Yên Bái: Tích cực triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/7/2016 | 9:55:07 AM

YBĐT - Toàn tỉnh vẫn còn 144 hợp tác xã (HTX) chưa thực hiện theo Luật HTX 2012, phần lớn số này chỉ "sống" trên danh nghĩa, còn thực chất đã ngừng hoạt động từ lâu, tập trung ở các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp là một nhu cầu cấp thiết của nông dân hiện nay. (Ảnh minh họa - H.N)
Hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp là một nhu cầu cấp thiết của nông dân hiện nay. (Ảnh minh họa - H.N)

Sau 3 năm triển khai và thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, đến nay, nhiều mô hình HTX kiểu mới đã bắt đầu hình thành khắc phục những hạn chế yếu kém của HTX kiểu cũ. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 144 HTX chưa thực hiện theo Luật HTX 2012, phần lớn các HTX này chỉ "sống" trên danh nghĩa, còn thực chất đã ngừng hoạt động từ lâu, tập trung ở các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều chuyển biến tích cực

Hiện toàn tỉnh có 318 HTX thu hút 38.154 thành viên với tổng số vốn điều lệ trên 391 tỷ đồng. Để phát huy hiệu lực, hiệu quả của Luật HTX mới trong thực tiễn, ngày 24/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 19/2015/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX.

Theo đó, UBND tỉnh đã  phê duyệt, ban hành các văn bản chỉ đạo và có kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của tỉnh và các chính sách hỗ trợ nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về Luật HTX năm 2012 đến cán bộ, thành viên, xã viên các HTX trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá thực trạng, phân loại theo nhóm HTX; thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể qua đó, đã tạo chuyển biến, thay đổi về cách nghĩ, cách làm về mô hình kinh tế tập thể. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 44 HTX được thành lập mới, 130 HTX đã thực hiện xong việc tổ chức lại hoạt động đúng theo quy định của Luật HTX năm 2012.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh kiểm tra chất lượng vùng nguyên liệu chè tại HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, xã Bình Thuận (Văn Chấn).

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX sau chuyển đổi đã từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy vai trò tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thực tế của thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong số này, phải kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận ở xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn. Khi mới thành lập HTX chỉ có 12 xã viên, vốn điều lệ 800 triệu đồng với ngành nghề chính là thu mua, chế biến chè xanh, chè đen các loại.

Đến nay, HTX đã phát triển lên 60 thành viên, vốn điều lệ 3,9 tỷ đồng tạo việc làm thường xuyên có thu nhập ổn định cho các thành viên và nhiều lao động gián tiếp trên địa bàn xã Bình Thuận và các xã lân cận của huyện Văn Chấn, Trấn Yên.

Có được kết quả trên do HTX đã mạnh dạn đổi mới công nghệ tìm kiếm đối tác, chú trọng đến chất lượng nguồn nguyên liệu bằng việc hỗ trợ giống, kỹ thuật, giám sát và tổ chức giám sát giữa các hộ thành viên.

Do đó, doanh thu HTX năm sau cao hơn năm trước tính riêng năm 2015 doanh thu đạt 21 tỷ đồng; HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho các thành viên với mức lương bình quân 5 triệu đồng - 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ đổi mới đầu tư công nghệ, nhiều HTX đã chủ động liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp khác để tăng dịch vụ và tăng doanh thu. Trong đó, phải kể đến mô hình liên kết giữa HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên với Công ty Cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình. Với lợi thế nằm trong vùng nguyên liệu chính trong Quy hoạch phát triển cây măng tre Bát độ của tỉnh, HTX Kiên Thành đã liên kết cùng doanh nghiệp đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hoạch cho bà con thành viên. HTX đầu tư ứng trước phân bón cho các hộ thành viên, phối hợp với doanh nghiệp đầu tư  hơn 800 triệu đồng xây dựng xưởng sơ chế măng tre Bát độ.

Ông Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Kiên Thành cho biết: “HTX đã thu gom, tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát độ của các thành viên HTX và người dân, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Sự liên kết đầu tư theo chuỗi giá trị hoạt động của HTX  với Công ty Yên Thành đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc tại địa phương”.

Vẫn còn những khó khăn

Theo kế hoạch hết ngày 30/6, vừa qua, các địa phương phải hoàn thành việc chuyển đổi mô hình các HTX theo Luật HTX năm 2012. Mặc dù có kết quả thực hiện việc chuyển đổi mô hình HTX cao hơn so với nhiều tỉnh thành trong cả nước, tuy nhiên nhìn lại quá trình chuyển đổi còn nhiều khó khăn vướng mắc. Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện nay toàn tỉnh còn 144 HTX chưa thực hiện theo Luật HTX năm 2012. Trong số này có 137 HTX đã chỉ "sống" trên danh nghĩa, tập trung vào các HTX nông nghiệp.

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Nguyên nhân, do các HTX nông nghiệp từ năm 1996 thực hiện Luật HTX, xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết dứt điểm như: vốn, quỹ, công nợ nhưng chưa giải quyết được đã vội vàng chuyển đổi thành HTX kiểu mới. Các HTX dịch vụ điện sau khi bàn giao dịch vụ cho ngành điện không tìm được phương án kinh doanh nên ngừng hoạt động. Đến nay, ban quản trị HTX người chuyển sang làm việc khác, người đi khỏi địa phương. Nhiều HTX dây dưa công nợ không tổ chức sản xuất".

"Ngoài ra, một số HTX lúng túng trong chuyển đổi, khó khăn trong xác định tài sản, chưa đủ năng lực xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ khoa học công nghệ chưa đồng bộ, thường xuyên” - ông Đạo nói.

Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi HTX theo luật là việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm dẫn đến sự lúng túng, khó khăn trong thực hiện, nhất là khâu rà soát tư cách thành viên, góp vốn điều lệ, xác định tài sản, công nợ của HTX và xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ HTX còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là các chính sách về đất đai, tiếp cận vốn vay... Công tác tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 đến các tầng lớp nhân dân chưa có sự đổi mới, chất lượng không cao... Sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa nhiều.

Chế biến gỗ rừng trồng tại HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (Trấn Yên).

Theo ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để Luật HTX năm 2012 phát huy hiệu quả trong thực tiễn, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX trong quá trình chuyển đổi theo Luật HTX mới.

Đối với các HTX chưa thực hiện chuyển đổi theo Luật  HTX năm 2012 cần rà soát phân nhóm HTX để có các biện pháp xử lý kịp thời. Cụ thể, với nhóm HTX không vướng mắc các quy định của pháp luật, hoạt động phù hợp với tiêu chí HTX thì tư vấn, vận động làm thủ tục kịp thời chuyển đổi; các HTX còn vướng mắc về thủ tục, không vận động đủ thành viên tham gia HTX... có thể xử lý được thì Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với phòng tài chính kế hoạch các huyện thị, thành phố quan tâm, linh hoạt tháo gỡ.

Đối với nhóm HTX không thể tổ chức lại, không có nợ Nhà nước, nợ tổ chức và cá nhân, chính quyền địa phương xác nhận để cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên HTX.

Đối với các HTX còn nợ đọng, cấp huyện thành lập hội đồng giải thể bắt buộc. Bên cạnh đó, Liên minh HTX sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX theo Quyết định 2261/ QĐ-TTg  ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020.

Đồng thời, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ cho các HTX về kế hoạch sản xuất,  phương án sản xuất, dịch vụ, tư vấn về chính sách, pháp luật một cách cụ thể; giúp các HTX mở rộng mối quan hệ kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp.

Văn Thông

Các tin khác
Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục