Văn Chấn quyết đưa vụ đông thành chính vụ

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/9/2016 | 1:52:54 PM

YBĐT - Vụ đông năm nay, Văn Chấn phấn đấu gieo trồng trên 2.500 ha, trong đó có 1.750 ha cây ngô (1.200 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, 550 ha ngô đồi, bãi), 250 ha khoai lang, trên 500 ha rau đậu các loại và 70 ha cá ruộng. Giá trị sản xuất cây vụ đông đạt trên 50 tỷ đồng.

Thu hoạch lúa mùa đến đâu nhân dân xã Thượng Bằng La làm đất trồng cây vụ đông đến đó.
Thu hoạch lúa mùa đến đâu nhân dân xã Thượng Bằng La làm đất trồng cây vụ đông đến đó.

Những mục tiêu đó không phải là lớn đối với một huyện có nhiều thuận lợi như Văn Chấn, nhưng trong điều kiện thời vụ gấp gáp, giá nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, thị trường nông sản bấp bênh như hiện nay mà không có sự chỉ đạo quyết liệt rất khó tạo nên một vụ đông thành công.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn cho biết: “Xác định sản xuất vụ đông là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo ra nguồn hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Do vậy, nhiều năm nay cũng như vụ đông 2016 này huyện Văn Chấn đã tổ chức triển khai sản xuất vụ đông và giao kế hoạch chi tiết tới các xã, thị trấn và chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đến từng thôn bản và các hộ dân ngay từ khi triển khai sản xuất vụ mùa; tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo sản xuất cây vụ đông từ cấp huyện đến cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân và chỉ đạo sản xuất; trưng tập và phân công cán bộ chuyên môn, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể phụ trách các xã, thị trấn nhằm đôn đốc, chỉ đạo cơ sở thực hiện sản xuất vụ đông thắng lợi”.

Đối với 1.200 ha cây ngô trên đất 2 vụ lúa, huyện chỉ đạo trồng tập trung ở cánh đồng Mường Lò. Đối với 8 xã vùng ngoài, tập trung trồng các loại cây rau mầu như: su hào, bắp cải, khoai tây... và vận động trồng một số diện tích ngô nếp xong trước ngày 10/10 ở những nơi có điều kiện phù hợp. Đối với ngô trên đất soi bãi, thời vụ trồng kết thúc trước 20/9/2016.

Với phương châm “sáng lúa, chiều ngô”, nông dân cần khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm khi đã chín, tận dụng thời gian tốt nhất gieo trồng cây vụ đông. Riêng đối với cây ngô trồng trên đất hai lúa, nhất thiết phải làm ngô bầu và đưa ra ruộng trồng kết thúc trước ngày 30/9, chậm nhất là 5/10, tính toán thời gian gặt lúa để làm bầu ngô trước ngày gặt từ 5 - 7 ngày, gặt xong tiến hành làm đất và đưa ra ruộng trồng ngay.

Do điều kiện thời tiết vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 thường mưa nhiều nên bà con phải làm luống và rãnh thoát nước tránh gây ngập úng, sau khi mưa phải ra đồng tháo nước và chăm sóc (tưới phân, tưới nước) sớm để ngô sinh trưởng phát triển nhanh, cho năng suất cao. Sử dụng chủ lực các giống DK6919, AG59 và các giống tiến bộ kỹ thuật chiếm 80 - 85 % diện tích, còn lại trồng ngô nếp MX4 để làm ngô non hàng hóa. Lượng giống từ 1,5 - 2 kg/ 1.000 m2 ruộng. Để đảm bảo năng suất đối với cây ngô cần:  50 - 55 kg NPK + 14 - 16 kg đạm urê + 8 - 12 kg kaly +  1 tấn phân hữu cơ/1.000 m2 .

Đối với cây khoai lang trồng kết thúc trước ngày 15/10/2016. Sử dụng giống chất lượng và có giá trị thương phẩm cao như giống khoai Hoàng Long, khoai lang tím, khoai lang Nhật. Cây khoai tây các xã có điều kiện phù hợp và thuận lợi trồng cây khoai tây hàng hóa giống Atlantic. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ký hợp đồng với Viện Công nghệ sinh học (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để liên kết hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Đối với cây rau đậu các loại tùy tính chất thời vụ, cần tập trung gieo trồng từ đầu tháng 10 đảm bảo kế hoạch và tăng cường đầu tư thâm canh bằng việc bón lót phân chuồng, phân vô cơ để cho năng suất cao. Tập trung phát triển một số loại cây rau màu mới có hiệu quả kinh tế cao như cà chua, các loại cây rau, đậu (su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt...), cây mướp đắng (khổ qua)... sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Vùng rau màu tập trung tại các xã có khả năng đầu tư thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Phù Nham, Sơn A... Để đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế cao, cần quy hoạch vùng trồng, chọn đất, trồng rải vụ phù hợp với từng loại giống đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ.

Để vụ đông 2016 đạt mục tiêu tăng năng suất, sản lượng và giá trị thu được trên một đơn vị diện tích canh tác, huyện chỉ đạo các đồng chí trong Ban Chỉ đạo của huyện, các cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp về “ba cùng” với nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao để chỉ đạo và thực hiện từ ngày 15/9 đến 30/9. Các đồng chí trong ban chỉ đạo của cơ sở cần phân công rõ từng đồng chí phụ trách từng thôn bản, cùng với cán bộ chỉ đạo, cán bộ kỹ thuật của huyện giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh.

Với những định hướng cụ thể, sự chỉ đạo sát sao và các cơ chế chính sách phù hợp, chắc chắn Văn Chấn sẽ lại có thêm một vụ đông giành thắng lợi, góp phần xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục