Hiệu quả mô hình trồng nấm rơm

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/10/2014 | 12:25:02 PM

YBĐT - Nhiều năm nay, nhiều hộ nông dân xã Thanh Lương (Văn Chấn) tận dụng rơm, rạ trong sản xuất nông nghiệp để phát triển nghề trồng nấm rơm, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gia đình.

Gia đình chị Lưu Thị Bích Thảo mỗi năm thu lãi 40 triệu đồng từ nghề trồng nấm.
Gia đình chị Lưu Thị Bích Thảo mỗi năm thu lãi 40 triệu đồng từ nghề trồng nấm.

Vào thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương, trong sân nhà các hộ dân, chúng tôi bắt gặp những đống rơm cao ngất. Hỏi ra mới biết, những đống rơm này chính là nguyên liệu phục vụ cho nghề trồng nấm ở đây. Từ khi có nghề này, cứ hết vụ lúa là người dân lại tích trữ rơm rạ phục vụ cho nghề trồng nấm. Thực ra, mô hình trồng nấm đã có ở thôn Khá Thượng từ 7, 8 năm nay nhưng chỉ phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây.

Đến nay, toàn thôn đã có khoảng 20 hộ làm nghề trồng nấm. Người đi đầu trong mô hình trồng nấm rơm là chị Lưu Thị Bích Thảo ở thôn Khá Thượng 1. Chị Thảo cho biết, trước đây từng học ngành nông nghiệp và đã học qua kỹ thuật trồng nấm. Thấy ở nhiều nơi, bà con tận dụng rơm rạ để trồng nấm cho thu nhập cao, trong khi xã mình cứ sau những mùa gặt, rơm rạ chất đầy vừa gây ô nhiễm môi trường lại lãng phí nên năm 2004, gia đình chị bắt tay vào việc trồng nấm, nguyên liệu chủ yếu là rơm rạ. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nên mô hình đã thành công.

Chị Thảo cho biết: "Cứ 3,5 tạ rơm thì sản xuất được 300 bịch nấm. Khi thu hoạch, mỗi bịch cho trung bình 5, 6 lạng với giá trung bình 18.000 đồng, trừ chi phí mỗi bịch nấm lãi 14.000 đồng. Trung bình mỗi năm, gia đình sản xuất được 1,6 tấn nấm sò và 2,3 tạ nấm rơm, 2 tạ nấm sò. Do gia đình làm gối nên lúc nào cũng có sản phẩm bán cho thị trường. Hàng năm, sau trừ chi phí, tôi lãi khoảng 40 triệu đồng”.

Gia đình bà Bùi Thị Chuyên trước đây chỉ trông vào mấy sào ruộng trồng ngô, trồng lúa nhưng cuộc sống chả mấy khi dư giả, cứ hết vụ lúa lại chơi dài. Để tăng thu nhập cho gia đình, năm 2010, bà bắt tay trồng nấm. Từ đó đến nay, thu hoạch xong lúa mùa là hai vợ chồng tất bật làm nấm. Bà Chuyên cho biết: “Nhà tôi có 4.000m2 ruộng, cùng với mua rơm của các hộ khác khoảng 1ha, mỗi năm làm 4 mẻ nấm, mỗi mẻ 350 bịch, thu trên 3 tạ nấm, bán giá 30.000 đồng/1kg. Với nguồn thu nhập đó, gia đình tôi từng bước thoát nghèo, ổn định về kinh tế”.

Xuất phát từ vài hộ dân, đến nay, xã Thanh Lương có khoảng 40 hộ trồng nấm, tập trung nhiều ở hai thôn Khá Thượng và Bản Lào. Để có sản phẩm thường xuyên cung cấp cho thị trường và tránh tình trạng nhiều hộ cùng thu hoạch dẫn đến khó tiêu thụ, 4, 5 hộ dân đã liên kết với nhau thành một nhóm theo hình thức mỗi gia đình có một xưởng nấm nhưng thay phiên nhau về công, bảo đảm khi nào cũng có sản phẩm xuất ra thị trường. Hiện nay, các hộ sản xuất hai loại nấm chính là nấm rơm và nấm sò đang được thị trường ưa chuộng.

Theo chị Lương Thị Ván thì “Trồng nấm rơm không tốn nhiều vốn, chỉ cần vài triệu đồng là có thể xây dựng được một mô hình. Hơn nữa, trồng nấm có thể tận dụng được những sản phẩm phụ của đồng ruộng như rơm, rạ. Nếu hộ nào có 2ha ruộng thì có đủ nguyên liệu sản xuất nấm quanh năm".

Ông Hà Văn Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: "Hiện toàn xã Thanh Lương có trên 168,9ha lúa, người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Mô hình trồng nấm rơm đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi quan tâm phát triển mở rộng mô hình trồng nấm vì giúp  tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân”.

Mô hình trồng nấm từ nguồn nguyên liệu rơm, rạ góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân. Ở những địa phương có diện tích trồng lúa lớn đều có thể áp dụng. Tuy nhiên, để mở rộng mô hình, cần xây dựng tổ liên kết trồng nấm đồng thời nông dân cũng cần được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và đặc biệt là tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Văn Thông

Các tin khác
Chính phủ hối thúc kiểm tra, giám sát chặt thị trường vàng.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Nhân dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên chăm sóc, duy trì rừng quế giống đảm bảo chất lượng.

Có thể khẳng định, cây quế là một loại cây trồng có giá trị về kinh tế cao, được người dân ví như “vàng xanh” trên núi. Thực trạng phát triển cây quế hiện nay còn chưa chú ý nhiều đến chất lượng từ cây giống cho đến phương pháp chăm sóc, thu mua đã đạt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển cây quế Yên Bái bền vững về chất lượng, thương hiệu trên thị trường.

Giá vàng trong nước đi xuống

Sáng 18/3, giá vàng SJC trong nước được các doanh nghiệp niêm yết giao dịch trên mức 81 triệu đồng/lượng trong khi đó giá vàng nhẫn tròn giảm gần 300 nghìn đồng/lượng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã lý giải nguyên nhân các loại hình đặt cược về bóng đá, đua ngựa, đua chó vẫn chưa thể triển khai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục