Để công nghiệp Yên Bái phát triển bền vững

Bài 2: Lời giải bài toán khó

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/8/2016 | 2:07:03 PM

YBĐT - Mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp Yên Bái đạt 13.000 tỷ đồng trở lên (theo giá so sánh 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,6%/năm; đưa tỷ trọng công nghiệp chiếm từ 34 - 36% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, cơ cấu nội ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 11%; công nghiệp chế biến 65%; sản xuất, phân phối điện nước 22,5%.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ván bóc gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường. (Ảnh: Một cơ sở sản xuất ván bóc tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên).
Nhiều doanh nghiệp sản xuất ván bóc gặp khó khăn trong tìm kiếm thị trường. (Ảnh: Một cơ sở sản xuất ván bóc tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên).

>> Bài 1: Khâu đột phá của nền kinh tế

Ngành công nghiệp Yên Bái thời gian qua đã từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển đúng định hướng, đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh, thời gian tới đòi hỏi ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mới, nhanh và vững chắc cho sự phát triển giai đoạn 2016 - 2020.

Còn đó những khó khăn

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng. Trong chế biến chè, với diện tích chè trên 11.200 ha, sản lượng búp đạt trên 100 ngàn tấn và gần 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè. Chè Yên Bái từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước, nhất là sản phẩm chè đen, chè CTC, chè xanh và được các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nga và các nước Châu Âu nhưng nay đang gặp không ít những khó khăn và đối mặt với nguy cơ mất thị trường tiêu thụ, giá bán thấp chủ yếu là sản phẩm thô.

Nguyên nhân dẫn đến ngành chè khó khăn thì đã rõ. Sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; công ty, doanh nghiệp phải đối mặt với việc cạnh tranh nguyên liệu thiếu lành mạnh; áp lực về tính thời vụ cao khi nguyên liệu dồn vào một số ngày trong tháng, vượt quá công suất chế biến của nhà máy và thiết bị; giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao; áp lực về thu nhập và đời sống người lao động…; diễn biến phức tạp của thời tiết khí hậu, hạn hán kéo dài đã làm cho năng suất vườn chè giảm, chất lượng chè búp tươi thấp... Nhưng dường như vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu.

Đối với chế biến sắn và sản xuất cồn Ethanol, năm 2015, toàn tỉnh có vùng sắn 15.786 ha, sản lượng sắn củ đạt 305.761 tấn. Toàn tỉnh có 4 nhà máy của 3 doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn đang hoạt động với tổng công suất chế biến 66.000 tấn/năm và khoảng hơn 300 hộ sản xuất sắn lát khô. Sản lượng tinh bột sắn ước đạt 40.332 tấn. Tuy nhiên, các sản phẩm tinh bột sắn của Yên Bái vẫn là dạng thô, chưa sản xuất, chế biến ra tới sản phẩm cuối cùng nên giá bán thấp, chủ yếu bán cho thị trường Trung Quốc nhưng theo con đường tiểu ngạch nên rất bấp bênh.

Dự án nhà máy cồn Ethanol công suất 100.000 m3/năm không triển khai được như nghị quyết. Hiện nay, UBND tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Dự án. Nguyên nhân do giá xăng, dầu trên thị trường giảm mạnh nên cồn Ethanol làm phụ gia cho xăng sinh học E5 không hiệu quả.

Sau nhiều năm kiên trì phát triển với hàng loạt cơ chế, chính sách và các chương trình dự án, đến nay, tỉnh Yên Bái có gần 200 nghìn héc-ta rừng kinh tế, cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn và bồ đề… Sản lượng gỗ khai thác hàng năm trên 200 nghìn mét khối. Gỗ rừng trồng thực sự là tiềm năng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu và là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Nhìn lại “bức tranh chế biến gỗ” ở Yên Bái thì xẻ thanh và ván ép giữ “vai trò” chủ đạo.

Trong niềm vui vẫn phảng phất nỗi lo! Công nghệ chế biến đơn giản, chủ yếu các doanh nghiệp mua máy xẻ, nhất là máy bóc, mỗi chiếc vài chục triệu đồng của Trung Quốc về làm. Một số ít mạnh dạn đầu tư máy ép ván, ghép thanh… nhưng do vốn ít nên cũng chỉ là những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp, công nghệ chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra cũng vẫn ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác. Làm nghề chế biến gỗ là phó thác sự nghiệp vào thị trường Trung Quốc.

Đó là một thực tế đáng suy nghĩ khi ngành nghề chế biến gỗ của chúng ta quá nhỏ lẻ, không có tiếng nói chung và không có sản phẩm chế biến sâu... Một số dự án dự kiến sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 2011 - 2015 không triển khai thực hiện được, như: Nhà máy sản xuất ván MDF, ván ghép thanh xuất khẩu, sản lượng 100.000 m3/năm tại Khu công nghiệp phía Nam; Nhà máy viên nén năng lượng 49.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex ở Khu công nghiệp phía Nam...

Việc mời gọi đầu tư thêm từ 1 đến 2 nhà máy chế biến gỗ với công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng xuất khẩu, công suất một nhà máy 100.000 m3 sản phẩm/năm; đầu tư sản xuất đồ mộc dân dụng cao cấp làm từ gỗ rừng trồng, đồ gỗ nội thất, gia dụng công suất trên 300.000 sản phẩm/năm, nay chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản cũng là một thế mạnh của tỉnh nhưng những năm gần đây vẫn "ủ rũ" và "èo uột" như cây non trước bão lớn. Hiện nay, các đơn vị doanh nghiệp nhà máy sản xuất khai thác chế biến đá  CaCO3 có tổng công suất chế biến gần 800.000 tấn/năm. Năm 2015, các nhà máy sản xuất 738.000 tấn CaCO3 bột + hạt; sản xuất đá ốp lát hiện có Công ty Đá cẩm thạch R.K của Ấn Độ công suất 600.000 m2 đá xẻ/năm, sản lượng năm 2014 ước đạt 400.000 m2; năm 2015 đạt 550.000 m2. Các dự án khai thác quặng đồng (Làng Phát, An Lương) và đất hiếm Yên Phú mới triển khai, chưa có sản lượng.

Đối với sản phẩm quặng sắt, hiện nay có 17/35 mỏ và 9 nhà máy tuyển đi vào hoạt động với tổng công suất đạt 1 triệu tấn/năm. Năm 2014 đạt 527.000 tấn; năm 2015 sản lượng quặng sắt thô chỉ đạt 248.664 tấn do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Sản phẩm gang đúc, thép cán của dự án nhà máy thép tại Khu công nghiệp phía Nam đang dừng đầu tư, năm 2015, nhà máy không đi vào hoạt động nên chưa có sản phẩm gang đúc, phôi thép.

Hiện có 9/14 giấy phép còn hạn khai thác và 1 nhà máy tuyển chì kẽm đã và đang hoạt động, 8 nhà máy tuyển chì kẽm đang trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy chưa đưa vào hoạt động, trong đó có nhà máy của Tập đoàn Tây Giang công suất 40.000 tấn chì thỏi tại Cụm công nghiệp Sơn Thịnh...

Bên cạnh những thuận lợi còn đó những khó khăn, hạn chế, nhất thiết chúng ta phải tìm lời giải để ngành công nghiệp của tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường.

Cần các giải pháp đồng bộ

Với quan điểm là tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất chế biến sâu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13.000 tỷ đồng trở lên (theo giá so sánh 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,6%/năm; đưa tỷ trọng công nghiệp chiếm từ 34 - 36% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, cơ cấu nội ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 11%; công nghiệp chế biến 65%; sản xuất, phân phối điện nước 22,5%.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái cần tăng cường mời gọi các đơn vị có năng lực vào đầu tư khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường môi sinh, chú trọng công tác thẩm định để có các dự án khả thi. Rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp chứng nhận, chủ trương đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ; đình chỉ hoạt động của những đơn vị, cá nhân không chấp hành nghiêm túc các quyết định của pháp luật về hoạt động khoáng sản...

Tỉnh cũng cần tập trung cải tạo và thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng các vùng nguyên liệu hiện có như chè, quế, sắn, tre măng Bát độ, cây ăn quả có múi, sơn tra, gỗ rừng trồng...; hỗ trợ sử dụng các giống mới có chất lượng cao trồng thay thế cho các giống cũ năng suất thấp. Đồng thời, phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đầu tư thiết bị, máy móc theo hướng tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm.

Ngoài ra, cần sắp xếp lại các cơ sở sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo hình thức các cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, đảm bảo phát triển ổn định bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tích cực xây dựng chiến lược về thị trường tiêu thụ.

Các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược thương hiệu cho sản phẩm chế biến của đơn vị mình; quảng bá mẫu mã, chất lượng sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sắp xếp lại doanh nghiệp, hợp lý hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị; tích cực đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các địa phương cần khuyến khích phát triển sản xuất gạch không nung chất lượng cao; xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch sử dụng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường; rà soát các cơ sở khai thác chế biến vật liệu xây dựng thông thường như khai thác cát, sỏi, đá xây dựng, kiên quyết chấm dứt hoạt động của các cơ sở không phép; mời gọi đầu tư sản xuất các sản phẩm: tôn, ngói lợp...

Đặc biệt, cần tập trung vốn cho công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống phân phối điện; đầu tư đưa điện lưới về các thôn, bản chưa có điện; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền sử dụng an toàn, tiết kiệm điện trong nhân dân; rà soát các dự án thu hồi các dự án thủy điện chậm tiến độ, vi phạm các quy định về đầu tư; lựa chọn chủ đầu tư mới có năng lực để thực hiện.

Đối với ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp sửa chữa cơ khí, lắp ráp điện tử và công nghiệp phụ trợ; tăng cường khuyến khích đầu tư các dự án cơ khí chế tạo thiết bị, động cơ cơ khí lắp ráp, cơ khí điện tử và cơ khí sửa chữa vào các khu cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời phát triển mạng lưới đại lý cung ứng thiết bị, phụ tùng vật tư, nhiên liệu và làm tốt dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa và các dịch vụ sau bán hàng.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng của các dự án may mặc đã và đang đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để đảm bảo công suất sản xuất theo thiết kế. Hỗ trợ, đổi mới công nghệ, kỹ thuật đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, cung ứng vật tư kỹ thuật cho sản xuất; đẩy mạnh công tác tư vấn thông tin thị trường và tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp cho các huyện, xã, đặc biệt là các cơ sở làng nghề truyền thống; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, đào tạo cán bộ quản lý, cải tiến mẫu mã, bao gói, nâng cao chất lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đăng ký và bảo vệ thương hiệu. Tỉnh cũng cần tăng cường thu hút đầu tư các đơn vị trong và ngoài nước có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư các ngành công nghiệp.

Những giải pháp trên sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh hơn, nhiều ngành nghề, sản phẩm hơn, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây chính là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

 Văn Thông - Quang Thiều

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục