Để cây dưa phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2015 | 3:31:14 PM

YênBái - YBĐT - Phía ngoài chợ Nam Cường (thành phố Yên Bái), ngày Chủ nhật, dãy hàng bán dưa chuột san sát. Một tốp các bà nội trợ tạt vào: “Có phải dưa chuột Tân Thịnh không các chị ơi? Là dưa Tân Thịnh thì mới mua”. Người bán nhẹ nhàng gật đầu: “Đúng rồi, mời các bà chọn ạ! Đây, quả thế này, màu thế này, mùi thế này... thì các bà cứ yên tâm mà mua”.

Chị Mai Thị Dung (bên trái) chuẩn bị dưa giống cho vụ sau.
Chị Mai Thị Dung (bên trái) chuẩn bị dưa giống cho vụ sau.

Câu chuyện bên ruộng dưa

“Các bác hỏi con dâu tôi hả? Cháu ngoài ruộng dưa chưa về” - mẹ chồng chị Mai Thị Dung, thôn Thanh Hùng 3, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái khoát tay chỉ đường đến ruộng dưa. “Nhà bà to và đẹp nhất thôn này chứ ạ?” - tôi hỏi bà lão. “Bác quá khen, nhà đông người nên phải làm rộng để có chỗ ở! Cũng tất là nhờ dưa, nhờ rau...” - bà cụ đáp. Theo con đường bê tông chừng mươi phút đi xe máy, chúng tôi gặp được con dâu bà. Chị Dung đang chăm sóc cho đám dưa đã cuối vụ. “Dăm bữa nửa tháng nữa là hết vụ rồi, tôi tranh thủ vót vét, được tí nào hay tí ấy, cô ạ!” - nụ cười roi rói làm bừng sáng khuôn mặt của người phụ nữ.

Thanh Hùng 3 là thôn có  diện tích trồng dưa chuột lớn nhất xã Tân Thịnh với 3ha trên tổng số gần 10ha. Hầu hết diện tích này được chuyển đổi từ ruộng thụt, lầy mà lúa cấy cho năng suất không cao. Nhà chị Dung có 4 sào dưa cũng là chuyển từ ruộng cấy lúa sang đã gần chục năm. Vào chính vụ, hàng ngày, chị đi bán bốn chuyến, mỗi chuyến 50kg khắp các chợ từ Km6 đến phường Hồng Hà. Bảo đảm nguồn phân hữu cơ cho ruộng dưa và hai sào lúa, chị nuôi ba con trâu và mười con lợn. Cây dưa mang lại nguồn thu cho gia đình chị cao hơn nhiều so với cây lúa. Chưa kể đến việc trồng, chăm sóc, thu hoạch nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên cũng nhàn công hơn.

“Được cái là giống dưa phù hợp với đất này, quả đẹp, mùi thơm đặc trưng, vị đậm, giòn nên tiêu thụ cũng dễ. Mỗi năm, tôi tính rồi, hai vụ dưa cho độ hơn già nửa thu nhập của gia đình. Cứ ước bình quân thì thu nhập của nhà tầm trên dưới trăm triệu đồng một năm” - chị Dung cho hay.

Hỏi chuyện xây nhà, chị hồ hởi: “Đúng như mẹ tôi nói đấy, xây được nhà cũng phần lớn nhờ cây dưa và cây rau vụ đông. Tích cóp dần, năm kia, gia đình xây ngôi nhà ấy ngót tỷ đồng. Vợ chồng tôi cũng lo được cho hai con trai học xong đại học, cao đẳng và đều đã có việc làm ổn định ở Hà Nội, còn một cháu năm nay hết lớp 12 và cháu út đang học lớp 9”. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây dưa ít bệnh, năng suất đạt 5 - 7 tạ trên mỗi sào. Hết vụ này, chị lại chuẩn bị trồng ngay dưa vụ tới.

Ngay bên ruộng dưa, câu chuyện của chúng tôi thêm rôm rả khi thỉnh thoảng có người trong thôn qua lại. Họ thích thú giúp tôi cách nhận biết người Tân Thịnh đi bán dưa với người địa phương khác: “Thế này nhé, dân Tân Thịnh chúng tôi được gọi là dân “một sọt” vì lúc nào cũng chỉ chở một sọt hàng sau xe, không như các nơi khác thường có hai sọt”. Hỏi thăm việc bán dưa, ai cũng phấn khởi vì chẳng ế bao giờ. Đầu vụ thì được giá 15.000 - 20.000 đồng một cân, cuối vụ cũng là 7.000 - 8.000 đồng. Làm nông, “năng nhặt chặt bị”, thêm đồng nào cũng là tốt đồng đó. Họ góp thêm đôi lời rồi cùng “một sọt” vội vã ra chợ, để lại đằng sau tiếng cười vui vẻ...

“Nhà ăn được mới bán”

Đó là quan điểm đúng đắn của người trồng dưa ở Tân Thịnh đồng thời cũng chính là uy tín của quả dưa chuột Tân Thịnh trên thị trường thành phố. Phát triển cây dưa - một trong những hướng đi của địa phương đối với vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích trồng lúa cho năng suất thấp, kém hiệu quả, xã chủ trương chuyển đổi sang trồng rau màu vụ đông và chuyên canh với hơn 30ha. Cây dưa chuột đã được phát triển mạnh trên địa bàn xã Tân Thịnh trong bốn năm trở lại đây.

Hiện nay, cả 9/9 thôn đều trồng dưa với tổng số gần 10ha, tập trung nhiều nhất là thôn Thanh Hùng 3 chừng 3ha, khoảng 2ha của thôn Thanh Hùng 2... Đảng ủy, chính quyền xã đã chủ động, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân về việc thực hiện nghiêm túc hướng dẫn phun thuốc, chăm sóc cây dưa nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lợi nhuận của cây dưa rõ ràng cao hơn hẳn cây lúa với giá trị kinh tế đạt từ 8 - 10 triệu đồng/sào/vụ. Tân Thịnh vào chính vụ dưa với lượng thu hoạch khoảng hai đến ba tấn dưa mỗi ngày cung cấp ra thị trường thành phố. Sau vụ chính này, bà con tiếp tục gối vụ dưa nữa. Không cho đất nghỉ, sức người bền bỉ, gom góp nguồn thu, người dân nơi đây mong muốn và cố gắng hết mình để cho cuộc sống ngày thêm đủ đầy và tốt đẹp hơn.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Xây dựng trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh đạt đô thị loại V

Ngày 16/4, UBND huyện Văn Yên tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh là đô thị loại V trực thuộc huyện Văn Yên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định ở luật là ngày 1/1/2025).

Lãnh đạo xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về chăm sóc cây cam để giữ vững Chỉ dẫn địa lý Cam Văn Chấn. *(Ảnh tư liệu)

Ngày 16/4, UBND huyện Văn Chấn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm - Hà Nội và 9 xã vùng ngoài của huyện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo diện tích cam của huyện năm 2024.

Nhân dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

Triển khai nhiều giải pháp giúp các xã vùng khó khăn bứt phá trở thành xã nông thôn mới (NTM), huyện Văn Chấn quyết tâm phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt NTM nâng cao trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục