Chuyển động Túc Đán

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2015 | 3:06:50 PM

YênBái - YBĐT - Là xã thuộc huyện đặc biệt khó khăn, những năm qua, Đảng bộ xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu đã tập trung lãnh đạo nhân dân đoàn kết, tận dụng tối đa sự đầu tư của Nhà nước, khắc phục khó khăn và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế của địa phương vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Đảng bộ xã Túc Đán có 8 chi bộ, gồm 7 chi bộ thôn bản, một chi bộ cơ quan, với 89 đảng viên. Thực hiện công cuộc đổi mới, những năm qua, các đảng viên trong Đảng bộ đã tích cực gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội và hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh khai hoang ruộng bậc thang, tăng diện tích gieo cấy vụ 2. Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, diện tích lúa xuân chỉ có 22ha vào năm 2010, đã được tăng lên gần 80ha năm 2015, nâng tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm lên gần 200ha.  Xã còn vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi hàng chục héc - ta đất trồng ngô một vụ sang 2 vụ và chuyển mạnh diện tích đất lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô.

Chi bộ thôn Tà Chử được đánh giá là có những thay đổi nổi bật nhất về kinh tế, xã hội. Ông Mùa A Chống - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Chử cho biết: những năm 2010 trở về trước, Tà Chử được gọi bằng biệt danh là "thôn nghiện". Bởi lẽ, hơn 40 chục hộ thì gần như nhà nào cũng có người nghiện thuốc phiện. Hút thuốc phiện rồi thì lăn ra ngủ, không chịu lao động, nên 100% số hộ đều nghèo, đói. Tuy nhiên, được sự quan tâm sát sao của cấp uỷ, sau khi học xong THPT, Mùa A Chống tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng nghề Yên Bái. Khi tốt nghiệp, Chống vinh dự được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn.

Với tinh thần trách nhiệm của đảng viên và sự nhiệt tình của tuổi trẻ, anh Chống đã cùng Chi bộ quyết tâm phải làm thay đổi những tồn tại ở thôn Tà Chử. Anh chia sẻ về cách làm của đảng viên trong Chi bộ Tà Chử: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đảng viên trong chi bộ quyết tâm cai nghiện cho người dân. Trong đó, có 4 người nghiện nặng phải đưa đi cai tại trung tâm cai nghiện của tỉnh, số còn lại cai tại cộng đồng và một số người xin ký cam kết tự cai tại nhà.

Về kinh tế, Chi bộ thực hiện tích cực chỉ đạo và giám sát chặt chẽ khâu sản xuất. Hộ nào làm xong đất mới phát giống lúa, ngô để buộc người dân phải chủ động làm đất sớm, tránh tình trạng cấp giống mang về trước, rồi không làm hoặc đem giống bán cho hộ khác. Hoặc là, khi Nhà nước cấp phát tấm lợp xoá nhà dột nát thì thôn yêu cầu gia đình nào được cấp phải chuẩn bị đủ khung nhà rồi thôn vận động bà con đến giúp vận chuyển tấm lợp về tu sửa lại nhà cho đảm bảo chắc chắn, yên tâm lao động sản xuất; vận động nhân dân cùng đóng góp công sức, tiền của để mở đường cho xe máy đi lại thuận tiện và kéo điện lưới quốc gia về thôn...

Với quyết tâm đó, hiện nay thôn Tà Chử đã cơ bản không còn có người nghiện thuốc phiện, đã có trên 80% số hộ nhà được lợp bằng tấm lợp phibrô xi măng. Đồng thời, từ 100% số hộ nghèo thì năm 2015 đã có nhiều hộ vươn lên cận nghèo.

Ngoài Chi bộ Tà Chử, xã Túc Đán còn có nhiều đảng viên ở các chi bộ khác đang mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định. Điển hình như đảng viên Sùng A Đế ở chi bộ thôn Háng Tầu với mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng. Hiện nay, ông Đế có 3 con trâu, 5 con dê nái và gieo cấy trên 1ha ruộng bậc thang, 1ha ngô và trồng thảo quả đã bắt đầu cho thu hoạch.

Là xã vùng cao có lợi thế về chăn nuôi đại gia súc, xã đã vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò duy trì tổng đàn gần 800 con, tăng hơn 50 con so với đầu nhiệm kỳ, cùng hàng nghìn con lợn, gia cầm các loại. Để chăn nuôi đại gia súc phát triển, xã yêu cầu các hộ tuyệt đối thực hiện tốt các yêu cầu về chống đói, rét trong mùa đông cho gia súc như: làm chuồng nuôi nhốt và che ấm về mùa đông; dự trữ rơm rạ, trồng cỏ, ủ thức ăn bổ sung đề phòng mùa đông hiếm cỏ; đẩy mạnh công tác thú y phòng trừ dịch bệnh. Qua đó, đã có trên 200 hộ làm được chuồng trại đảm bảo yêu cầu và trên 60 hộ duy trì tốt việc tích luỹ rơm khô...

Để ngày càng nâng cao đời sống nhân dân, ông Thào A Ly - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Trong nhiệm kỳ mới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tập trung chuyển đổi giống cây trồng, tăng vụ và từng bước nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá, khuyến khích phát triển chăn nuôi bán công nghiệp...”.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành và Đảng bộ, chính quyền địa phương, trong thời gian tới, đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân trong xã Túc Đán chắc chắn sẽ được nâng lên. Con em trong xã sẽ được học tập tốt hơn; mọi người được hưởng thụ các chính sách ưu đãi về y tế để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; giao thông nông thôn được đầu tư sẽ giúp bà con đi lại thuận tiện; đời sống tinh thần được cải thiện. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, để cùng nhau đoàn kết xây dựng Túc Đán ngày một đi lên. 

 A Mua

Các tin khác
Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục