Hội nghị Xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/4/2015 | 3:27:18 PM

YBĐT - Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc, tỉnh Yên Bái có 2 dự án được cấp vốn đầu tư là Dự án tổ hợp sân golf Ngôi sao Yên Bái và Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chì kim loại.

 

Ngày 4/4, tại tỉnh Sơn La, Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc.

 

Dự Hội nghị có các đồng chí: Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương; các đồng chí bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh Tây Bắc.

 

Về phía tỉnh Yên Bái, dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Duy Cường- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Chiến Thắng – Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Công thương và đại diện 6 doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh.

 

  

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc tặng Kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2015 nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc; huy động rộng rãi các nguồn tài trợ gắn với đổi mới phương thức triển khai, nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội; tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương trong vùng.

Trong những năm qua, vùng Tây Bắc đã được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách đầu tư, ưu đãi nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, các dự án quốc gia, dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ. Thêm vào đó, các địa phương trong vùng cũng được hưởng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuê đất và được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện dự án. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước với cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung còn yếu kém.

Nằm trong khu vực Tây Bắc, Yên Bái có nhiều thế mạnh về nông, lâm nghiệp, về tiềm năng khoáng sản và cảnh quan thiên nhiên, với danh thắng cấp quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, Khu du lịch Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò… Đây là điều kiện thuận lợi để Yên Bái khai thác, phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp và du lịch. Mặt khác, Yên Bái còn có địa thế thuận lợi khi nằm ở trung tâm của vùng trung du Bắc Bộ và là một trong những trung tâm đào tạo nghề; có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 800ha, có 3 khu công nghiệp quốc gia, 2 khu công nghiệp của tỉnh và 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích 452 ha.

Với những lợi thế đó, Yên Bái đã xác định tập trung phát triển công nghiệp với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như: hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ lãi suất đầu tư khi vay vốn, tạo môi trường thông thoáng khi các doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh. Trong quý I/2015, đã có 7 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương với tổng mức đầu tư trên 37 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh nghiệp Ngôi Sao Chí Linh, Hải Dương đã xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh Yên Bái với 1 dự án sân golf có tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng. Sau 2 năm nghiên cứu, đến nay doanh nghiệp này đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư, cam kết từ nay đến 2017 sẽ đưa vào sử dụng dự án sân golf  Ngôi Sao Yên Bái tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc, giúp đỡ tạo điều kiện cho các địa phương; huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học -công nghệ, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực, liên kết phát triển, liên kết hạ tầng, liên kết ngành, liên kết vùng trong lĩnh vực sản xuất, du lịch, dịch vụ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh trong vùng xây dựng tuyến biên giới hòa bình hữu nghị, xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư.

Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện ký kết với 17 dự án thuộc 4 tỉnh gồm: Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng với tổng vốn đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng. Lãnh đạo UBND các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án của 8 tỉnh với tổng vốn đầu tư 9.899 tỷ đồng, trong đó tỉnh Yên Bái có 2 dự án là Dự án tổ hợp sân golf Ngôi Sao Yên Bái và Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chì kim loại. Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đã biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu của vùng Tây Bắc trong thời gian qua.

Một số hình ảnh hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái tại Hội nghị:

Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo các tỉnh trao giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương.

Đồng chí Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái (người thứ nhất, hàng trên, bên trái) thăm gian hàng của tỉnh giới thiệu tại Hội nghị.

Hoài Văn

Các tin khác
Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục