Chung tay vì sự phát triển vùng Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/10/2014 | 2:47:20 PM

YBĐT - Trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ đối với vùng Tây Bắc để có những chính sách đầu tư phù hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, từng bước nâng cao đời sống người dân, ổn định kinh tế - chính trị toàn khu vực.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Yên giải ngân nguồn vốn vay tới các hộ nghèo xã Mỏ Vàng.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Yên giải ngân nguồn vốn vay tới các hộ nghèo xã Mỏ Vàng.

Nguồn vốn đầu tư tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Ngoài các chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc tham gia vốn tín dụng cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn trong khu vực đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vùng.

Trong giai đoạn 2012 - 2013, khu vực Tây Bắc đã cho vay 400.336 lượt hộ nghèo, góp phần giúp 62.984 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho 65.497 học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn đến trường; cho 30.157 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; tạo việc làm mới cho 39.682 lao động; xây dựng và cải tạo 292.170 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới 31.071 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo; giúp 736 lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động…

Cùng với việc đầu tư vốn tín dụng góp phần phát triển nông thôn, ngành ngân hàng còn chủ động và tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, luôn đi đầu trong hoạt động tài trợ an sinh xã hội cho các vùng và đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn. Năm 2013, thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước đã vận động các ngân hàng thương mại tài trợ cho khu vực thực hiện các chương trình an sinh xã hội số tiền trên 454 tỷ 900 triệu đồng. Các chương trình này chủ yếu tập trung vào mục đích tăng cường thêm cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, hỗ trợ làm mới hàng chục nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo, hàng trăm trường học các cấp và nhiều trạm y tế xã được xây dựng, giúp một bộ phận dân cư cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt…

 Đến nay, Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ một số công trình lớn đã hoàn thành và đi vào sử dụng như: Trường Trung học Y tế Lai Châu (50 tỷ đồng); công trình 90 phòng ở cho học sinh dân tộc nội trú Trường Tiểu học và THCS huyện Mường Nhé (16 tỷ đồng); tài trợ xây dựng 4 trường học cho huyện nghèo Tương Dương, tỉnh Nghệ An với số tiền 9 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam xây dựng công trình hồ treo chứa nước ngọt cho bà con dân tộc huyện Đồng Văn (Hà Giang) với số tiền 15 tỷ đồng; xây dựng Trạm Y tế xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảnh (Điện Biên) số tiền gần 16 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tài trợ các công trình giáo dục của 3 huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang (Hà Giang) số tiền 12 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng năm, thông qua hệ thống công đoàn cơ sở, các cán bộ, công nhân viên chức ngành ngân hàng tích cực tham gia đóng góp ngày lương ủng hộ các quỹ tình nghĩa, quỹ xã hội - từ thiện, các chương trình từ thiện xã hội đối với các đối tượng chính sách tại khu vực Tây Bắc. Đặc biệt, trong năm 2014, tuy còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng với tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm xã hội cao, các ngân hàng thương mại vẫn dành số tiền trên 130 tỷ đồng để tài trợ an sinh xã hội cho khu vực Tây Bắc.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các tỉnh Tây Bắc; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát Kết luận số 26- KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; tiếp tục mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng trong khu vực, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo điều kiện cho người dân có vốn sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách thủ tục hành chính và sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên địa bàn; đầu tư cho các dự án trọng điểm tại khu vực Tây Bắc và các công trình trọng điểm khác để tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh trong vùng.

Song song ưu tiên vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn cho vay nông nghiệp, nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các địa phương; tăng cường cho vay đối với người nghèo và các đối tượng xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.

 Kim Tiến

Các tin khác
Một ngôi nhà ở huyện Trấn Yên bị tốc mái hoan toàn do trận dông lốc sáng ngày 28/3/2024.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái, tính đến 14h ngày 29/3/2024, dông lốc và mưa đá đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều tài sản và hoa màu của nhân dân.

Sáng 29/3 giá vàng SJC tăng lên mức 81,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn tăng lên 71,23 triệu đồng/lượng. Sáng cùng ngày, giá vàng nhẫn tròn ở mức 70,5 triệu đồng/lượng, cao hơn 750.000 đồng so với ngày 28/3.

Các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống sẽ được giám sát chặt chẽ

14 tổ chức tín dụng có tầm quan trọng trong hệ thống sẽ phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động, ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa gửi công điện hỏa tốc yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục