Sản xuất vụ đông: Trăn trở đầu ra

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2014 | 8:14:02 AM

YBĐT - Thời điểm này, nông dân tỉnh Yên Bái đã đưa vào sản xuất trên 9.000ha cây vụ đông. Hiệu quả sản xuất vụ đông được ghi nhận bằng việc nông dân tiếp tục mở rộng diện tích đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tuy nhiên, trong sản xuất vụ đông vẫn yếu mắt xích doanh nghiệp.

Vụ đông năm nay, cây ngô vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 6.000ha.
Vụ đông năm nay, cây ngô vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 6.000ha.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đưa vào sản xuất  9.888ha cây vụ đông. Trong cơ cấu cây trồng thì ngô đông vẫn giữ vai trò chủ đạo với diện tích 6.000ha, trong đó ngô đông trên đất 2 vụ lúa 4.000ha. Để đạt mục tiêu này, ngay khi lúa mùa trong giai đoạn đứng cái làm đòng, các địa phương đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông. Năm nay, tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ 50% giá giống ngô đối với diện tích ngô đông trồng trên đất 2 vụ lúa.

Đồng thời, các địa phương đều phát động phong trào sản xuất cây vụ đông; tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điều này thể hiện bằng việc nông dân đưa bí, rau, súp lơ, cà chua, hành, ớt vào trồng với diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 11, toàn tỉnh đã đưa vào sản xuất 9.027ha cây vụ đông, đạt 91% kế hoạch với 6.015ha ngô đông, 852ha khoai lang, 2.160ha rau màu các loại. Hiện nay,  ngô đã trồng sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích ngô sớm đã cho thu hoạch.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, nông dân đã thu hoạch ngô nếp sớm. Vụ đông này, thị xã đưa vào sản xuất 595ha cây vụ đông, trong đó có 416ha ngô đông trên đất 2 lúa. Ngoài ra, nông dân đã trồng được 200ha khoai lang và rau màu, chủ yếu là rau chất lượng cao: súp lơ, cà chua, cải bắp, su hào. Đến nay, nhiều diện tích ngô nếp đã thu hoạch xong; nhiều diện tích rau cải canh, cải bắp cũng mang lại thu nhập cho nông dân. Đánh giá ban đầu cho thấy, giá trị sản xuất vụ đông đạt khoảng 40 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Phù Nham (Văn Chấn) thu hoạch cà chua.

Chúng tôi đến Phù Nham (Văn Chấn) khi nông dân tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông. Ông Hoàng Tuấn Vân - Phó chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: "Vụ đông năm nay, ngoài các cây trồng chủ lực như ngô, nông dân trong xã gieo trồng được trên 40ha rau màu các loại, tập trung ở các thôn Bản Chanh, Noong Ỏ với gần 20ha chuyên canh cà chua, rau màu".

Bà Nguyễn Thị Thúy, xã Phù Nham phấn khởi: "Trồng cây vụ đông tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập khá. Một sào ruộng cấy 2 vụ lúa cũng chỉ bảo đảm được lương thực cho gia đình, lợi nhuận không đáng kể nhưng 1 sào ruộng trồng cà chua, tôi có 10 triệu đồng. Cây vụ đông đã giúp cho nhiều hộ dân có của ăn của để".

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Năm nay, Văn Chấn đưa vào sản xuất 2.450ha cây vụ đông. Ngoài ngô đông truyền thống, huyện tiếp tục mở rộng diện tích một số loại cây rau màu mới có giá trị kinh tế cao như: cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, mướp đắng tập trung ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Phù Nham, Sơn A. Đặc biệt, huyện mở rộng diện tích  cà chua khoảng 50ha tập trung ở xã Phù Nham, Sơn A, Sơn Thịnh. Năng suất bình quân đạt 45 tấn/ha với giá thị trường trung bình từ 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta cà chua mang về trên 160 triệu đồng".

Hiệu quả từ trồng cây vụ đông được ghi nhận bằng việc nông dân mở rộng diện tích, cơ cấu cây trồng đa dạng, tiếp tục đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nếu sản xuất vụ đông đạt kế hoạch đề ra thì nông dân toàn tỉnh sẽ thu về trên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ đông năm nay tiếp tục vẫn còn trăn trở cho đầu ra sản phẩm. Từ nhiều năm nay, ở nhiều địa phương, nông dân tích cực mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, đưa các giống mới vào sản xuất. Song thực tế, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản vẫn sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, đầu mối tiêu thụ chủ yếu do tư thương thu mua.

Theo thống kê, với gần 1.000ha cây vụ đông đưa vào sản xuất thì ngô đông chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi, còn lại sản phẩm làm ra của nông dân vẫn phụ thuộc vào các thương lái nhỏ. Do vậy, để mở rộng diện tích và nâng cao giá trị sản xuất vụ đông ở những vụ sau, các địa phương cần tiếp tục đưa vào cơ cấu những cây trồng thực sự có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương để nhân dân thấy rõ lợi ích, mở rộng diện tích.

Bảo đảm thời vụ sản xuất vụ đông, các địa phương xây dựng phương án, tính toán cụ thể trên cơ sở thực tế. Đặc biệt, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của sản xuất vụ đông. Để làm được điều này rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp và các địa phương cần có chính sách thu hút đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiêp thực sự đồng hành cùng nông dân trong sản xuất cũng như khâu tiêu thu.

 Văn Thông

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục