Văn Yên tự hào đất anh hùng

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2016 | 3:07:05 PM

YBĐT - Nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên từ lâu đời đã có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hình sông, thế núi hiểm trở, Văn Yên là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cựu chiến binh Hoàng Đình Thăng - thôn Đại Thành, xã Đại Phác kể chuyện truyền thống với thế hệ trẻ.
Cựu chiến binh Hoàng Đình Thăng - thôn Đại Thành, xã Đại Phác kể chuyện truyền thống với thế hệ trẻ.

Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Văn Yên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lực lượng vũ trang”, “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
      
Anh hùng trong kháng chiến

Lịch sử còn ghi, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Văn Yên cùng Tiểu đoàn 11, 54 đã nổ súng đánh đồn Đại Bục, Đại Phác. Trận đánh diễn ra dữ dội. Ta liên tục mở các đợt tiến công và đổi hướng tiến công. Đến 18 giờ ngày 19/5/1945, ta chiếm đồn Đại Bục, Đại Phác; tiêu diệt và bắt sống gần 200 tên địch, trong đó có 38 tên giặc Pháp (33 tên bị tiêu diệt, 5 tên bị bắt); thu và phá hủy 6 súng trường, súng ngắn, 1 vô tuyến điện, 2 kho đạn và tịch thu nhiều lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng của địch. Quân Pháp hoang mang tột độ, tháo chạy khỏi một loạt các đồn bốt bên hữu ngạn sông Thao.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, năm 1965, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Vào thời điểm đó, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, chạy qua Văn Yên là trọng điểm đánh phá thường xuyên, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển các hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Vừa phát triển kinh tế, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện đã huy động 2.084 người đi xây dựng phòng tuyến biên giới phía Bắc, đóng góp trên 1.000 dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu, hơn 100 cán bộ chủ chốt cơ sở được tăng cường cho các xã biên giới. Văn Yên cũng trở thành hậu phương lớn, đón tiếp hàng ngàn bộ đội và nhân dân biên giới về, tạo chỗ ở và việc làm cho đồng bào.

Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, hàng ngàn người con của Văn Yên đã tham gia trực tiếp chiến đấu và phục vụ khắp các chiến trường. Kết thúc chiến tranh, huyện có 653 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, hàng ngàn người trở về mang trên mình những vết thương chiến tranh. Với những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến, năm 1985, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Văn Yên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Anh hùng trong lao động

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển toàn diện. Văn Yên đã hình thành một số khu công nghiệp, mở mới và nâng cấp nhiều tuyến đường trọng điểm. Huyện chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến tại địa phương.

Trong những năm gần đây, huyện duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao từ 12% - 14%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đi đôi với đẩy mạnh khai thác nguồn ngân sách; duy trì độ che phủ của rừng đạt 65%; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đã có 2 xã đạt chuẩn các tiêu chí về xã nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm 2016, có thêm 2 xã đạt chuẩn các tiêu chí về XDNTM. Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng, đến nay, trên 85% đường đến trung tâm xã đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi, trên 40% đường liên thôn, xã đã được kiên cố hóa. Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chạy qua địa bàn huyện đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế giữa các vùng miền, gắn với phát triển du lịch.

Để nâng cao đời sống nhân dân, hàng năm, huyện chỉ đạo các địa phương, phối hợp với các ngành, các cấp, vận động nhân dân đưa vào gieo cấy trên 5.890 ha lúa bằng các giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao; năng suất bình quân đạt 54 tạ/ha/vụ. Hàng năm, nhân dân còn đưa vào trồng trên 6.000 ha ngô, 7.500 ha sắn và hàng ngàn héc-ta rau màu, đậu, đỗ các loại, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện lên 51.519 tấn. Cây trồng mới như cây cao su đã đưa vào trồng tại các xã Lang Thíp, An Bình, Quang Minh, Mậu Đông… với diện tích trên 500 ha. Chăn nuôi trên địa bàn có bước tăng trưởng khá, đàn trâu hiện có 19.706 con, bò 1.027 con, lợn 91.150 con và gia cầm các loại 702.000 con. Sản lượng thịt hơi hàng năm bán ra thị trường 8.220 tấn, mang lại nguồn thu trên 800 tỷ đồng cho nhân dân.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng có bước phát triển khá. Với thế mạnh có diện tích quế trên 40.000 ha, huyện đã phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm từ quế. 11 nhà máy sản xuất tinh dầu quế đang hoạt động đã tạo việc làm cho trên 5.000 lao động với mức thu nhập từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, 17 doanh nghiệp, 72 hộ cá nhân mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng, 1 doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn và sắn lát khô, hàng trăm cơ sở băm sấy sắn khô với sản lượng mỗi năm ước đạt 43.200 tấn, giá trị từ sắn đạt gần 400 tỷ đồng/năm. Chúng tôi đến thăm xã Đại Phác - xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại Phác cũng là xã đầu tiên của huyện Văn Yên được công nhận là xã nông thôn mới vào tháng 11/2015.

Xã viên Hợp tác xã Quế Sơn, xã An Thịnh đóng sản phẩm quế xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Đồng chí Phạm Tùng Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: “Nhiều năm nay, Đại Phác luôn giữ vững tỷ trọng cơ cấu nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 60%, thương mại - dịch vụ 40%; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 12%/năm; thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/người/năm. Đường giao thông cơ bản được bê tông hóa đến tất cả các thôn. 100% hộ sử dụng điện và có các công trình đảm bảo vệ sinh môi trường. Xã có 127 ha ruộng nước cấy 2 vụ lúa nước/ năm, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha/vụ. Hiện nay, giá trị kinh tế trên đất ruộng 3 vụ/năm của xã đạt trên 120 triệu đồng, xã phấn đấu mỗi năm giảm 5% hộ nghèo…”.

Tới thăm các thôn: Đại Thành, Ba Luồng, Tân Minh của Đại Phác, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí nhộn nhịp khi nhân dân đang bước vào gieo cấy vụ mùa sớm. Nhiều tuyến đường của xã đã được bê tông hóa phong quang sạch đẹp, nhiều ngôi nhà xây với kiến trúc hiện đại không kém gì các thành phố, mọc lên san sát. Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, tổng kinh phí thực hiện trên địa bàn xã trên 128 tỷ đồng.

Trong đó, nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu, tiền mặt lên tới trên 75 tỷ đồng. Xã có 10 thôn với trên 850 hộ, chủ yếu là 2 dân tộc chung sống là Kinh và Tày, từ khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhân dân phấn khởi, đường làng, ngõ xóm luôn phong quang sạch đẹp, tin tưởng đời sống sẽ tiếp tục được nâng lên trong những năm tiếp theo.

Nói về những nỗ lực, hướng đi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Văn Yên trong phát triển kinh tế, đồng chí Vũ Quang Hải - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Từ mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, với nhiều lợi thế, năm 2016, chúng tôi đề ra 29 chỉ tiêu để phấn đấu, với những chỉ tiêu trọng tâm như: giá trị sản xuất nông - lâm sản đạt 1.440 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp 770 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 1.620 tỷ đồng; giá trị sản xuất xây dựng 700 tỷ đồng và thu ngân sách phấn đấu đạt trên 90 tỷ đồng trở lên… Hiện nay, huyện đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao như: lúa, ngô ở vùng Đại - Phú - An, Đông Cuông; ngô đồi ở Lâm Giang, Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng; quế ở Đại Sơn, Viễn Sơn, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ; vùng rau sạch ở An Thịnh, Yên Hợp, Xuân Ái; kinh tế trang trại gắn với đồi rừng ở các xã thượng huyện gồm Đông An, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Lâm Giang, Lang Thíp… Phấn đấu giảm 4,5% hộ nghèo theo tiêu chí mới”.

Phát huy, kế thừa truyền thống trong chống giặc ngoại xâm, nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, năm 2012, Văn Yên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”. Với những nền tảng ấy chắc chắn, Văn Yên sẽ còn tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thạch Phong

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục