Làm giàu từ vườn rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/9/2014 | 8:57:12 AM

YBĐT - Xác định tiềm năng, lợi thế của gia đình với diện tích gần 10ha đất lâm nghiệp, qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ trồng rừng, cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi, đến nay, gia đình anh Trần Văn Phùng ở thôn 10, xã Đại Lịch (Văn Chấn) đã thoát nghèo, có của ăn của để. Hàng năm, gia đình anh thu về trên dưới hai trăm triệu đồng từ vườn cây ăn quả và rừng nguyên liệu được khai thác theo chu kỳ.

Anh Phùng trao đổi kinh nghiệm trồng cây cam sành với cán bộ Hội Nông dân xã Đại Lịch.
Anh Phùng trao đổi kinh nghiệm trồng cây cam sành với cán bộ Hội Nông dân xã Đại Lịch.

Con đường đất mới mở, cơn mưa hôm trước làm đường trơn và lầy lội dẫn chúng tôi đến với gia trang của anh Trần Văn Phùng. Nằm trên sườn đồi là một căn nhà gỗ tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng, sạch sẽ. Bên trong, các phương tiện, tiện nghi được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp cho thấy chủ nhân là một con người biết tính toán, lo toan cuộc sống. Xây dựng gia đình, lập nghiệp từ năm 1994, hiện anh Phùng và chị Phạm Thị Lê đã có hai con lớn đang theo học chuyên nghiệp và THPT. Ngày đầu lập nghiệp, anh Phùng xác định trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc, khi cho thu hoạch thì gỗ rừng trồng sẽ mang lại thu nhập cao. Trong buổi ban đầu lập nghiệp kinh tế còn khó khăn, anh nghĩ rằng cần phải có nghị lực và quyết tâm cao thì mới trồng được rừng. Xác định vậy, những năm đầu, anh tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận các chương trình, dự án, lĩnh hội kiến thức, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật ở huyện, tỉnh và được hỗ trợ giống, kinh phí trồng rừng.

Anh Phùng làm vườn ươm dưới chân đồi, nhờ người thân trong gia đình sản xuất cây giống tại vườn nhà, vừa giảm giá thành cây giống mà không phải vận chuyển xa, cây con có chất lượng tốt. Sau khi phát dọn thực bì, phân loại cây cho từng lô, giống cây được anh chọn chủ yếu là keo, bồ đề, quế. Suy tính kỹ, để lấy ngắn nuôi dài, ở khu đồi thấp, anh đào ao thả cá, chăn nuôi gia cầm, trồng chè và cây ăn quả như cam sành, quýt sen được mua giống từ thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn.

Anh cho biết: “Những loại cây ăn quả này, nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình thì rất nhanh cho thu hoạch. Chỉ tính riêng vụ năm 2013, với trên ba trăm cây cam sành và quýt sen, tôi bán cho thương lái ngay tại vườn đã thu về 85 triệu đồng”.

Rừng trồng nguyên liệu đến kỳ khai thác, mỗi năm, anh Phùng bán từng lô, cứ luân phiên, kế tiếp, khai thác xong lại trồng mới nên số diện tích rừng kinh tế của gia đình anh luôn phủ một màu xanh. Những năm gần đây, rừng nguyên liệu được khai thác theo quy trình, do đã được chia tách và được bán theo từng lô nên mỗi năm, anh thu về gần 100 triệu đồng. Một mô hình kinh tế tổng hợp và cách tính khoa học đã đem về những hiệu quả. Hàng năm, tổng các nguồn thu từ rừng, cây ăn quả, cây chè, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Phùng thu về trên dưới hai trăm triệu đồng.

Rất nhiều người từ các nơi tìm đến gia đình anh để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Nhân dân trong thôn 10 rất tín nhiệm bầu anh làm Trưởng thôn và anh còn tham gia Ban chấp hành Hội Nông dân xã Đại Lịch.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Hộ gia đình anh Trần Văn Phùng là một trong những hội viên điển hình của xã về tự thân vận động, cần cù, năng động, chịu khó, đúng bản chất của người nông dân Việt Nam. Hội Nông dân xã thường mời anh Phùng tham dự các hội nghị, hội thảo trên huyện hoặc tại xã để tư vấn, trao đổi cách thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiệp”.

Linh Chi

 

Các tin khác

Ngày 28/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam công bố thông tin về "Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024" lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Giá xăng tăng từ chiều nay 28/3.

Từ 15h hôm nay 28/3, giá xăng E5 RON92 tăng 406 đồng/lít, xăng RON95 tăng 532 đồng/lít, trong khi đó các mặt hàng dầu tăng, giảm tùy loại.

Người dân huyện Yên Bình chuyển hướng nuôi trồng các loại cá da trơn, cá đặc sản chất lượng cao.

Những năm qua, huyện Yên Bình chú trọng tập trung đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chủ động xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục