Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020

“Vàng xanh” hội nhập và phát triển

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2015 | 9:58:05 AM

YênBái - YBĐT - Với trên 23.000ha quế, huyện Văn Yên (Yên Bái) được mệnh danh là “thủ phủ' của cây quế. Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp để phát triển loại cây đặc sản này nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Đồng bào Dao xã Viễn Sơn chăm sóc quế.
Đồng bào Dao xã Viễn Sơn chăm sóc quế.

Đến xã Viễn Sơn là đến với bạt ngàn những đồi quế nhiều thế hệ. Hiện Viễn Sơn có 1.500ha quế. Ở đây, cây quế gắn bó máu thịt với đồng bào Dao. Người Dao ví cây quế như “kho vàng xanh” để lưu truyền cho con cháu. Nhà nào có đồi quế coi như giữ “két bạc” trong nhà.

Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: “Quế đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi gia đình và của xã. Từ dựng vợ, gả chồng làm nhà, mua sắm đồ đạc hay nhà nào có công to việc lớn đều từ tiền bán quế mà ra. Mỗi năm, toàn xã khai thác được trên 400 tấn vỏ quế khô, khai thác tận thu thân cây quế được 4.500m3, tận thu lá quế ước đạt 2.000 tấn. Ở Viễn Sơn, cứ 3 hộ thì có một hộ có cuộc sống khá giả nhờ quế”.

Nơi đây, nhiều người biết tới gia đình ông Lý Tiến Thắng ở bản Khe Lợ có khoảng 50ha quế. Mỗi cây quế tuổi trên dưới vài chục năm của gia đình ông đã có giá trên 5 triệu đồng, ước tính cánh rừng quế của ông ngót vài chục tỷ đồng. Theo những hộ dân trồng quế, cây quế hiện nay không phải bỏ bất cứ thứ gì. Việc ra đời của các nhà máy chế biến tinh dầu quế và hàng trăm cơ sở chế biến tinh dầu quế bằng phương pháp thủ công với nguyên liệu cành nhỏ và lá quế tận thu, nông dân trồng quế có thể tận dụng mọi sản phẩm từ cây quế.

Hiện nay, toàn huyện Văn Yên có 23.000ha quế, diện tích lớn nhất tỉnh Yên Bái và cả nước. Cây quế đã gắn liền với đời sống của nhân dân các dân tộc Văn Yên từ bao đời nay. Quế hiện không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây chủ lực phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, sau khi có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, thị trường quế ổn định, giá quế tăng cao gấp 3 lần những năm trước. Mùa thu hoạch, nhà nhà lên đồi bóc quế, phơi quế. Hàng năm, địa phương bán ra thị trường khoảng 7.000 tấn vỏ quế khô các loại cùng nhiều sản phẩm đa dạng liên quan đến quế, thu về hàng trăm tỷ đồng. Thu nhập từ quế tăng từng năm đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê. Những năm qua, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp để phát triển vùng quế ổn định và bền vững.

Cùng với tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ đến cành, lá quế; mở rộng hướng đầu tư phát triển thương hiệu quế Văn Yên; tập trung phát triển công nghiệp chế biến sử dụng sản phẩm từ cây quế. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công thương hiệu quế Văn Yên với việc được cấp bằng bảo hộ quyền chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế gồm 8 xã: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng với diện tích trên 15.000ha.

Ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Yên cho biết: “Những năm qua, khai thác thế mạnh cây quế, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cũng như giá trị kinh tế cho người trồng quế. Huyện đã chỉ đạo các ngành, xã và vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế. Đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên; thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên để liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm quế Văn Yên. Huyện cũng tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế quảng bá thương hiệu quế Văn Yên”.

Tháng 9 tới đây, huyện Văn Yên sẽ tổ chức Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ nhất tại xã Viễn Sơn. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đồng thời giới thiệu nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng quế Văn Yên với du khách trong và ngoài nước. Thông qua các nội dung hoạt động này kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đem đến cho mọi người hiểu biết sâu hơn về sản phẩm quế Văn Yên, văn hóa của người trồng quế cũng như tiềm năng, thế mạnh của quế Văn Yên. Điều đó sẽ mở ra hướng phát triển mới cho quế Văn Yên và là tiền đề để thương hiệu quế Văn Yên được quảng bá rộng rãi hơn nữa ở thị trường trong và ngoài nước.

Văn Thông

Các tin khác
Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục