Yên Bái: Đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng công trình 135

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/11/2014 | 1:41:44 PM

YBĐT - Thời gian qua, Yên Bái thực hiện khá tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Qua đó đã phát huy tối đa hiệu quả sử dụng công trình được đầu tư, góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ đồng bào từng bước xóa đói giảm nghèo.

Cầu treo Muôn Hán, xã Phúc Sơn (huyện Văn Chấn) vừa được duy tu, sửa chữa bằng nguồn vốn 135.
Cầu treo Muôn Hán, xã Phúc Sơn (huyện Văn Chấn) vừa được duy tu, sửa chữa bằng nguồn vốn 135.

Cầu treo Muôn Hán qua suối Nậm Cò Nòng ở xã Phúc Sơn (huyện Văn Chấn) ngoài nhiệm vụ giúp nhân dân bản Muôn và bản Hán giao thương đi lại còn có nhiệm vụ tránh lũ tại đập tràn Phúc Sơn đường tỉnh Nghĩa Lộ - Trạm Tấu. Cầu được đầu tư xây dựng năm 2009 theo Chương trình 135, ván lát sàn được làm bằng gỗ nên sau ba năm đi vào sử dụng đã bị mục nát, gây khó khăn cho người qua lại. Để tránh nguy hiểm cho người dân khi đi lại qua cầu, xã Phúc Sơn đã vận động nhân dân tham gia sửa chữa nhưng nguồn kinh phí có hạn nên chỉ có thể ghép tạm những thanh tre lên những chỗ thủng.

Anh Lò Văn Tính - bản Muôn cho biết: "Gia đình tôi hiện có hai con theo học tại điểm trường mầm non và tiểu học bên bản Hán. Hàng ngày, các học sinh bên bản Hán mỗi gia đình phải cử người lớn dẫn đến lớp, không dám để các cháu tự đi vì rất nguy hiểm. Nay, Nhà nước đầu tư sửa chữa, duy tu lại cây cầu treo nên các cháu học sinh có thể tự dẫn nhau đến lớp, không phải người lớn đưa đón nữa".

Cũng giống như công trình cầu treo Muôn Hán, công trình thủy lợi Bản Bon (thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn) dài 300m được đầu tư xây dựng năm 2002 phục vụ nước tưới tiêu cho 17ha ruộng nước tại địa phương. Do không được đầu tư bảo dưỡng nên sau hơn 10 năm sử dụng, công trình đã bị xuống cấp trầm trọng, không thể cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nhiều đoạn mương bị đất đá vùi lấp, đoạn bị sạt lở do mưa bão, do không được sử dụng một thời gian dài nên hàng năm vào mỗi vụ sản xuất người dân lại phạt bờ gây lở chân mương.

Ông Hà Văn Sơn - Bí thư Chi bộ Bản Bon cho biết: “Mấy năm trước khi mương thủy lợi bị hỏng, cứ đến mỗi vụ sản xuất nông nghiệp, thôn lại tổ chức họp dân, vận động những hộ có ruộng ở đầu nguồn không đắp bờ để san sẻ nước cho những thửa ruộng ở cuối nguồn (cho nước tự chảy từ ruộng nọ sang ruộng kia). Nhưng năm 2013, có được nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng của Nhà nước, thị trấn đã đầu tư sửa chữa lại những chỗ bị hư hại, sạt lở do mua bão gây ra, bảo đảm nước tưới cho toàn bộ diện tích".

Ngay sau khi có báo cáo về hiện trạng xuống cấp, hư hỏng của công trình, UBND các xã tổ chức điều tra, đánh giá chất lượng công trình, xác định mức độ, nguyên nhân gây ra hư hỏng và biện pháp khắc phục gửi cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 135 cấp huyện tổng hợp. Sau khi có quyết định giao kế hoạch vốn duy tu, bảo dưỡng của UBND tỉnh, UBND cấp huyện giao cho phòng chuyên môn hoặc thuê tư vấn trên cơ sở hồ sơ tài liệu hoàn công của công trình (hồ sơ pháp lý, tài liệu quản lý chất lượng), tiêu chuẩn kỹ thuật đã sử dụng để thiết kế, chế tạo, sửa chữa công trình.

Riêng công trình có sử dụng một số loại vật liệu khai thác tại chỗ thì chi phí các loại vật liệu này được tính theo giá mua thực tế, phù hợp với mặt bằng giá tại địa phương thời điểm thực hiện. Đối với các công trình nhỏ, giá trị thực hiện không lớn, các đơn vị, tổ chức nhận thầu duy tu, bảo dưỡng do chủ đầu tư lựa chọn trên cơ sở ưu tiên cho các tổ thợ địa phương có tay nghề, có năng lực tổ chức thực hiện. Đối với các công trình có mức đầu tư và khối lượng thực hiện lớn, UBND cấp xã nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định chung về xây dựng để lựa chọn các đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Khắc Long - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, qua 3 năm thực hiện (từ năm 2008 đến năm 2010), tổng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ việc duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư đạt trên 14 tỷ đồng; tổng vốn lũy kế giải ngân trên 13,9 tỷ đồng, đạt 99,4% kế hoạch; đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 84 công trình giao thông, số vốn đã thực hiện trên 7 tỷ đồng; 75 công trình thủy lợi, số vốn đã thực hiện trên 5 tỷ đồng; 24 công trình trường học, số vốn 925 triệu đồng; ngoài ra còn thực hiện một số hạng mục khác như điện, trạm y tế, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Có thể nói, chương trình duy tu, bảo dưỡng các công trình 135 thời gian qua là hết sức cần thiết, đã kéo dài hệ số sử dụng các công trình, có hiệu quả thiết thực trong giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng vùng nông thôn được mở rộng, nhiều công trình được đầu tư khang trang, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa ngày một đổi thay, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cấp nước, điện lưới quốc gia, trường học và hệ thống thông tin viễn thông.

Qua đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế cũng dần thay đổi, đã hạn chế nhiều tình trạng du canh, du cư. Đồng bào các dân tộc đã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Các mô hình sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã bước đầu được áp dụng và nhân rộng. Điều này cho thấy các chương trình, dự án đầu tư và sau đầu tư đã có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào và khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng sâu sắc. 

Quang Thiều

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục