Giữ “đầu cơ nghiệp” ở Chế Tạo

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/11/2014 | 2:37:16 PM

YBĐT - Nằm ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, Chế Tạo được biết đến là xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Mù Cang Chải. Vì thế, đàn gia súc mà đặc biệt là con trâu không những là tài sản lớn nhất trong các gia đình người Mông nơi đây mà còn là “bạn đồng hành” trong ngày mùa. Do vậy, ngay khi trời vào đông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích trữ rơm rạ, sửa sang chuồng trại để giữ “đầu cơ nghiệp”.

Đồng bào Mông xã Chế Tạo đã biết cách bảo vệ đàn gia súc
trong mùa đông.
Đồng bào Mông xã Chế Tạo đã biết cách bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.

Lên Chế Tạo những ngày này, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh đồng bào Mông “địu” từng bó cỏ voi về cho trâu ăn. Chị Sùng Thị Rũ, bản Chế Tạo cho biết: “Nhà có 12 người với gần 1ha ruộng, tất cả việc cày cấy đều phụ thuộc rất lớn vào con trâu hơn 2 năm tuổi. Vì thế, từ hơn 1 tháng nay, khi trời trở lạnh là mọi người trong gia đình đều thay nhau đi cắt cỏ và lấy nước cho trâu, chỉ ngày nào nắng ấm mới thả ra”.

Cùng đi thăm một số hộ gia đình ở gần trung tâm xã, Bí thư Đảng ủy xã Giàng Pằng Tủa cho hay, đồng bào Mông Chế Tạo giờ biết quí con trâu lắm rồi. Bà con đã biết làm chuồng trại, biết nhốt trâu khi trời lạnh và lên rừng lấy cỏ cho trâu ăn. Điều này hoàn toàn trái ngược so với việc chăn thả tự nhiên của nhiều năm về trước.

Cũng theo Bí thư Tủa, khi ấy, rừng chưa được giao khoán, tất cả trâu, bò, gia súc cứ thế thả trên đồi. Người dân chỉ tìm cách đánh dấu và nhớ vật nuôi của mình, lắm khi trâu đẻ rồi cũng không biết. Khi cần cày, bà con lên rừng để tìm trâu về làm mấy buổi, xong lại thả trâu về rừng. Nhiều khi lên rừng tìm trâu, có người phải mất đến hàng ngày, thậm chí mấy ngày mới tìm bắt được trâu về… Chính vì nuôi thả tự nhiên như thế nên vào mùa rét thường có tình trạng trâu chết.

Trước thực tế đó, dưới sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, Chế Tạo đã phối hợp với cán bộ khuyến nông xuống tận thôn, bản phổ biến, tuyên truyền tới từng người dân về cách phòng, tránh bệnh cho gia súc vào mùa đông cũng như chế độ cho ăn, giữ ấm và chăn thả vào những ngày giá lạnh. Cứ thế, dần dần, người dân các bản đã thực hiện lùa đàn trâu từ trên núi về chăm sóc tại nhà rồi làm chuồng có che bạt, quây ván gỗ hoặc mành rơm rạ xung quanh để giữ ấm cho trâu. Đồng thời, đồng bào tích cực trồng cỏ ngọt và cắt cỏ non cộng với cây ngô, cây chuối trộn lẫn cám, sắn khô cho trâu ăn. Vào những ngày lạnh buốt, trâu được giữ ấm trong chuồng và dùng thức ăn chính là rơm khô tẩm nước muối ấm và cỏ ngọt.

Qua rà soát, hiện Chế Tạo có trên 4.900 con gia súc, trong đó trâu là chính có số lượng lớn nhất với 585 con; tính bình quân trên tổng số 330 hộ thì mỗi gia đình ít nhất cũng có từ 1 - 2 con.

Ông Sùng A Tủa - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đến nay, Chế Tạo đã có khoảng 85% số hộ làm chuồng trại bảo đảm hợp vệ sinh cho trâu, bò. Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, năm nay, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, chính quyền xã đã đẩy mạnh việc vận động, nhắc nhở người dân phơi khô rơm rạ, buộc lại thành bó, cất vào những nhà rơm ngay tại cánh đồng. Cùng với đó, xã cũng vận động nhân dân tận dụng diện tích để trồng cỏ voi ở quanh nhà và trên núi”.

Giữ “đầu cơ nghiệp” mỗi khi mùa đông đến là câu chuyện mà năm nào cũng phải nói, phải làm nhưng ở một nơi thuộc diện khó khăn và xa xôi như Chế Tạo đã cho thấy sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ đàn vật nuôi của mình. Tuy nhiên, bên cạnh việc giữ ấm, giữ no cho đàn gia súc, người dân và chính quyền các cấp, ngành cần làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đầy đủ.

Hùng Cường

Các tin khác

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục