“Chìa khóa” để phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 9:40:43 AM

YBĐT - Từ chủ trương, cách làm đúng hướng, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân xã An Bình (Văn Yên) đang ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần theo từng năm. Đâu là “chìa khóa” cho sự thay da, đổi thịt này?

Những gốc nhãn ghép ở An Bình bắt đầu cho thu hoạch.
Những gốc nhãn ghép ở An Bình bắt đầu cho thu hoạch.

An Bình những ngày này, lúa đã phủ xanh mọi cánh đồng. Đâu đó bên các mảnh vườn, vạt đồi, bà con nông dân đang hối hả thu nốt những cây ngô xuân hè cuối cùng. Vừa gặp chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trọng Tuynh – Chủ tịch UBND xã thông tin nhanh: “200 ha ngô xuân hè đã thu hoạch gần xong, năng suất ước đạt 40 tạ/ha, còn 65,2 ha lúa mùa đã gieo cấy 100% diện tích với cơ cấu 85% lúa lai, 15% lúa thuần. Cây lúa, cây ngô coi như đã xong nhưng bà con nhân dân lại chăm sóc đàn lợn, đàn trâu rồi trồng măng, tỉa nhãn nữa”. 

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Tuynh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết HĐND xã khóa XVI, kỳ họp thứ 12, An Bình đã xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới. Trong đó, giải pháp mang tính then chốt, ổn định, lâu dài chính là việc đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế, mỗi gia đình tùy vào điều kiện, thế mạnh có thể nuôi, trồng cây, con theo hình thức phù hợp.

Để giúp bà con mạnh dạn tiếp cận các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, An Bình đã phối hợp với cơ quan chuyên môn về nông nghiệp mở 5 lớp chuyển giao kỹ thuật cho 206 lượt người tham gia; hướng dẫn, tập huấn cho 237 lượt hộ dân tham gia. Ngoài ra, thời gian qua, UBND xã và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp với các ngân hàng để tín chấp, bảo lãnh cho nhân dân vay vốn phát triển kinh tế.

Tính đến tháng 5/2016, toàn xã có 568 hộ gia đình vay vốn với số tiền 38 tỷ đồng. Đặc biệt, từ các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh, huyện, xã đã triển khai xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả như: nuôi trâu, bò, gà…

Như để minh chứng cho tính hiệu quả của các mô hình này, đồng chí Tuynh cử đồng chí Nguyễn Ngọc Bắc - Phó Chủ tịch HĐND xã đưa chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình chị Trần Thị Khơi, thôn Khe Ly. Qua trao đổi được biết, trước đây, gia đình chị Khơi cũng chỉ làm ruộng thuần túy nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Vài năm trở lại đây, chị được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nên trồng thêm ngô, nuôi thêm lợn. Lấy ngắn nuôi dài, tích được ít vốn, gia đình chị mua thêm trâu, bò về nuôi.

Chị Khơi cho biết: “Bằng tầm này sang năm, đàn trâu, bò này sẽ có gần 20 con cộng với đàn lợn vài chục con nữa hy vọng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Cái khó là mình không có bãi chăn thả, do vậy, sắp tới phải mua thêm đất và tận dụng mọi chỗ trống để trồng cỏ”.

Rời thôn Khe Ly, chúng tôi về thôn Cầu Cao để vào thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thiết. Ngôi nhà xây cấp bốn sơn xanh khang trang hiện lên nổi bật giữa những cây nhãn trĩu trịt quả.

Chị Thiết cho biết: “Nhà tôi là nhà đầu tiên trồng nhãn ghép ở đây, năm nay có hơn chục gốc ra quả, ước cũng phải được trên 1 tạ/gốc”. Được biết, ngoài trồng nhãn, hàng năm, gia đình chị Thiết còn nuôi thêm lợn, dê rồi trồng ngô. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng cũng đủ giúp gia đình chị nâng cao thu nhập.

Theo thống kê sơ bộ của xã, đến nay, toàn xã có 10 mô hình chăn nuôi hàng hóa tập trung đang mang lại hiệu quả; trong đó, 2 cơ sở nuôi lợn hàng hóa quy mô 100 con/lứa, 1 cơ sở nuôi lợn nái quy mô 20 con, 3 cơ sở chăn nuôi hỗn hợp quy mô 2 lợn nái và 30 lợn thịt, 2 cơ sở chăn nuôi trâu bò bán công nghiệp, 2 cơ sở chăn nuôi lợn thịt 50 con.

Đồng chí Nguyễn Trọng Tuynh khẳng định: “Nếu như trước đây, toàn xã chỉ có vài mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa thì đến nay, việc phát triển các mô hình kinh tế đã trở nên đa dạng với nhiều cây, con giống mới đáp ứng nhu cầu thị trường, kích thích sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Thời gian tới, An Bình tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hàng hóa tập trung; tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhân dân bằng những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; thực hiện tốt công tác tiêm phòng và bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, phòng trừ sâu, bệnh…

Hùng Cường

Các tin khác
Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Số lượng vàng trúng thầu khoảng 20% khối lượng Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

Công ty Điện lực Hòa Bình cải tạo nâng công suất trạm biến áp 110 kV Mai Châu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức số 2594/BCT-KHTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục