Thành phố Yên Bái: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/4/2016 | 3:36:07 PM

YBĐT - Thiếu vốn là một yếu tố cơ bản khiến các hộ làm nông nghiệp khó có thể mở rộng quy mô, hướng đến sản xuất hàng hóa.

Một mô hình trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn thành phố.
Một mô hình trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn thành phố đã phần nào gỡ được “nút thắt” này khi tham gia vào Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao thành phố Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015".

Bắt đầu trồng nấm nhằm phát triển kinh tế gia đình từ năm 2008, cho đến khi tham gia vào Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung chất lượng cao" của thành phố Yên Bái, gia đình bà Nguyễn Thị Dịu ở thôn 6 (phường Hợp Minh) thực sự chuyển từ quy mô gia đình nhỏ lẻ sang sản xuất nấm thương phẩm hàng hóa, đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, từ mở rộng lán trại đến máy hút chân không, máy đánh nguyên liệu.

Đến nay, mô hình của bà Dịu vẫn là một trong những mô hình trồng nấm hiệu quả, giải quyết nhiều lao động cho gia đình, mang lại thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Đối với chăn nuôi, nhiều hộ dân khi tham gia vào Đề án cũng đã có điều kiện chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa như gia đình bà Nguyễn Thị Liễu ở thôn Trực Bình II (xã Minh Bảo), ông Chu Tiến Dương ở thôn Nhà Giát (xã Văn Tiến), ông Bùi Ngọc Hùng ở tổ 6 (xã Hợp Minh)…

Có thể nói, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao theo Đề án này là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp của thành phố. Đề án thực hiện hỗ trợ cả trồng trọt và chăn nuôi, gồm hỗ trợ sản xuất rau an toàn, sản xuất nấm, trồng hoa, cây cảnh và chăn nuôi (lợn, thỏ, gia cầm) với những mức hỗ trợ khác nhau phù hợp với từng dự án.

Triển khai Đề án, thành phố đã sát sao ngay từ khâu chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của tỉnh, quy định hỗ trợ của thành phố, hướng dẫn người dân tham gia thụ hưởng. Thành phố đã tổ chức 85 lớp tập huấn, tuyên truyền tại 17 xã, phường với trên 4.250 lượt người tham gia.

Riêng năm 2015, đã tổ chức tập huấn 31 lớp cho 1.550 lượt người tham gia để tuyên truyền về các chính sách của tỉnh, quy định hỗ trợ của thành phố, đồng thời phối hợp với Trung tâm Giống vật nuôi, Chi cục Thủy sản, Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức 70 lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, cá và kỹ thuật nuôi trồng nấm. Các bước để triển khai các dự án đều được thực hiện trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả.

Đề án chính thức được triển khai từ năm 2013. Trong giai đoạn 2013 - 2015, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho các nội dung của Đề án trên cơ sở lồng ghép các nguồn hỗ trợ của tỉnh, của thành phố và các nguồn hỗ trợ khác. Trong các nội dung hỗ trợ của giai đoạn này, chăn nuôi có tổng nguồn hỗ trợ nhiều hơn cả, được hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa hàng năm của tỉnh và quy định hỗ trợ của thành phố. Đã có 524 mô hình chăn nuôi lợn, gà, thỏ Newzealand được hỗ trợ với tổng kinh phí là trên 6,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Hiên ở thôn 3 (xã Văn Phú) có ý định phát triển kinh tế bằng nuôi thỏ quy mô lớn đúng thời điểm thành phố triển khai Đề án nên ông đã tham gia ngay. Hiện, mô hình nuôi thỏ của gia đình ông phát triển lên đến 1.000 con cả sinh sản và thương phẩm, hứa hẹn cho thu nhập cao. Nhìn chung, các hộ thực hiện các dự án chăn nuôi đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dự án chăn nuôi lợn thịt cho thu nhập bình quân 90 triệu đồng/năm; chăn nuôi lợn nái bình quân 100 triệu đồng/năm; nuôi lợn nái sinh sản kết hợp với lợn thịt thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm; gà 1.000 con/lứa khoảng 50 triệu đồng/năm; gà 300 con/lứa cho thu nhập bình quân 15 triệu đồng/năm và thỏ thu nhập bình quân 15 triệu đồng/năm.

Việc thực hiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi góp phần rất lớn trong tăng đầu đàn, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và giá trị ngành chăn nuôi của thành phố nói riêng, kịp thời giúp các hộ dân phần nào giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho phát triển sản xuất.

Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ của thành phố đòi hỏi mức đầu tư không quá cao, như: mô hình nuôi lợn kết hợp (31 con lợn thịt và 5 con lợn nái), mô hình nuôi thỏ, nhất là mô hình nuôi gà 300 con/lứa có mức đầu tư thấp, phù hợp với mọi đối tượng người dân, từ hộ có điều kiện về kinh tế đến hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bước đầu hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, tạo thêm việc làm thường xuyên cho mỗi dự án từ 1 - 2 lao động.

Đối với việc hỗ trợ trồng rau an toàn, thành phố đã hỗ trợ trồng 3,4 ha mô hình trồng rau an toàn cho 3 xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Minh Bảo từ nguồn xây dựng nông thôn mới của tỉnh; đồng thời triển khai trồng ớt trên địa bàn 6 xã (Tuy Lộc, Âu Lâu, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc, Văn Phú) với tổng diện tích 16,12 ha. Đặc biệt, dự án trồng bí đỏ đồng tiền vàng tập trung tại xã Phúc Lộc trong 2 năm 2014 - 2015 với tổng diện tích 16,15 ha đã rất thành công, được người dân đón nhận, mang lại thu nhập 4,8 triệu đồng/sào, tạo thêm việc làm cho khoảng 61 lao động trong xã.

Mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Anh Hiên thôn 3, xã Văn Phú. (Ảnh: Hoài Anh)

Trong quá trình triển khai các mô hình, thành phố cũng không đặt nặng số lượng mà chú trọng đến chất lượng, tính phù hợp thực tế của các mô hình, thể hiện trong quá trình hỗ trợ sản xuất nấm. Mặc dù chỉ duy trì hỗ trợ 33 hộ trồng nấm, bằng 11% so với mục tiêu của Đề án nhưng đây cơ bản là những hộ có tâm huyết với nghề và sản xuất với quy mô tương đối lớn, khoảng 400 - 700 m2, lâu dài, bền vững, như: hộ bà Nguyễn Thị Dịu, ông Nguyễn Quốc Tuấn ở phường Hợp Minh, ông Vũ Văn Nhuân xã Tuy Lộc, ông Đỗ Văn Kim phường Nam Cường.

Sản lượng nấm của các hộ trong 3 năm đạt khoảng trên 515 tấn nấm tươi các loại, doanh thu đạt 11,5 tỷ đồng. Tuy số lượng hộ tham gia, sản lượng và doanh thu đạt thấp so với mục tiêu đề ra của Đề án song quan điểm chỉ đạo của thành phố là không làm theo phong trào, không nóng vội mà tiến hành từng bước vững chắc, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt khuyến khích các hộ mở rộng quy mô sản xuất và tạo mọi điều kiện giúp đỡ các hộ có tâm huyết với nghề trồng nấm phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Sau thời gian thực hiện hỗ trợ sản xuất nấm các loại, bước đầu đã hình thành một nghề mới, sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, tạo sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đưa công nghệ vi sinh vào sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho 2 - 3 lao động/mô hình, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng chí Hoàng Quốc Cường - Phó chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: “Đề án này đã được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, trong chăn nuôi, nhất là các mô hình chăn nuôi lợn, cùng với những yếu tố khách quan thuận lợi, đã tạo hiệu quả trong phát triển kinh tế của nhiều hộ tham gia Đề án. Quan trọng hơn, qua thực hiện Đề án đã thúc đẩy xu hướng sản xuất hàng hóa trong nhân dân, tạo tiền đề tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trong thời gian tới”.

Mặc dù Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015 nhưng đã được kéo dài thời gian và kinh phí hỗ trợ, tiếp tục thực hiện đến hết năm 2016. Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Quốc Cường, việc kéo dài thời gian thực hiện Đề án là cần thiết khi thành phố có tới 23% dân cư lao động nông nghiệp và nông nghiệp vùng ven đô thị càng cần phải được quan tâm hỗ trợ để thúc đẩy phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho nông hộ. Theo kế hoạch năm 2016 này, Đề án sẽ hỗ trợ tổng số 136 mô hình gồm hỗ trợ sản xuất nấm, chăn nuôi lợn, thỏ và gia cầm. Tổng kinh phí hỗ trợ là 2 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.

Theo Phòng Kinh tế thành phố, đến nay, đã ra quyết định hỗ trợ 73/73 mô hình chăn nuôi lợn kết hợp, 55/55 mô hình chăn nuôi gà và 2/5 mô hình chăn nuôi thỏ. Thành phố sẽ tiến hành lập đoàn nghiệm thu và giải ngân trong thời gian sớm nhất đối với những mô hình này. Việc Đề án tiếp tục được thực hiện trong năm nay sẽ tạo thêm điều kiện cho nhiều hộ dân có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, góp phần phát triển theo hướng hàng hóa, tiếp tục tạo nên diện mạo mới cho nền nông nghiệp của thành phố.

Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện để phát triển sản xuất theo Đề án trong 3 năm là trên 8,6 tỷ đồng; trong đó: nguồn của tỉnh là trên 2,4 tỷ đồng; nguồn của thành phố là trên 5 tỷ đồng, bằng 99,41% so với mục tiêu của Đề án; nguồn của chương trình phục hồi thu nhập đường cao tốc là trên 1,1 tỷ đồng; đã hỗ trợ trồng rau an toàn trên 1 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất nấm 439,5 triệu đồng; hỗ trợ trồng hoa 65 triệu đồng và hỗ trợ chăn nuôi trên 6,7 tỷ đồng.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Số lượng vàng trúng thầu khoảng 20% khối lượng Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục