Những con đường no ấm

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2015 | 2:15:55 PM

YênBái - YBĐT - Thành tựu được đánh giá ghi dấu ấn đậm nét nhất về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2010 - 2015 là bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông nhất là hệ thống giao thông huyết mạch và giao thông nông thôn (GTNT), tạo ra động lực mới, mở ra những cơ hội thuận lợi trong phát triển kinh tế nội vùng, đặc biệt là trong thông thương phát triển kinh tế - xã hội ngoại vùng và liên kết vùng.

Trong nhiệm kỳ qua, hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh được đầu tư và phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải cắt băng khánh thành nút IC12 đường tránh ngập thành phố Yên Bái).
Trong nhiệm kỳ qua, hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh được đầu tư và phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải cắt băng khánh thành nút IC12 đường tránh ngập thành phố Yên Bái).

Phát triển hệ thống giao thông huyết mạch

Triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ về xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vùng Tây Bắc, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được triển khai hoàn thành (qua địa bàn tỉnh Yên Bái 83km, có quy hoạch 4 điểm đấu nối) đảm bảo kết nối với các địa phương trong vùng, với Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)… tạo điều kiện, khả năng to lớn cho sự phát triển của tỉnh Yên Bái.

Để góp phần thực hiện hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra, tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo, phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái), bàn giao mặt bằng sạch và tạo các điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đáp ứng tiến độ thực hiện Dự án theo yêu cầu của Trung ương.

Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành Dự án đường tránh ngập thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư trên 995 tỷ đồng. Ngoài ra, Yên Bái cũng đang được Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn như: quốc lộ 32 (đoạn Nghĩa Lộ - Vách Kim) và tuyến tránh thị xã Nghĩa Lộ; quốc lộ 32C; quốc lộ 37 (đoạn Km315 - Km330); hoàn thành nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai (thuộc hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng), tạo ra các điều kiện giao thông thuận lợi giúp tỉnh trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ riêng trong 3 năm, tổng chiều dài các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh được Trung ương đầu tư là trên 156km, với tổng mức kinh phí trên 1.377 tỷ đồng.

Đột phá trong phát triển giao thông nông thôn

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015 được xem là bước đột phá trong phát triển GTNT của tỉnh. Trong 5 năm (2010 - 2014), toàn tỉnh đã huy động được 2.484 tỷ đồng xây dựng GTNT, trong đó vốn ngân sách Trung ương 805 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 515 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 595 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA, vốn huy động xã hội khác. Từ các nguồn vốn này, toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trên 463km/ 420km, đạt trên 110% so với kế hoạch; mở mới, mở rộng đường đất trên 966km/ 825km, đạt trên 117% kế hoạch và xây dựng 42 cầu bê tông, 19 cầu treo và 26 ngầm tràn các loại.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án đã phát huy tính chủ động ở nhiều địa phương, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” làm thay đổi cơ bản bộ mặt của các vùng dân cư nông thôn, góp phần rất quan trọng trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Hệ thống đường giao thông đến trung tâm các xã tiếp tục được quan tâm đầu tư để đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa, trong đó đã triển khai hoàn thành một số tuyến đường đến trung tâm xã ở các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh như: đường đến trung tâm các xã Chế Tạo (Mù Cang Chải), Pá Lau, Pá Hu, Bản Mù, Làng Nhì (Trạm Tấu)… với số vốn đầu tư trên 360 tỷ đồng.

Các tuyến đường sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông từ huyện tới trung tâm các xã, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nội vùng, góp phần rút ngắn khoảng cách kinh tế giữa vùng thấp với vùng cao.

Hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi 4 mùa.

Đi trên con đường bê tông rộng thênh thang nối từ trung tâm huyện Trạm Tấu chạy dài hơn 12 cây số về xã Bản Mù, xã khó khăn nhất nhì của huyện vùng cao này, Chủ tịch UBND xã Bản Mù - Sùng A Lù phấn khởi bộc bạch: “Trước đây mỗi lần có công việc phải xuống huyện không chỉ cán bộ xã mà người dân cũng rất ngại, ngày nắng đã đành còn mùa mưa thì chỉ có ai bạo gan mới dám đi, chủ yếu là đường đất dốc trơn trượt, 12 cây số phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới xuống tới huyện. Hôm nay thì con đường bê tông dài 12km nối từ trung tâm huyện đến tận xã, chỉ cần nửa giờ đồng hồ là đã tới huyện, hàng hoá nông sản làm ra chỉ một cuộc điện thoại là ô tô đến tận nơi bốc hàng”.

Cùng trên địa bàn và như Bản Mù, Làng Nhì cũng là xã đặc biệt khó khăn, trước đây đường vào xã chủ yếu là đường đất dốc, năm nào tỉnh, huyện cũng phải trích kinh phí, huy động nhân lực để sửa chữa, song chỉ được mùa nắng còn mùa mưa thì đường lại đâu vẫn hoàn đấy. Thế nên từ khi có con đường, cuộc sống người dân đã khác hẳn.

Ông Mùa Sáy Tông - Chủ tịch UBND xã Làng Nhì phấn khởi chia sẻ: “Ngày trước chưa có con đường bê tông thế này, phương tiện để vận chuyển hàng hoá duy nhất là con ngựa, xe máy cũng không thể đi được vì đường dốc, trơn trượt, một chuyến hàng đi xuống Nghĩa Lộ cũng phải mất một ngày, rồi lại một ngày về nữa là hai, chưa kể còn chi phí ăn uống dọc đường... Còn hôm nay, chả phải mang đi đâu, ô tô, xe máy các nơi đến tận thôn bản để thu mua nông sản của bà con. Từ khi có con đường, cuộc sống của người dân khá giả lên trông thấy. Ngày trước, số hộ khá toàn xã chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay đã lên tới vài chục, nhiều hộ đã mua được ô tô vận tải để kinh doanh. Điều mà bao năm qua người dân trong xã chả dám mơ tới thì nay đã thành hiện thực...”.

Đến năm 2015, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, nhất là về đường bộ, thực hiện được yêu cầu hạ tầng giao thông đi trước một bước. Việc hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ từ quốc lộ, tỉnh lộ đến hệ thống đường GTNT các địa phương đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước nối gần Yên Bái với các vùng, miền trong cả nước.

Thanh Tân

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục