Thực hiện chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng ở Yên Bái: Lợi ích nhân đôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2016 | 9:45:33 AM

YBĐT - Chỉ tính riêng xã Chế Tạo năm 2015, các chủ rừng, người quản lý, BVR cũng nhận 6 tỷ đồng từ DVMTR. Đây là một nguồn thu nhập khá lớn ở một xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Chế Tạo.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Mù Cang Chải được bảo vệ tốt.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Mù Cang Chải được bảo vệ tốt.

“Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện, chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực sự đi vào cuộc sống. Trách nhiệm của các đơn vị sử dụng DVMTR nâng lên; người dân, các chủ rừng đã có thêm nguồn thu nhập từ rừng, nâng cao đời sống, ý thức hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR)” - ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết.

Nói như vậy bởi chưa bao giờ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng lại nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân như thời gian qua. Những cánh rừng xơ xác, nghèo kiệt, những đồi, núi trơ trọi thuở nào nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn. Nhà nhà trồng rừng, người người trồng rừng, kinh tế đồi rừng nay đã thực sự trở thành một nghề không thể thiếu với người dân nông thôn.

Qua kết quả điều tra, thống kê rừng vừa được công bố cho thấy, toàn tỉnh có 479.626 ha đất lâm nghiệp; trong đó, rừng phòng hộ 152.794 ha (bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng trồng, đất chưa có rừng), rừng đặc dụng 36.147 ha, rừng sản xuất 290.684 ha, tỷ lệ che phủ rừng đã đạt trên 63%. Quan trọng và ý nghĩa hơn là không chỉ rừng và chất lượng rừng nâng lên mà còn giữ vững hệ sinh thái, nhất là diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn.

Đạt được kết quả đó là có sự quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất lâm nghiệp. Từ chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đến Chương trình 327, giao khoán rừng, đất rừng cho hộ dân tự chủ sản xuất đến chương trình phát triển rừng kinh tế đã tác động mạnh đến phát triển lâm nghiệp.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Yên Bái đầu tư hỗ trợ gần 40 tỷ đồng cho sản xuất nông - lâm nghiệp và hàng chục tỷ đồng bảo vệ, khoanh nuôi rừng. Nhờ đó, diện tích rừng cũng như chất lượng rừng phát triển theo năm tháng, năm ít cũng trồng trên 10.000 ha và liên tục 5 năm trở lại đây, mỗi năm, Yên Bái trồng không dưới 15.000 ha. Đặc biệt, từ năm 2012, người trồng rừng, BVR Yên Bái lại có thêm nguồn lực từ phí DVMTR.

Theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR, Yên Bái có 213.113,8 ha (diện tích quy đổi 205.182,7 ha) rừng thuộc lưu vực có cung ứng DVMTR. Toàn bộ diện tích rừng này do 22 chủ rừng là tổ chức, 8 chủ rừng là các hạt kiểm lâm và trên 20 ngàn hộ gia đình cá nhân được cấp có thẩm quyền giao quản lý, BVR và được hưởng phí DVMTR.

Tính đến hết năm 2015, đã có 15 đơn vị có sử dụng DVMTR (3 đơn vị sản xuất cung cấp nước sạch, 12 đơn vị sản xuất điện) chi trả tiền phí DVMTR theo quy định. Tính riêng trong năm 2015 số tiền chi trả phí DVMTR là trên 43 tỷ đồng, góp phần cải thiện cuộc sống người làm rừng.

Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn phấn khởi cho biết: "Công tác quản lý, BVR ở Văn Chấn trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ, người dân, các tổ chức đã gắn bó với rừng hơn. Đặc biệt, trong vòng ba năm trở lại đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện chi trả phí DVMTR đã bổ sung thêm nguồn lực tài chính để chi cho công tác BVR, góp phần duy trì công tác BVR, giảm thiểu nguy cơ xâm hại vào rừng, hạn chế cháy rừng, nâng cao thu nhập của người dân. Đồng thời, từng bước nâng cao ý thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng - đó là lợi ích nhân đôi”.

Không riêng gì Văn Chấn mà cả huyện vùng cao Mù Cang Chải từ khi có chính sách DVMTR huyện đã trồng trên 3.000 ha rừng, diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn, đưa độ che phủ rừng đạt 65%. Chỉ tính riêng xã Chế Tạo năm 2015, các chủ rừng, người quản lý, BVR cũng nhận 6 tỷ đồng từ DVMTR. Đây là một nguồn thu nhập khá lớn ở một xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Chế Tạo. Người dân đã có thêm nguồn thu mua sắm vật dụng, đồ dùng sinh hoạt và lương thực, quan trọng hơn là đã làm thay đổi ý thức người dân từ người chặt phá rừng sang quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Thực hiện phí DVMTR đã góp phần thiết thực thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng, góp phần quan trọng nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và BVR cho các chủ rừng và là cơ sở để đưa lâm nghiệp trở  thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục