Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2016 | 7:29:03 AM

YBĐT -Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của trung ương, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải tích cực đưa các giống lúa năng suất cao vào canh tác.
Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải tích cực đưa các giống lúa năng suất cao vào canh tác.

Mù Cang Chải là một trong hai huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, với trên 90% dân số là dân tộc Mông. Kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất như Chương trình 30a, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, nhằm tạo bước chuyển dịch trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2015, từ nguồn chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, huyện Mù Cang Chải được đầu tư trên 35 tỷ đồng thông qua việc hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, giống ngô lai; hỗ trợ phân bón; hỗ trợ nilon che mạ phục vụ sản xuất; hỗ trợ một lần cho các hộ làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc; hỗ trợ cho các hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất bằng cây sơn tra, cây vối thuốc; hỗ trợ khai hoang tạo đất trồng lúa nước; hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ mua giống cỏ trồng phát triển chăn nuôi trâu, bò; hỗ trợ một lần cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm chuồng nuôi trâu, bò.

Để đảm bảo chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, huyện Mù Cang Chải đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Các xã đã giao cho từng bản tổ chức họp dân, thông tin tuyên truyền, thông báo công khai các chính sách hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Đồng thời, vừa hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vừa giám sát để các hộ được hỗ trợ thực hiện hiệu quả. Việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp không chỉ giảm bớt khó khăn của nhiều hộ dân mà còn thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân ở Mù Cang Chải đã dần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, chú trọng hơn đến việc đầu tư thâm canh.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Diện tích cây trồng hằng năm tăng từ 7.327 ha năm 2010 lên 9.000 ha năm 2015, diện tích lúa nương kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng ngô.

Nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và xây dựng các mô hình sản xuất tiến bộ cho bà con nên cơ cấu giống mới chiếm từ 35% năm 2010 lên 85% vào năm 2015, năng suất lúa trung bình tăng từ 35,7 tạ/ha lên trên 50 tạ/ha; năng suất ngô trung bình tăng từ 25,2 tạ/ha lên trên 41 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng lương thực năm 2015 đạt 33.200 tấn, bình quân lương thực 600kg/người/năm, tăng 200 kg so với năm 2010; đàn gia súc chính tăng trưởng trung bình 6,5%/năm, đàn gia cầm tăng bình quân 10,4%/năm.

Mù Cang Chải chỉ là một trong những địa phương đã và đang tổ chức thực hiện hiệu quả những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của Nhà nước và của tỉnh. Cùng với Mù Cang Chải, các chính sách về nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thực hiện được mục tiêu ổn định đời sống nhân dân, chuyển dịch nhanh kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá ở các địa phương vùng thấp và đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao; đưa nhanh khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y và các dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm tỉnh Yên Bái đầu tư 35 - 45 tỷ đồng để hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Đến nay, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 79,6% xuống còn 77,8%; ngành lâm nghiệp tăng từ 17,4% lên 18,2%; ngành thủy sản tăng từ 3,0% lên 4,0%.

Điều quan trọng là, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, đời sống của đại bộ phận người dân trong tỉnh đã được nâng lên; người dân đã có chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ; nhân dân tích cực tham gia sản xuất vụ đông xuân, chủ động sản xuất vụ mùa, trồng ngô trên diện tích trước đây trồng lúa nương, góp phần quan trọng vào đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Đến nay, một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được hình thành rõ nét: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha; vùng ngô 15.000 ha (có 3.000 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô); vùng chè 11.000 ha; vùng sắn cao sản 15.000 ha; vùng măng tre Bát độ trên 3.500 ha; quế trên 33.000 ha; vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha...

Năm 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đạt 300.506 tấn; sản lượng chè búp tươi trên 85.400 tấn; tổng đàn gia súc chính là 645.519 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt trên 35.000 tấn; mỗi năm trồng mới trên 15.000 ha rừng…

Về phát triển kinh tế ở vùng cao, Yên Bái đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, bước đầu tạo được thương hiệu nông sản hàng hoá như: vùng lúa, vùng chè, vùng cây ăn quả... Trong đó, đáng lưu ý nhất là tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt vận động đồng bào chuyển đổi từ trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi và không chỉ đơn thuần là giải quyết lương thực cho người dân mà còn từng bước chuyển thành vùng ngô hàng hóa tại 3 huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Cùng với đó, vùng cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vùng chè ở Suối Giàng (Văn Chấn), Phình Hồ (Trạm Tấu), Púng Luông (Mù Cang Chải)... đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Đó là, các nội dung thực hiện chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ giống cây trồng, vật tư sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân về thiếu vốn cho sản xuất lương thực. Sản phẩm làm ra chủ yếu là phục vụ cho sinh hoạt gia đình, chưa tạo được sự chuyển biến để người dân tự tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp.

Việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo hướng hàng hoá chưa thực sự bền vững, mức độ rủi ro còn cao, sản xuất chưa theo định hướng quy hoạch, cơ chế quản lý và chính sách đầu tư chưa hợp lý dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, trình độ nhận thức của nhân dân về khoa học, kỹ thuật và sản xuất còn hạn chế.

Việc đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung dẫn đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư thấp. Công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt các chính sách của trung ương, của tỉnh ở cơ sở còn chưa thường xuyên liên tục; một bộ phận nhân dân vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa mạnh dạn đầu tư các mô hình chăn nuôi đảm bảo qui mô để được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Trong những năm tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục xác định ưu tiên sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, gắn sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất cho các vùng sản xuất hàng hóa, vùng đặc biệt khó khăn; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội và tiến bộ, công bằng xã hội; tỷ lệ giảm nghèo bình quân 5 năm giảm 4%/năm, riêng hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu giảm 6%.

Mục tiêu tỉnh đặt ra là phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hoá; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Để thực hiện điều đó, mới đây tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 31/12/2015, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND về ban hành Quy định Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020.

Các đề án, chính sách hỗ trợ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như: chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi; chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản; chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả; chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển chè vùng cao; chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển ngô đông trên đất lúa 2 vụ; chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Trồng sơn tra; chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển cây quế; chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển măng tre Bát độ; chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và một số chính sách khác.

Tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả có các chính sách hỗ trợ sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các thôn, bản, các xã vùng đặc biệt khó khăn; từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần vào ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Đức Toàn

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục