Chăn nuôi đại gia súc ở Trạm Tấu: Cần tìm hướng phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/11/2015 | 3:09:00 PM

YBĐT - Những năm qua, chăn nuôi đã được xác định là một trong những thế mạnh của huyện Trạm Tấu. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện đã có những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng các mô hình. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa vẫn là điều khó khăn ở huyện vùng cao này.

Nhiều hộ nông dân ở huyện Trạm Tấu tích cực dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.
Nhiều hộ nông dân ở huyện Trạm Tấu tích cực dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Với lợi thế có bãi chăn thả lớn, cấp ủy, chính quyền xã Xà Hồ đã vận động nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi. Ông Mùa A Đế - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết: "Với địa thế chủ yếu là đồi núi dốc, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tìm tòi nhiều mô hình kinh tế nhằm mở hướng thoát nghèo cho người dân. Chăn nuôi gia súc được lựa chọn là mô hình kinh tế hợp lý". Đến nay, toàn xã đã có 1.381 con trâu, bò và 1.475 con lợn, hàng nghìn con gia cầm các loại. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, địa phương vẫn chưa làm được bởi thực tế tập quán chăn nuôi của người dân chưa tốt, mạnh ai nấy làm. Có những hộ gia đình có tới 20 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm. Tuy giá trị tới hàng trăm triệu đồng nhưng người dân chưa ý thức được việc duy trì ổn định và tái đàn, khi có công việc là đem bán hết lấy tiền. Gia đình anh Thào A Giao ở thôn Suối Giao có tới 22 con trâu, bò nhưng khi hỏi chuyện chăn nuôi theo hướng hàng hoá, anh chỉ cười và cho rằng: do gia đình có bãi chăn thả lớn, diện tích lúa, ngô cũng nhiều nên có thức ăn cho trâu bò. Vì thế, đàn trâu bò sinh sôi, phát triển qua nhiều năm và mục đích của gia đình cũng để làm sức kéo.
Cũng như Xà Hồ, xã Pá Hu cũng được đánh giá là một trong những địa phương có lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Theo Chủ tịch UBND xã - Giàng A Lồng, xã có 5 thôn, bản nhưng chỉ thôn Km 16 và thôn Tà Tàu là có bãi chăn thả tự nhiên khá tốt. Những năm qua, xã đã vận động nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi gia súc để xoá đói giảm nghèo cho người dân. Từ chỗ chỉ có vài chục con trâu, bò đến nay xã có 496 con trâu và 150 con bò. Xã đã vận động nhân dân mở rộng diện tích lên 130 ha ngô hè thu và 364 ha ngô xuân, trồng 12 ha cỏ để tạo nguồn thức ăn cho trâu, bò. Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Thào A Mua ở thôn Tà Tàu, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: đây là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào chăn nuôi trâu, bò của xã. Anh Mua là Bí thư Đoàn xã, trẻ trung, năng động, sẵn có trâu, bò của bố mẹ cho từ trước, nuôi theo hình thức bán chăn thả. Từ 2 con trâu ban đầu đến nay gia đình anh đã có 10 con trâu, trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi hỏi việc nuôi trâu theo hình thức hàng hoá, Thào A Mua chỉ cười và cho rằng, nuôi để làm sức kéo, vả lại khi có công việc cần đến tiền thì bán chứ chưa nghĩ đến việc phát triển chăn nuôi lâu dài theo hướng hàng hoá.
Mặc dù có diện tích đất tự nhiên rộng, Trạm Tấu vẫn là địa phương kinh tế phát triển chậm bởi đa số người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc với phương thức lạc hậu, kém hiệu quả. Trước đây, bà con chủ yếu nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa để làm sức cày kéo; nuôi lợn, gà cũng chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình chứ chưa có ý thức phát triển chăn nuôi để tạo nguồn thu nhập. Người dân vẫn chưa thực sự chú trọng tới công tác phòng, trừ dịch bệnh cho đàn gia súc. Việc phát triển chăn nuôi vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Cùng với đó, do là huyện vùng cao, giao thông đi lại khó khăn; mạng lưới thú y còn yếu về mặt chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ dân trí không đồng đều, người dân còn giữ tập quán chăn thả gia súc tự do, thiếu kiểm soát nên đã tác động không nhỏ tới việc phát triển chăn nuôi gia súc ở Trạm Tấu.
Mục tiêu của huyện đặt ra mỗi năm tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt khoảng 5 - 6%. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi giúp nhân dân phát triển đàn gia súc. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, của tỉnh đầu tư vào địa bàn, người dân đã được hỗ trợ về mọi mặt, từ con giống, thức ăn đến kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thuốc, vắc-xin... Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá vẫn còn là vấn đề khá nan giải. Có trên 6.200 con trâu, 3.235 con bò và hàng trăm con dê, ngựa nhưng cả huyện mới có hơn 200 ha cỏ trồng. Diện tích ngô xuân, ngô hè thu cũng không đủ đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho gia súc trong mùa khô bởi khí hậu vùng cao khắc nghiệt hơn vùng thấp, mùa khô kéo dài từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tận tháng 5 âm lịch năm sau… Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành từ huyện đến xã, đồng thời cũng cần phát huy tính chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và phòng, chống dịch bệnh...
                                                             Bài, ảnh: Thanh Tân

Các tin khác
Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục