Gắn sản xuất hàng hóa với chế biến và thị trường: Vấn đề được quan tâm nhất ở vùng lúa Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2015 | 10:22:15 AM

YênBái - YBĐT - Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến và thị trường, trong đó phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao 900ha ở 6 xã trọng tâm vùng cánh đồng Mường Lò là một trong những nội dung mà Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm, sôi nổi bàn thảo.

Năm 2015, sản lượng thóc chất lượng cao từ các giống lúa thuần của Văn Chấn dự kiến trên 24.300 tấn, chiếm 56%. Sản lượng thóc của giống lúa lai chỉ còn 19.000 tấn, chiếm 44%. (Trong ảnh: Một buổi tham quan, đánh giá kết quả mô hình trồng giống lúa ĐS1 khu vực cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn).
Năm 2015, sản lượng thóc chất lượng cao từ các giống lúa thuần của Văn Chấn dự kiến trên 24.300 tấn, chiếm 56%. Sản lượng thóc của giống lúa lai chỉ còn 19.000 tấn, chiếm 44%. (Trong ảnh: Một buổi tham quan, đánh giá kết quả mô hình trồng giống lúa ĐS1 khu vực cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn).

Thực tế từ cơ sở, chúng tôi ghi nhận ý Đảng đã hợp lòng dân, những vấn đề lớn, giải pháp lớn mà Đại hội kỳ này bàn thảo, nghị quyết chính là nhằm giải quyết cho tốt những mong muốn của nhân dân, vì nhân dân...

Thanh Lương là xã nằm trong vùng cánh đồng Mường Lò rộng lớn trên 2.000ha. Kinh tế chủ yếu là sản xuất lúa, gạo, ngô; chăn nuôi. Công tác tại Thanh Lương, chúng tôi ghi nhận cái được nhất của xã mấy năm qua là áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao. 70% diện tích lúa đã áp dụng phương pháp thâm canh SRI. Giống lúa thuần chất lượng cao chiếm 80% diện tích gieo cấy. Cơ giới hóa khá mạnh, cả xã có 85 máy cày bừa, tăng 63 máy so với năm 2010. Lương thực (có hạt) bình quân đầu người 797kg. Trao đổi về những nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XX Đảng bộ huyện, các đồng chí lãnh đạo xã rất phấn khởi khi dự thảo kỳ này xác định rõ mục tiêu, chỉ rõ giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ.

Bí thư Đảng ủy Bùi Đình Vượng nói tâm huyết: “Có nhiều kết quả tốt trong chuyển dịch cơ cấu và sản xuất theo hướng hàng hóa nhưng thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 13 triệu đồng/năm. Nguyên do chính là đất sản xuất quá hạn hẹp, nông dân còn khó khăn, một bộ phận còn chưa thoát ly hẳn tư duy làm ăn cũ. Đại hội Đảng bộ xã vừa rồi đề ra là mở rộng vùng lúa hàng hóa, chất lượng cao; tạo vùng sản xuất lúa tập trung. Rất trúng với nội dung của dự thảo nhưng anh em và bà con cũng đang khá lúng túng, nếu sản xuất tập trung đến một mức độ nhất định với hàng hóa lớn - là cả vùng này chứ không riêng Thanh Lương, thì ai sẽ chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con?”.

Tại nhà văn hóa thôn, các đảng viên Chi bộ Đồng Lơi vừa triển khai xong một số nhiệm vụ công tác. Sau cuộc họp, chúng tôi nêu vấn đề mà nông dân rất quan tâm, là sản xuất lúa gạo hàng hóa, chất lượng cao”. Bí thư Chi bộ Hà Trọng Bằng sôi nổi: “Đảng bộ đã có 62 ý kiến đóng góp vào dự thảo. Trong phát triển kinh tế, ý kiến tập trung vào nội dung về tái cơ cấu sản xuất, phát triển theo hướng bền vững, xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, gắn với sản xuất, chế biến và thị trường. Với cơ sở, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và cũng rất quan tâm đến việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho nông dân”.

Nữ đảng viên Hà Thị Hằng phát biểu: “Xã đã phát triển diện tích trồng lúa chất lượng cao như Séng Cù, Chiêm Hương. Giá 13.000 – 14.000 đồng/kg mà không có gạo mà bán. Nhưng nông dân chưa dám mở rộng, trồng đại trà. Vì nếu trồng đại trà phải có địa chỉ thu mua ổn định cho bà con. Phải có nơi chế biến gạo để bà con yên tâm trồng lúa hàng hóa, chất lượng cao. Nếu có doanh nghiệp thu mua, có nhà máy chế biến, bà con sẽ chuyển diện tích trồng lúa chất lượng cao đại trà. Thu nhập của bà con chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay, nông thôn sẽ khấm khá hơn”.  Chủ đề lúa gạo tiếp tục sôi nổi trong cuộc gặp gỡ, trao đổi với một số cán bộ đảng viên ở Chi bộ thôn Thác Hoa 3 và Đảng ủy xã Sơn Thịnh.

Theo Phó bí thư Đảng ủy Lê Trung Đính, đó là vấn đề không riêng Thanh Lương, Sơn Thịnh mà của cả vùng sản xuất lúa gạo Mường Lò. Đồng chí đánh giá, sự liên kết mới dừng ở nhà nước, nhà khoa học với nông dân. Chính quyền đã tích cực vào cuộc, đã có nhà doanh nghiệp lên nghiên cứu nhưng câu chuyện vẫn chưa thành, nông dân Mường Lò vẫn đang bán lúa gạo tự do trên thị trường. “Chúng tôi rất phấn khởi khi dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ kỳ này xác định rất rõ là xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, gắn với sản xuất, chế biến và thị trường” – đồng chí Đính nói.

Theo đồng chí, Sơn Thịnh là một trong 10 xã nằm trong vùng sản xuất lúa chất lượng cao của Văn Chấn. Xã đang xây dựng trong 136 ha diện tích cấy lúa sẽ đưa diện tích sản xuất lúa thuần chất lượng cao với các giống Séng Cù, Chiêm Hương, Thiên Hương lên 40% ở các thôn: Phiên 1, Bản Lọng, Phiên 2, Thác Hoa 2.

“Sản xuất tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao sẽ khó bền vững nếu vẫn cứ để nông dân bán lúa, gạo tự do trên thị trường. Chúng tôi rất mong kỳ Đại hội này, Đảng bộ huyện sẽ tập trung bàn sâu, để có những quyết sách, tạo sự bền vững cho sản xuất lúa gạo, trực tiếp là giúp nông dân 10 xã vùng sản xuất lúa chất lượng cao có địa chỉ tiêu thụ ổn định” – đồng chí đề đạt.

Vùng lúa hàng hóa, chất lượng cao đã được cơ giới hóa. Ảnh: Nông dân xã Sơn A làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa vụ mùa.

Từ những vấn đề được quan tâm, bàn thảo ở cơ sở, chúng tôi trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Qua thảo luận tại Đảng bộ, các đảng viên đều nhất trí với giải pháp tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư phát triển diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 900ha gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm gạo Mường Lò. 900ha này tập trung ở 6/10 xã sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao là Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Hạnh Sơn, Sơn A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

Vấn đề mấu chốt để vùng lúa gạo hàng hóa, chất lượng cao này bền vững là phải gắn sản xuất với chế biến, với thị trường” - đồng chí nói. Văn Chấn có trên 4.000ha diện tích trồng lúa nước. Đột phá lớn trong những năm qua là huyện đã thử nghiệm thành công giống lúa thuần đặc sản DDS1 và JO1 thuộc dòng Japonica. Vụ đông xuân 2012 – 2013 diện tích cấy các giống lúa thuần chất lượng cao đã trên 500ha, năng suất đạt trên 65 tạ/ha, sản lượng đạt trên 3.000 tấn.

Soi vào những nội dung của dự thảo, đồng chí cho rằng nếu giải quyết được vấn đề liên kết với doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, Văn Chấn có thể đưa diện tích lúa hàng hóa từ 900 – 1.000ha. Khi ở thôn bản, chúng tôi đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp chưa vào với nông dân. Số đông ở Thanh Lương, Sơn Thịnh, Thạch Lương cho rằng doanh nghiệp chỉ tính thu mua thóc, nông dân không nắm được quy trình và cũng không có điều kiện để phơi sấy theo yêu cầu, tỷ lệ lẫn cao, thủy phân cao, doanh nghiệp chê, nông dân chán thế là dở cuộc. Bàn thảo về lúa gạo, ở Đồng Lơi, Thanh Lương có nữ đảng viên - nông dân cho rằng doanh nghiệp cần “xắn tay” vào cùng nông dân, hướng dẫn nông dân, giúp đỡ nông dân kiến tạo vùng nguyên liệu, gọt giũa sản phẩm chứ không để nông dân tự làm rồi doanh nghiệp chỉ việc thu mua theo kiểu “gặt hái”.

Cán bộ, đảng viên Chi bộ thôn Đồng Lợi, xã Thanh Lương sôi nổi thảo luận về định hướng phát triển vùng lúa hàng hóa 900ha trong giai đoạn 2015 - 2020.

Ở xã Sơn Thịnh, đồng chí Lê Trung Đính, đảng viên Chi bộ Thác Hoa 3, hiện là Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã có ý kiến: “Cần có sự thể hiện rõ hơn nữa vai trò, việc làm cụ thể của chính quyền, chính quyền vào cuộc hơn nữa, kết nối doanh nghiệp đến đầu tư vào vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân”. “Đây cũng là những vấn đề mà trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ huyện kỳ này các đồng chí trong Tiểu ban văn kiện, trong ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm, cô đúc lại và đưa vào trong văn kiện trung tâm của Đại hội”- Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Quang Phụng khẳng định.

Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiến hành trong khoảng đầu tháng 6/2015 - đây là đảng bộ đầu tiên trong các đảng bộ cấp huyện trực thuộc Đảng bộ tỉnh tiến hành đại hội. Với tinh thần trách nhiệm cao, hàng ngàn ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đã tham gia đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội. Sự quan tâm và bàn thảo sôi nổi của cán bộ, đảng viên và nhân dân về định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến và thị trường ở vùng lúa gạo Mường Lò mà dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đưa ra cho thấy ý Đảng đã hội lòng dân, những vấn đề lớn mà Đại hội Đảng bộ huyện kỳ này bản thảo, nghị quyết cũng chính là những vấn đề của dân, vì dân, chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ và đi vào cuộc sống.

Tuấn Anh

Các tin khác
Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

NHNN hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25-4

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (25/4) lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục