Mùa sắn Vũ Linh

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/10/2014 | 7:58:54 AM

YBĐT - Cuối tháng 10, khi thóc đã vào bồ; ngô, khoai đã ra ruộng thì cũng là lúc người dân xã Vũ Linh (Yên Bình) bắt tay vào thu hoạch vụ sắn năm 2014. Là cây trồng chủ lực của nông dân nơi đây, cây sắn đã tạo việc làm, thêm thu nhập cho người lao động. Nhờ cây sắn mà nhiều hộ đã xây được nhà mới, người dân có việc làm, chăn nuôi cũng nhờ đó phát triển.

Lãnh đạo xã Vũ Linh kiểm tra tình hình phát triển của cây sắn cao sản.
Lãnh đạo xã Vũ Linh kiểm tra tình hình phát triển của cây sắn cao sản.

Đồng chí Trần Ngọc Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Vũ Linh bảo: “Làm việc ở cơ sở là vậy, phải thân tình thì bà con mới nghe!”. Ngồi một buổi với Phó chủ tịch UBND xã thì chuyện nào cũng vui nhưng vui nhất, thời sự nhất là chuyện cây sắn. Anh Tâm kể: “Trước đây, người Vũ Linh trồng nương sắn để lấy củ độn cơm, có khi còn ăn thay cơm lúc giáp hạt. Giờ thì khác, họ trồng sắn bán cho nhà máy lấy tiền xây nhà, mua xe máy, nuôi con ăn học. Cũng chỉ việc trồng sắn thôi nhưng khác nhau là thế”.

Lần lại câu chuyện làm ăn với người cán bộ xã nhưng lại là lão nông thứ thiệt mới biết, người dân nơi này trước đây cũng trồng khá nhiều sắn vì kinh tế lâm nghiệp khi ấy chưa phát triển, còn cây lúa thì ruộng của xã vừa ít vừa xấu, nhiều cánh đồng chỉ cấy một vụ. Những năm 2003 - 2004, nhà đầu tư về xã xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, huyện quy hoạch vùng sắn Vũ Linh lên tới 400ha.

Nâng cao thu nhập cho bà con, cán bộ khuyến nông huyện kết hợp với công ty chế biến sắn về tận các thôn để tuyên truyền, hướng dẫn bà con người Kinh, người Tày, người Cao Lan sử dụng giống sắn cao sản, đầu tư thâm canh… để sắn cho năng suất cao, nhiều tinh bột và bán được giá. Tuy nhiên, với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thì cái mới dù có tốt cũng đâu có dễ được chấp nhận ngay. Đến khi những mô hình thí điểm được xây dựng, nhất là khi nhiều nhà mạnh dạn làm trước đã thắng lợi lớn thì bà con ào ào làm theo.

Khi ấy, xã phải “phanh” nhanh mới kịp và nói như cán bộ xã Vũ Linh thì “Thấy hiệu quả, bà con đổ xô trồng sắn. Đúng là cây sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không thể trồng cả nghìn héc-ta trên tất cả diện tích đất trong xã vì còn vấn đề an ninh lương thực, còn bảo đảm môi trường sinh thái… Lý lẽ là thế, xã phải tuyên truyền, vận động rất nhiều bà con mới nghe”. Giờ thì Vũ Linh đã ổn định diện tích sắn khoảng 400ha. Bên cạnh đó, nhiều hộ trồng xen sắn vào diện tích cây lâm nghiệp năm đầu tiên để tiện công chăm sóc, làm cỏ.

Chúng tôi rời trụ sở xã để về các thôn Ngòi Tu, Trại Máng, Làng Ngần… Đâu đâu cũng nhìn thấy sắn, sắn trồng trong vườn nhà, tận dụng ít đất ven đường, sắn leo lên nương, lên đồi, thích mắt nhất là những cánh rừng trồng xen sắn với những giống cây lâm nghiệp như keo lai, bạch đàn mô. Kinh nghiệm của bà con cho thấy, trồng xen sắn vào rừng cây lâm nghiệp hiệu quả mang lại rất cao, đỡ hẳn công chăm sóc, hạn chế cháy rừng và trâu, bò phá hoại mà cây lâm nghiệp cũng vươn cao, thân thẳng, ít phân cành sớm. Khuyến khích nông dân trồng xen canh như vậy là một đến hai vụ đã giảm bớt áp lực phát triển diện tích chuyên canh sắn.

 Nhận định của công ty chế biến sắn và nông dân xã Vũ Linh cho thấy, năm nay, năng suất sắn bình quân sẽ đạt khoảng 21 đến 23 tấn/ha; những thửa đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất sẽ đạt khoảng 27 đến 30 tấn/ha. Với giá sắn khoảng 2.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta, người dân đã có thu nhập 40 đến 50 triệu đồng. Tính ra toàn xã có gần hai chục tỷ đồng tiền bán sắn, đó là một khoản thu không hề nhỏ đối với hơn 1.300 hộ trong xã này. Nhiều hộ như nhà ông Hà Văn Soạn - thôn Đầm Vông, Trương Hữu Khẳn - thôn Quyên, Tường Văn Ba - thôn Ngòi Tu… trồng trên dưới 10ha sắn, mỗi năm cho thu gần nửa tỷ đồng thì đúng là cây sắn đã làm giàu cho nông dân.

Trưởng thôn Đồng Bội - ông Triệu Xuân Thực chia sẻ: “Dân Vũ Linh mình nhờ cây sắn mà đổi đời. Ngay như thôn mình đây, tên gọi là Đồng Bội mà toàn thôn chỉ có vài héc-ta ruộng, trong đó gần một nửa chỉ cấy được một vụ, mấy thôn ven hồ đất sản xuất toàn trên đảo và bán đảo. Thử tính, nếu không có sắn thì lấy gì để “nuôi dài” cho rừng quế, rừng keo!”.

Nếu chỉ tính giá trị cây sắn bằng cách đơn thuần là sản lượng, nhân với giá bán thì đúng là chưa thể thấy hết được vị thế của cây sắn ở đất Vũ Linh. Các  cán bộ xã nói với chúng tôi, việc thu hoạch và trồng mới sắn vào thời điểm giữa vụ lúa mùa năm trước và vụ lúa xuân năm sau, thời điểm mà trước đây gọi là nông nhàn, nhờ thế mà sắn đã giải quyết được việc làm cho người lao động. Mùa sắn, hàng chục xe ô tô, hàng trăm tàu thuyền của người Vũ Linh tham gia vận chuyển sắn. Nhiều người nhạy bén làm dịch vụ thu mua sắn củ, bán đổi vật tư, phân bón cho nông dân cũng có thêm thu nhập. Bã sắn sau chế biến đang được người dân địa phương và nhiều vùng lân cận tận dụng làm thức ăn chăn nuôi với cách thức rất đơn giản như ủ cho lên men hàng vạn tấn bã sắn của nhà máy đã được bà con mua lại làm thức ăn gia súc, góp phần thúc đẩy ngành nghề chăn nuôi phát triển.

Theo thống kê, đến thời điểm tháng 9/2014, toàn xã đã có tổng đàn lợn trên 7.000 con, thời điểm cao nhất có gần 10.000 đầu lợn. Bã sắn là thức ăn chủ yếu nên lợn hơi có giá thành không lớn, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Theo tính toán, nuôi lợn bằng bã sắn ủ men, giá thành mỗi cân lợn hơi vào khoảng 35 nghìn đồng. Đây cũng là cơ sở để nhiều hộ dân ở Vũ Linh và các xã vùng đông hồ huyện Yên Bình khôi phục đàn lợn, nhất là những hộ chăn nuôi với số lượng lớn như: ông Hà Đình Phi - thôn Ngòi Tu, Nguyễn Ngọc Thanh - thôn Làng Ngần, Vũ Văn Tuấn - thôn Đồng Bội…

Rẽ vào một nương bên đường, Phó chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Tâm nhổ một khóm sắn với cả chục củ lớn rồi phân tích: “Sắn bắt đầu vàng và rụng lá, đó là dấu hiệu của việc tích tụ tinh bột về củ và cũng là báo hiệu mùa thu hoạch sắnbắt đầu. Người Vũ Linh đã canh tác bền vững cây sắn cao sản và nhờ sắn cao sản, dân Vũ Linh đã no ấm hơn!”.

Lê Phiên

Các tin khác
Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nên nhiều hộ dân ở huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi bò.

Đến ngày 29/2, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Yên Bái đạt 4.967 tỷ đồng, tăng 99,4 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 82,9% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao; tỷ lệ tăng trưởng đạt 2,04%.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử với doanh nghiệp xăng dầu đã được thực hiện ở nhiều doanh nghiệp lớn.

Ngày 18-3, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố và các thương nhân kinh doanh xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử.

Chính phủ hối thúc kiểm tra, giám sát chặt thị trường vàng.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Nhân dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên chăm sóc, duy trì rừng quế giống đảm bảo chất lượng.

Có thể khẳng định, cây quế là một loại cây trồng có giá trị về kinh tế cao, được người dân Yên Bái ví như “vàng xanh” trên núi. Thực trạng phát triển cây quế hiện nay còn chưa chú ý nhiều đến chất lượng, từ cây giống cho đến phương pháp chăm sóc, thu mua đã đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển cây quế Yên Bái bền vững về chất lượng, thương hiệu trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục