Nơi đất lại giao mùa

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/9/2014 | 9:04:45 AM

YBĐT - Nhớ lời hẹn với Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) Trần Đức Thuy: “Tháng chín về Nghĩa An ăn cơm mới”, tôi chạy xe đi Nghĩa Lộ.

Niềm vui được mùa.
(Ảnh: Thanh Miền)
Niềm vui được mùa. (Ảnh: Thanh Miền)

Mường Lò tháng 9, tiết trời sang thu. Sáng sớm, trời trong mát, trưa nắng vàng óng nhưng không còn gay gắt, xế chiều trời dịu hẳn, khói bếp, khói rơm quyện làn mây trắng bay. Cảnh sắc thu Tây Bắc càng trở nên huyền diệu với lúa đồng vàng óng, trai làng, gái bản hăng say trên những thửa ruộng thu mùa làm đông. Đến Nghĩa An nắng đã lên đỉnh đầu. “Thôi, đi bản luôn kẻo nắng quá, bà con về nghỉ mất. Đồng làng mà vắng người thì còn gì là đẹp!”, tôi đề xuất nguyện vọng. Bí thư xã đồng ý ngay. Chúng tôi đi trên những con đường bê tông uốn quanh những nếp nhà sàn khang trang của người Thái bản Đêu I. Bản khá vắng vẻ vì giờ này lũ trẻ đi học còn người lớn đang ngoài đồng.

“Bà con đang chạy đua với thời gian để thu mùa làm đông và phòng tránh cơn bão số 3. Không có bão cũng phải khẩn trương, có bão càng phải nhanh hơn vì ít nhiều hoàn lưu bão cũng gây mưa, làm hỏng lúa, hỏng ngô non” - Bí thư Đảng ủy xã cho biết. Thế mới thấy tính chủ động của nông dân ta thời nay. Hôm qua, Chính phủ mới có công điện, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh mới họp Hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn biện pháp ứng phó với bão, vậy mà bà con Nghĩa An đã sớm triển khai. Ở cơ sở phải vậy. Nhớ lại năm trước, cả tỉnh, cả nước quyết liệt triển khai các biện pháp phòng tránh một trận bão lớn, cuối cùng siêu báo chuyển hướng rồi tan. Cả nước trời quang mây tạnh, gió hiu hiu, bà con thở phào, coi đó là cuộc tập rượt lớn, không bao giờ thừa.

Lúa trên cánh đồng Mường Lò bắt đầu chín, khu vực xã Nghĩa An gồm các bản Đều I, Đêu II, Đêu VI, Nà Vặng, Pa Te… chín sớm hơn. Lúa chín là gặt ngay, cả cánh đồng làng trở nên tấp nập. Đàn ông, đàn bà, trai làng, gái bản tay liềm, tay hái thoăn thoắt trên những thảm lúa vàng. Những chiếc máy tuốt phành phạch phun rơm lên thẳng trời cao như vòi rồng. Xe máy, công nông, xe trâu tấp nập chở lúa về bản. Sướng nhất là đám trâu, bò được dịp thỏa sức no nê rơm mới, cỏ tươi.

Trưởng thôn Đêu I Hoàng Văn Sươi thân hình không cao lớn nhưng rắn chắc. Gánh thóc về nhà rồi lại gánh phân, ngô ra ruộng chuyến nào chiếc đòn gánh trên vai ông cũng oằn vai. Lau mồ hôi trên mặt, ông bảo: “Thôn có 78 hộ nhưng chỉ có 16 ha ruộng nên phải thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị để có thu nhập. Nhà mình có 2.000 m2 ruộng, chiều nay là gặt xong, năng suất bình quân khoảng 5,5 tạ/ha.Thu  hoạch lúa tới đâu là làm ngô ngay tới đó, nhà mình phấn đấu trồng hết 2.000 m2 ngô”.

Nghĩa An và Mường Lò giờ là thế! Lúa về nhà là ngô, khoai ra đồng, nhiều thửa ruộng vừa gặt ban sớm chiều đến đã lên luống ngô, khoai lang. Vụ đông này Nghĩa An phấn đấu gieo trồng trên 65 ha ngô, 15 ha khoai lang, còn lại là rau đậu các loại. Ông Điêu Văn Sai, một lão nông “có uy tín trong cộng đồng”, nhà ở thôn Đêu IV, bảo rằng: “Kế hoạch là vậy nhưng con số cuối cùng thì chưa thể biết.Chỉ tính riêng ngô nếp thôi nhà mình và nhiều hộ nơi đây đều chia ra thành 3 đến 4 đợt trồng. Lý do là để bán non cho thương lái mua về luộc hay quạt ngô nướng nên chia ra như thế mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường”. À, ra thế! Cái tư duy “thị trường” giờ đã gắn trong tiềm thức “làm ăn” của những người nông dân chất phác, thật thà nơi đây.

Là vùng trọng điểm lúa, nơi có trình độ thâm canh vào hàng cao nhất tỉnh, Nghĩa An là một trong những địa phương đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thấm thía câu tục ngữ “Trông trời, trông đất, trông mây” mà các cụ đã dạy. Toàn xã có 131 ha ruộng nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò. Năm 2014, toàn bộ diện tích được gieo cấy bằng lúa chất lượng cao theo chương trình sản xuất lúa hàng hóa, trong đó giống Chiêm Hương là chủ yếu, còn lại là giống Nhị Ưu 305 (một giống lai chất lượng cao, thóc để một, hai vụ cơm còn có phần dẻo thơm hơn gạo mới). Sau vụ đông xuân thắng lợi toàn diện, năng suất lúa đạt trên 70 tạ/ha, đồng bào Thái Nghĩa An bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa để tiết kiệm thời gian làm vụ ba.

Dù đầu vụ có nắng hạn, việc chăm sóc mạ và làm đất gặp khó khăn nhưng đến mùng 10/6, toàn bộ diện tích lúa mùa đã gieo cấy xong trong khung thời vụ tốt nhất. Cơ cấu giống vẫn trong kế hoạch, mức đầu tư phân bón tăng thêm (tăng lượng phân chuồng và toàn bộ diện tích đều sử dụng phân nén dúi sâu), vậy mà năng suất vụ mùa năm nay, theo bà con đánh giá là không cao! Đánh giá sơ bộ mỗi mét vuông chỉ đạt từ 0,52 đến 0,55 kg thóc, như thế bình quân 52 đến 55 tạ/ha. Lúa chất lượng cao năng suất như vậy chưa hẳn đã thấp nhưng với bà con Nghĩa An như thế là chưa đạt!

Nguyên nhân thì đã rõ, chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay, mư dầm nhiều ngày đầu vụ, nhiệt độ trong ngày thay đổi rất thất thường, có khi sáng oi nồng, chiều mát mẻ; có lúc sáng mát mẻ, trưa nắng nóng, chiều mưa xuống lại se lạnh - rất bất lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là lúa. Sâu bệnh cũng là chuyện lớn, năm nay, cả vùng Mường Lò nhiễm sâu cuốn lá nhỏ. Cũng đã thăm đồng, phát hiện, cảnh báo phòng trừ khá kịp thời nhưng sâu bệnh cũng để lại những hậu quả lớn trên nhiều diện tích của nông dân.

Như nhiều địa phương khác những năm qua, Nghĩa An, Mường Lò vụ mùa này bà con người Thái, người Tày không đốt rơm như trước mà chúng được phơi khô chuyển ngay về gầm nhà sàn hoặc đánh thành cây cao vút ngoài đồng. Các cán bộ xã cho biết, đã có sự chuyển biết rõ nét trong tập quán sản xuất của người dân, bà con đã biết tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho trâu, bò trong ngày đông giá rét. Một hành động nhỏ nhưng đó là tín hiệu tích cực khi người dân đã biết chủ động vươn lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Ngày mùa, Nghĩa An và cánh đồng Mường Lò quyến rũ trong bức tranh mùa thu! Chẳng trách, nhiều khách du lịch ra tận đồng làng ngắm cảnh, chụp ảnh, quay phim, có người còn cầm liềm, cầm hái gặt thử lúa, mấy bạn trẻ thì ngả lưng ngay trên đống rơm vàng rộm, ngửa mặt ngắm nhìn trời xanh trong mây trắng, nắng vàng Tây Bắc mến thương!

Lê Phiên 

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục