“6 cây” và “4 con” trong tái cơ cấu nền nông nghiệp ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 3:16:08 PM

YBĐT - Kết thúc giai đoạn 2011 - 2015, sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, năm 2015 thắng lợi toàn diện với 10/10 chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp đề ra đạt và vượt kế hoạch, góp phần để Yên Bái đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Văn Yên.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Văn Yên.

Qua nhiều năm nỗ lực, nền nông nghiệp đến nay đã phát triển theo hướng hàng hoá, thị trường với việc nâng cao giá trị sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần hình thành những vùng chuyên canh gắn với chế biến; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá, thâm canh tăng vụ tạo ra giá trị gia tăng qua diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Xét về năng suất, sản lượng, Yên Bái cũng là "vựa lúa" của vùng Tây Bắc. Tổng sản lượng lương thực năm 2015 đạt 300.505,9 tấn. Không chỉ có vậy, tỉnh còn hình thành và phát triển ổn định vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích trên 2.500 ha (cánh đồng Mường Lò 1.200 ha, cánh đồng Đại - Phú - An (huyện Văn Yên) 600 ha, cánh đồng Mường Lai, Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên) 600 ha, vùng trồng lúa nếp đặc sản Tú Lệ (huyện Văn Chấn) 100 ha). Nổi bật hơn cả là đã chuyển đổi hơn 3.000 ha đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô nay đã trở thành cây chủ lực xoá đói nghèo và làm giàu ở vùng cao.

Diện tích cây ăn quả ngày càng được mở rộng, nâng cao cả về diện tích và giá trị, đến nay đạt trên 6.620 ha. Trong đó, vùng cây ăn quả đặc sản đã được quy hoạch và phát triển theo các vùng sinh thái (bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; hồng không hạt huyện Lục Yên; cam, quýt huyện Văn Chấn và Lục Yên; nhãn, vải vùng phía Bắc huyện Văn Yên và vùng trong của huyện Văn Chấn). Với hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, sơn tra - từ thứ cây mọc tự nhiên nay đã thành cây hàng hóa giúp đồng bào nâng cao thu nhập.

"6 cây" và "4 con" đã được xác định để thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm tiếp theo. "6 cây" gồm: cây chè vùng cao, cây tre măng Bát Độ, cây sơn tra, cây ăn quả có múi, cây quế và cây ngô đông trên đất 2 vụ lúa. "4 con" gồm: con cá, con trâu/ bò, con lợn và con dê.

Xác định chè là cây thế mạnh, trong những năm qua, Yên Bái đã tập trung thâm canh, cải tạo diện tích chè già cỗi ở vùng thấp bằng giống chè lai, chè nhập nội chất lượng cao 2.330 ha. Nguồn thu từ chè của các hộ nông dân đạt 150 - 170 tỷ đồng.

Người Mông xã Suối Giàng (Văn Chấn) thu hái chè Shan tuyết.

Lĩnh vực lâm nghiệp ghi dấu bằng con số tăng hàng năm diện tích khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng phòng hộ và trồng mới. Sản lượng khai thác mỗi năm đạt 350.000 - 450.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, 120 ngàn tấn nguyên liệu tre, nứa, vầu và 3.000 tấn vỏ quế khô phục vụ các cơ sở chế biến. Chăn nuôi phát triển khá rõ nét giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc chính bình quân hàng năm đạt 3%.

Đáng nói hơn cả là đã hình thành và phát triển hiệu quả một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha, vùng ngô 15.000 ha , vùng chè trên 11.000 ha, vùng sắn cao sản trên 15.000 ha, tre măng Bát độ trên 3.500 ha, quế trên 33.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha.

Đưa cơ giới vào đồng ruộng.

Đặc biệt sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh đã có 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái); riêng năm 2015 là 5 xã: Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng (huyện Trấn Yên), Đại Phác (huyện Văn Yên) và Liễu Đô (huyện Lục Yên ), đạt 166,7% kế hoạch năm).    

Những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong những năm qua là rất đáng tự hào, song để đáp ứng cao hơn nữa yêu cầu phát triển, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là mục tiêu tổng quát của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Trong đó: "Tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, chú trọng vào tái cơ cấu nội ngành giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... Phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới".

Tái cơ cấu theo hướng chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo yêu cầu của thị trường về chất lượng, bảo đảm hài hoà tăng thu nhập bền vững cho nông dân và bảo đảm môi trường sinh thái. Tất cả hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập ,cải thiện đời sống nhân dân; tạo mối liên kết chặt chẽ, bền vững "4 nhà" trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Cùng với “6 cây" và "4 con”  mũi nhọn để phát triển, tỉnh cũng ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; khai thác tận dụng tối đa lợi thế từng vùng, từng địa phương; đổi mới quan hệ sản xuất cho phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, duy trì ổn định diện tích hiện có, trong đó tập trung xây dựng với diện tích 2.500 ha ở những địa phương có điều kiện như cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn), cánh đồng Đại - Phú - An và Đông Cuông (Văn Yên), cánh đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc (Lục Yên) và vùng đặc sản nếp Tú Lệ (Văn Chấn).

Vùng cây ăn quả đặc sản góp mặt vùng bưởi Khả Lĩnh tại hai xã Đại Minh và Hán Đà, huyện Yên Bình và vùng cam, quýt ở hai huyện Văn Chấn, Lục Yên  với quy mô 450ha. Vùng sản xuất chè an toàn, tập trung phát triển chè đen, chè xanh chuyên canh tập trung với quy mô 4.000ha và vùng chè Shan tuyết đặc sản 400 ha. Vùng rau an toàn xây dựng với diện tích 100 ha tập trung ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.

Vùng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại tập trung gắn với cơ sở giết mổ, chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và thị trường.

Khai thác lợi thế mặt nước, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyên canh gồm 500ha tại Yên Bình, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Ngoài ra, tập trung phát triển một số sản phẩm lâm nghiệp đặc thù có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: quế, tre măng Bát độ, cây sơn tra... Yên Bái phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác vùng sản xuất tập trung tăng từ 1,5 lần trở lên so với năm 2015.

Yên Bái đã xây dựng 11 dự án thành phần theo tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, trong đó lưu ý giải pháp triển khai thực hiện sẽ đặc biệt chú trọng đến các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và liên kết để tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác vùng sản xuất tập trung tăng từ 1,5 lần trở lên so với năm 2015. Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục thực hiện các đề án chuyên biệt như giao đất, giao rừng... nhằm phát huy lợi thế đất đai, khí hậu của tỉnh miền núi đưa Yên Bái thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Quang Thiều

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục