Để công nghiệp Yên Bái phát triển bền vững

Bài 1: Khâu đột phá của nền kinh tế

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/8/2016 | 8:52:31 AM

YBĐT - Trong rất nhiều tiềm năng của Yên Bái thì tiềm năng đất đai phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm nổi trội hơn cả.

Công nhân Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái trong giờ làm việc.

Giai đoạn vừa qua, với định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là một trong ba khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tiềm năng thành cơ hội

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc và giữ vị trí trung tâm kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái có tài nguyên khoáng sản dồi dào, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa giàu bản sắc... Những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nhiều dự án, công trình đã và đang biến tiềm năng thành cơ hội đầu tư cùng phát triển. Trong rất nhiều tiềm năng của Yên Bái thì tiềm năng đất đai phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm nổi trội hơn cả.

Với diện tích trên 6.882 km2, trong đó có 5.850,9 ha đất nông - lâm nghiệp, Yên Bái có diện tích chè lớn nhất vùng Tây Bắc (khoảng 12.000 ha), sản lượng chè búp tươi đạt trên 100.000 tấn/năm; quế trên 30.000 ha, sản lượng quế vỏ 4.000 tấn/năm; cây ăn quả 8.500 ha; rừng tự nhiên 231.563,7 ha, rừng trồng 200.000 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng gần 400.000 tấn/năm…

Không chỉ giàu các sản phẩm nông nghiệp, Yên Bái còn giàu tài nguyên với rất nhiều điểm mỏ và khoáng sản phong phú; trong đó, một số loại khoáng sản có trữ lượng cao, chất lượng tốt như: cao lanh, sắt, thạch anh, felspats, chì, kẽm, đá vôi trắng có độ trắng trên 90%, trữ lượng trên 2,4 tỷ mét khối. Các sản phẩm chế biến từ đá rất đa dạng như: đá ốp lát trong xây dựng, đá mỹ nghệ, đá hạt, đá bột siêu mịn dùng làm nguyên liệu phụ gia cho sản xuất hóa mỹ phẩm, cao su, nhựa, giấy...

Hiện nay, Yên Bái đang tiến hành cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư. Tỉnh đã xây dựng 4 khu, 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.500 ha, trong đó có 3 khu công nghiệp được Chính phủ quyết định thuộc hệ thống các khu công nghiệp quốc gia với tổng diện tích gần 800 ha. Để các doanh nghiệp đến Yên Bái đầu tư có điều kiện tốt nhất trong sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã rà soát xây dựng làm căn cứ pháp lý quản lý đầu tư; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp…; bước đầu đã hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp phía Nam, từng bước đầu tư các khu công nghiệp Minh Quân, Âu Lâu, các cụm công nghiệp Yên Thế, Sơn Thịnh, Thịnh Hưng..., tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Tỉnh đã thu hút gần 150 dự án với số vốn gần 15.000 tỷ đồng vào đầu tư.

Một số dự án có quy mô khá, công nghệ tiên tiến, chế biến sâu gắn với tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường đã hoàn thành đi vào sản xuất, như: các dự án thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến đá trắng CaCO3, chế biến gỗ, sắn, may mặc... Nhìn vào thực tế thì sản xuất công nghiệp của Yên Bái bước đầu đã khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, điều đó được minh chứng là giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 7.554,8 tỷ đồng, cơ cấu nội ngành phát triển đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng công nghiệp chế biến.

Những nhà máy hoạt động hiệu quả

Chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Daeseung Global Hàn Quốc thuộc Cụm công nghiệp Thịnh Hưng (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình). Hàng trăm công nhân đang hối hả hoàn thành những sản phẩm cuối cùng của mình theo dây chuyền khép kín. Trên khuôn mặt từng người đều ánh lên một niềm tin tươi sáng khi làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, đặc biệt tiền lương và chế độ đãi ngộ khác đều được Công ty thực hiện tốt. Là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, cuối năm 2013, Nhà máy may xuất khẩu của Công ty chính thức khởi công.

Để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuẩn bị làm thủ tục đầu tư. Nhờ vậy, từ tháng 9/2014, Công ty đã chính thức đi vào hoạt động với 10 dây chuyền may xuất khẩu, sản lượng đạt trên 600 ngàn sản phẩm/năm, doanh thu năm 2015 đạt 30 tỷ đồng. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho hơn 600 lao động, trong đó có hơn 500 công nhân là con em của huyện Yên Bình.

Công nhân Công ty TNHH Daeseung Global Hàn Quốc thuộc Cụm công nghiệp Thịnh Hưng (Yên Bình) kiểm tra sản phẩm.

Trong những ngày này, không khí thi đua lao động sản xuất ở Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái rộn ràng khắp các phân xưởng. Là một trong những công ty sản xuất phụ gia ngành nhựa, đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2009, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với các sản phẩm chính là sản xuất hạt phụ gia ANPHAT CALBEST (PP, PE) ứng dụng làm phụ gia trong các sản phẩm của ngành nhựa và sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất mỹ phẩm, sản xuất sơn, giấy…

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh nhà máy, ông Vũ Thanh Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái cho biết: “Những năm qua, cũng như nhiều các doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn tỉnh, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty đã xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, chất lượng sản phẩm luôn được Ban Giám đốc Công ty đặt lên hàng đầu. Tất cả các quy trình sản xuất đều được kiểm tra, giám sát trên các trang thiết bị máy móc kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay”. Kết thúc năm 2015, Công ty sản xuất trên 13 ngàn tấn sản phẩm, doanh thu ước đạt trên 180,4 tỷ đồng; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 2,45 triệu USD, tăng 173% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 9,3 tỷ đồng (tăng 28,5% so với kế hoạch), thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất giấy đế và gia công vàng mã phục vụ xuất khẩu ra thị trường các nước như: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Ông Nguyễn Văn Hưởng - Giám đốc Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn chia sẻ: "Năm 2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo quan điểm của doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và thành công như hôm nay, doanh nghiệp đã đầu tư cải tiến kỹ thuật công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và điều quan trọng nhất là lấy người lao động làm trung tâm. Doanh nghiệp luôn quan tâm, bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đời sống cho người lao động để họ cùng nhau gánh vác, chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn và giúp doanh nghiệp phát triển".

Tuy nhiên, tăng trưởng công nghiệp chưa thực sự nhanh và bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chất lượng công tác quy hoạch, dự báo còn bất cập. Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp chậm đầu tư hoàn thiện, nhất là hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp. Nhiều dự án đầu tư, trong đó có các dự án quy mô khá chậm tiến độ không đầu tư. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tự có còn hạn chế, công nghệ, thiết bị chậm được đổi mới, năng lực của đội ngũ quản lý, trình độ tay nghề của công nhân thấp. Việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn yếu...

Mục tiêu chủ yếu về phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII chỉ rõ: “Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất chế biến sâu”.

Để ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái phát triển theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) của tỉnh, phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp cả nước, của vùng trung du miền núi phía Bắc, cần khai thác hợp lý có hiệu quả tiềm năng sẵn có tại địa phương, khắc phục được những hạn chế vốn có, tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế thế giới.

Văn Thông - Quang Thiều
(Bài 2: Lời giải bài toán khó)

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục