hơn 11km, đường kính 3,6m), xuyên núi đá đen, đầu bên kia của hầm, nơi đặt nhà máy và trạm biến áp 48MW là địa phận xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên).

Sau rất nhiều thời gian khảo sát, lập hồ sơ, xây dựng phương án thi công, đến tháng 8 năm 2010, quá trình thi công mới được tiến hành. Bắt đầu là làm mới tuyến đường thi công dài 24km, qua suối sâu, vượt núi cao, có nơi lại vắt vẻo bên bờ vực hun hút. Tiếp đó là kéo đường điện thi công 35kVA dài 20km. Nặng nhất là công tác đào hầm.

Kỹ sư Nguyễn Văn Trường - Trưởng ban Quản lý dự án nhẩm tính, riêng khối lượng đào và vận chuyển đá của tuyến năng lượng đã lên tới trên 130 triệu m3. Để bảo đảm thời gian, phương án được triển khai áp dụng là mở hầm từ 5 vị trí khác nhau để đào liên tục suốt hơn một nghìn ngày đêm không ngưng nghỉ.

Hơn 4 năm qua, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đã làm việc  liên tục, thời điểm cao nhất toàn công trường có trên 400 lao động, 30 ô tô, 15 máy công trình và các phương tiện hiện đại tân tiến cùng ra sức làm việc để hôm nay trên 90% khối lượng công việc đã hoàn thành, trong đó có cả việc xây dựng đường dây tải điện 110kVA để đưa điện từ Nhà máy đến trạm biến áp Nghĩa Lộ dài 31,5km. Phần việc còn lại là lắp đặt hai tổ máy, vận hành thử và hoàn thiện những hạng mục nhỏ.

Ông Trần Huy Thiện - Giám đốc Công ty TNHH Trường Thành tâm sự: “Với chúng tôi, thời gian thực sự là tiền bạc theo đúng nghĩa đen. Nhà máy phát điện sớm ngày nào là đồng vốn đầu tư phát huy hiệu quả ngày đó. Chỉ khi nào nhà máy phát điện thương mại thì mồ hôi, công sức, trí tuệ bỏ ra mới thu được thành quả! Với yêu cầu thời gian như vậy, dịp Quốc khánh năm nay sẽ giống như mọi năm, Ban Quản lý và nhà thầu sẽ tổ chức cho anh em công nhân ăn Tết Độc lập ngay trên công trường rồi lại bắt tay vào làm việc”.

 Tại vị trí cửa hầm số 2, cán bộ, công nhân đang thực hiện việc gia công cốt thép, đổ bê tông nút hầm, công việc không còn nặng nhọc và nguy hiểm như trước nhưng đòi hỏi độ chính xác và tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Anh Nguyễn Đức Thiện - thợ hàn bậc 5 cho biết: “Làm việc trong dịp lễ Quốc khánh, anh em chúng tôi không những không buồn mà còn thấy vui vì Nhà máy đang trong giai đoạn thi công nước rút. Nỗ lực làm việc hôm nay để ngày mai gặt hái thành quả, đó chẳng phải là sự phấn đấu, sự hy sinh cần thiết sao!”.

Chia tay anh em cán bộ, công nhân đang làm việc tại cửa hầm số 2, chúng tôi đến với vị trí cuối cùng của Dự án, nơi đặt Nhà máy và trạm Opy, đang tiến hành lắp đặt máy thủy công và các tủ điều khiển nên thời điểm hiện tại, vị trí này tập hợp nhiều cán bộ, công nhân và chuyên gia nhất. Thợ nề đang hoàn thiện các hạng mục cuối và vệ sinh gian máy, gian điều khiển; thợ máy đang lắp đặt các thiết bị thủy công, các bộ điều khiển và cơ khí thủy lực trước sự giám sát của chuyên gia Ấn Độ.

Thấy công nhân treo lá cờ Tổ quốc và khẩu hiệu: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm” lên hiên nhà chỉ huy công trường, Ja ris - một chuyên gia Ấn Độ rất thạo tiếng Việt hô lên: “Chào mừng Quốc khánh!”, Ja ris cho biết: “Công nhân Việt Nam rất thông minh và cần cù lao động. Sau Ngòi Hút 2, họ đã làm chủ hoàn toàn được phương tiện và kỹ thuật mà không cần những người như Ja ris nữa”.

Đúng vậy, đội ngũ công nhân, lao động trong nước đã dần trưởng thành, làm chủ được phương tiện và công nghệ hiện đại, nhà thầu Việt Nam đã đủ sức đảm đương được các công trình quy mô lớn. Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Ngòi Hút 2 vẫn rền vang tiếng máy, những chiếc xe tải vẫn hối hả ra vào; cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật vẫn hăng say làm việc trong dịp lễ Quốc khánh để một ngày không xa nguồn “than trắng” từ Ngòi Hút 2 này sẽ sản sinh ra nguồn năng lượng cho nền kinh tế với sản lượng trên 200 triệu kWh điện, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp mỗi năm hơn 200 tỷ đồng, nộp ngân sách mỗi năm 35 tỷ đồng và tạo thêm 40 việc làm cho người lao động.

Lê Phiên

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục