Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/7/2015 | 2:09:52 PM

YênBái - Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 32.373 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng là 32.373 doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ).
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng là 32.373 doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ).

Số doanh nghiệp thành lập mới đang giảm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 (từ 20/6/2015 đến 20/7/2015), cả nước có 6.598 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38,9 nghìn tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký một doanh nghiệp đạt 5,9 tỷ đồng. So với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 29,4%, số vốn đăng ký giảm 38,4%, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp giảm 12,6%. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 29,8%; số vốn đăng ký tăng 23,3%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tháng 7 là 92,1 nghìn người, giảm 30,8% so với tháng 6/2015.

Trong tháng 7, cả nước có 1.467 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33% so với tháng trước. Có 3.172 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, giảm 35,7%, bao gồm 762 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 2.410 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Có 748 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 9,2%.

Như vậy, tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 52.004 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 321,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, có 12.749 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 365,2 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng là 686,5 nghìn tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng là 743,4 nghìn người, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng là 5.456 doanh nghiệp, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,4%). Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 1.947 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 35,7%); 1.492 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 27,3%); 1199 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 22%) và 818 công ty cổ phần (chiếm 15%).

Đặc biệt, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng là 32.373 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 10.059 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 22.314 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Hàng tồn kho ngành công nghiệp vẫn cao

Cũng liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, theo Tổng cục thống kê, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/7/2015 tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung như sản xuất trang phục tăng 7,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,6%.

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 70,1%; sản xuất đồ uống tăng 64%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 41,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 23,9%.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2015 là 75,4%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 149,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 118%; sản xuất chế biến thực phẩm 101,1%.

Liên quan đến tình hình lao động của các doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2015 tăng 6,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,9%.

Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 7,1%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,2%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải có số lao động ổn định so với cùng thời điểm năm 2014.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục