Chuyển đổi hợp lý, hiệu quả, bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/9/2015 | 2:23:27 PM

YênBái - YBĐT - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả, bền vững nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế nông hộ luôn là mục tiêu hướng đến của Đảng bộ huyện Văn Yên. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Văn Yên chủ trương đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, trong đó có cây ngô đồi. Việc mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi đã có cơ sở để thực hiện thành công trên đồng đất địa phương.

Lãnh đạo xã An Bình và thôn Cầu Cao kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây ngô đồi vụ hè thu.
Lãnh đạo xã An Bình và thôn Cầu Cao kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây ngô đồi vụ hè thu.

Thực tế quyết định hướng đi

Thôn Cầu Cao, xã An Bình  có 95ha sắn giống KM94. Cây sắn đến với nơi đây chính thức từ năm 2002 với 3ha được 5 hộ gia đình đảng viên trồng thử nghiệm. Hiệu quả kinh tế cây sắn mang lại sau một năm đã thuyết phục được người dân toàn thôn: thu nhập 20 triệu đồng trên mỗi héc-ta. Người dân nức lòng,  sắn nhanh chóng trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Đến năm 2008, tất cả các hộ gia đình ở Cầu Cao đều đã trồng sắn.

Giai đoạn 2008 - 2011, nhờ cây sắn, đời sống kinh tế của người dân trong thôn thực sự khá giả. Sau đó, sự bạc màu của đất, kém ổn khâu tiêu thụ, bấp bênh về giá cả dẫn đến một số diện tích trồng sắn đã giảm giá trị kinh tế và thu nhập. Ông Trần Đức Sơn - Trưởng thôn Cầu Cao cho biết: “Thu nhập không cao như trước, người dân tìm cách chuyển đổi cây trồng ngay lập tức. Cây ngô đồi đã được lựa chọn và là quyết định phù hợp ở thời điểm đó”.

Từ năm 2011 đến nay, người dân Cầu Cao đã chuyển đổi 35ha trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi. 60 hộ trong tổng số 88 hộ toàn thôn đã thực hiện chuyển đổi, hộ ít khoảng ba sào, nhiều lên tới cả héc-ta như các hộ ông Trần Văn Huệ, Trần Văn Đẳng, Trần Nhữ Hà. Giống ngô DK 6919 ở đồng đất Cầu Cao cho năng suất 5 tấn/ha, mỗi năm người dân canh tác 2 vụ ngô. Sản phẩm ngô hạt, người dân trong thôn chủ yếu tiêu thụ ngay tại chợ Trái Hút rất dễ dàng, phần nữa phục vụ chăn nuôi trâu, lợn, gà, cá. Trưởng thôn Cầu Cao cho biết thêm, cụ thể là nhà ông, vụ ngô xuân 2015 trồng 4 sào, thu 1,6 tấn ngô hạt khô, bán giá 5.300 đồng/kg, thực lãi 1 triệu đồng/sào.

Trên địa bàn xã An Bình hiện có 385ha ngô gồm cả ngô đồi, ngô bãi, ngô trên đất ruộng hai lúa. Tính cụ thể trong số đó, 60ha ngô đồi đã được chuyển đổi từ diện tích trồng sắn kém hiệu quả. Các thôn: Trái Hút, Tân Ninh, Hoa Nam, Cầu Cao, Khe Trang, Khe Rồng... đều đã thực hiện chuyển đổi. Cầu Cao là thôn có diện tích chuyển đổi lớn nhất. Đầu năm 2015, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức tập huấn cho 70 hộ dân ba thôn Khe Trang, Khe Rồng, Khe Ly về kỹ thuật thâm canh cây ngô.

Ở xã An Bình, có rất nhiều gia đình thu nhập cao từ trồng ngô đồi. Chỉ tính một vụ ở thôn Khe Rồng, hộ ông Nguyễn Duyên Long đã thu về 12 tấn ngô đồi, hộ ông Đặng Văn Chung 8 tấn , hộ ông Vi Văn Bắc 5 tấn; thôn Khe Trang, hộ ông Lý Văn Vinh, Đặng Xuân Kiểm thu 5 tấn; thôn Cầu Cao, hộ ông Nguyễn Duyên Thuyết cũng thu 5 tấn ...

Ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã An Bình đã phân tích: “Lợi ích chuyển đổi từ diện tích trồng cây sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi rất rõ nét tại địa phương. Thứ nhất là tăng thu nhập cho người dân. Thứ hai là bảo đảm an ninh lương thực. Thứ ba là tăng diện tích và sản lượng cây có hạt hàng năm. Thứ tư là góp phần duy trì và phát triển đàn gia súc và gia cầm. Thứ năm là bảo vệ tài nguyên đất”. Sản lượng ngô của toàn xã An Bình mỗi năm đạt khoảng 2.800 tấn, 2/3 số đó được người dân xuất bán tự do, phần còn lại phục vụ chăn nuôi gia súc và gia cầm. Theo tính toán, diện tích chuyển đổi sẽ tiếp tục tăng và xã đã tập trung thực hiện việc quy hoạch hợp lý, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích.

Chuyển đổi phù hợp, hiệu quả

Hiện nay, huyện Văn Yên có 1.000ha ngô đông trên đất hai lúa, 750ha ngô đông trên đất bãi ven sông, 1.157ha ngô đồi. Theo ông Lưu Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên, trên thực tế, diện tích ngô đồi của huyện tính tại thời điểm năm 2015 có thể lên đến 1.300ha, trong đó có 300ha được chuyển đổi từ diện tích trồng sắn kém hiệu quả. Cũng tính tại thời điểm này, Văn Yên có 7.505ha sắn. Chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi đang được đặt ra bởi vùng nguyên liệu sắn tập trung của huyện chủ yếu là đất đồi, có độ dốc cao nên đất rất dễ bị xói mòn, rửa trôi. Thêm nữa, khoảng cách trồng của cây sắn thưa hơn các cây trồng khác, thời gian khép tán dài hơn cũng gây xói mòn, rửa trôi đất mạnh. Một bộ phận nông dân chưa có ý thức thực hiện kỹ thuật canh tác sắn bền vững, chưa chú trọng đầu tư thâm canh, chưa đầu tư phân bón đầy đủ, chưa thực hiện các biện pháp tiến bộ kỹ thuật nhằm bảo vệ đất. Vì thế, cây sắn sinh trưởng kém, nhiễm sâu bệnh, năng suất giảm, chất lượng tinh bột giảm, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Mặt khác, việc áp dụng nhân rộng trồng các giống sắn mới thay thế giống cũ còn chậm.

Một yếu tố nữa thúc đẩy quá trình chuyển đổi này là ở nhiều nơi, các hộ dân dành toàn bộ hoặc dành hầu hết diện tích đất canh tác để trồng sắn cao sản mà không chú trọng trồng các loại cây lương thực khác. Điều này dẫn đến nguồn thức ăn chăn nuôi gặp không ít khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện Văn Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020 có mục tiêu đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, trong đó có ngô đồi ở vùng thượng huyện và phấn đấu đến năm 2020, sản lượng lương thực có hạt đạt 56.000 tấn trở lên; phát triển đầu đàn gia súc chính lên 166.500 con, đàn gia cầm lên 1.200.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2020 đạt 9.000 tấn trở lên, đưa chăn nuôi chiếm 35% tổng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là tiến hành rà soát, quy hoạch lại và khoanh vùng diện tích trồng sắn phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường và độ dốc của đất. Những diện tích đất đồi trồng sắn cao trên 30 độ và diện tích trồng sắn cách xa đường vận chuyển sẽ chuyển sang trồng ngô đồi đi đôi với áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, che phủ, hạn chế xói mòn đất, duy trì năng suất ngô ổn định.

Từ thực tế sản xuất của các nông hộ cùng với chủ trương đúng đắn, lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Văn Yên có cơ sở để chuyển đổi diện tích trồng cây sắn kém hiệu quả sang trồng cây ngô đồi cho hiệu quả thiết thực, bền vững, lâu dài. Bên cạnh đó cũng phải nói đến mong muốn có sự hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm cho người dân bằng nhiều nguồn vốn.

Ông Lưu Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên:

“Đối với việc chuyển đổi diện tích trồng cây sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi của huyện Văn Yên trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân về giống, về phân bón. Về phía huyện và các ngành liên quan cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi hợp lý, hiệu quả, bền vững. Quá trình chuyển đổi này phải bảo đảm diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu sắn phục vụ hoạt động của nhà máy chế biến sắn trên địa bàn huyện”.

 

Ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Văn Yên:

“Để duy trì diện tích ngô đồi chuyển đổi một cách bền vững, đề nghị các cấp, các ngành tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây ngô đồi đồng thời hỗ trợ giống ngô mới cho người dân. Bên cạnh đó, đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác rà soát, kiểm tra chất lượng các loại ngô giống trên thị trường, góp phần giúp người dân có thể mua được giống ngô bảo đảm chất lượng. Xã An Bình sẽ bám sát kế hoạch huyện giao, duy trì diện tích ngô đồi chuyển đổi theo quy hoạch và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục