Yên Bái: Cần nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/10/2016 | 11:58:06 AM

YBĐT - Bình quân mỗi năm Yên Bái trồng 15.000 ha rừng, sản lượng khai thác đạt trên 200.000 m3 gỗ các loại và hàng ngàn tấn nguyên liệu sợi dài và 400 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Gieo ươm giống cây phục vụ trồng rừng ở Công ty THHH một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao (Văn Chấn). Ảnh: MQ
Gieo ươm giống cây phục vụ trồng rừng ở Công ty THHH một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao (Văn Chấn). Ảnh: MQ

Hiệu quả kinh tế từ sản xuất lâm nghiệp mang lại không ai có thể phủ nhận được, tuy nhiên so với lợi thế, tiềm năng thì vẫn có thể nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế trong sản xuất.

Với lợi thế của một tỉnh miền núi, đất đai rộng lớn, trong những năm qua Yên Bái đã tích cực đầu tư, khai thác lợi thế sản xuất lâm nghiệp khá hiệu quả. Từ một địa phương có diện tích đất rừng, rừng khá phong phú về chủng loại nhưng nghèo về trữ lượng thì hôm nay tỷ lệ tàn che rừng đã đạt trên 63,5%.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được tốt hơn, trồng và phát triển rừng kinh tế đã trở thành một nghề không thể thiếu với người dân nông thôn. Bình quân mỗi năm Yên Bái trồng mới 15.000 ha rừng, nâng diện tích rừng kinh tế lên trên 200.000 ha. Từ diện tích rừng kinh tế, mỗi năm người trồng rừng, các chủ rừng, các công ty lâm nghiệp khai thác trên 2 triệu m3 gỗ các loại và hàng ngàn tấn nguyên liệu giấy.

Song song với phát triển vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến cũng phát triển không ngừng, hết năm 2015 toàn tỉnh có 400 cơ sở chế biến lâm sản nhỏ và vừa. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2015 đạt trên 1.400 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Yên Bái.

Sản xuất lâm nghiệp không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà nay nhiều gia đình đã trở thành triệu phú, tỷ phú ở các làng quê. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp là rất lớn, nhưng so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Diện tích rừng kinh tế thì lớn, song chủ yếu vẫn là rừng keo, bạch đàn, bồ đề... gỗ nhỏ dùng để băm dăm, sản xuất ván ghép thanh và làm cây chống trong xây dựng giá trị không cao.

Bên cạnh đó, giống cây trồng cũng là một vấn đề cần được lưu tâm, hiện toàn bộ giống cho sản xuất chúng ta đều nhập từ địa phương khác về và một phần do dân tự sản xuất. Công tác đầu tư chăm sóc rừng cũng chưa được nhân dân, các chủ rừng và các công ty lâm nghiệp quan tâm...

Những yếu tố đó dẫn đến năng suất, chất lượng rừng thấp. Năm 2015 toàn tỉnh khai thác 8.000 ha rừng kinh tế, sản lượng đạt 210.000 m3 gỗ, năng suất bình quân chưa đạt 50 m3/ha. Với năng suất như vậy, bình quân mỗi một chu kỳ người trồng rừng chỉ đạt 7 triệu đồng/ha. Qua đó cho thấy, thu từ sản xuất rừng kinh tế rất thấp, lãng phí nguồn lao động, đất đai.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp, hiện nay các địa phương tích cực thay đổi giống cây lâm nghiệp, đưa giống cây tiến bộ, chất lượng vào trồng, đồng thời gắn với các cơ sở chế biến. Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn đang tích cực mở rộng diện tích trồng quế.

Bởi thực tế những năm qua cho thấy, trồng 1 ha quế chu kỳ 10 năm thu hoạch từ bán vỏ, thân, cành lá cho thu đạt 60 triệu đồng/năm, cao gấp 6 - 7 lần so với trồng keo, bồ đề gỗ nhỏ. Đối với các huyện vùng cao như: Trạm Tấu và Mù Cang Chải nhân dân đưa cây sơn tra vào trồng, vì đây là loài cây đa mục đích, vừa phát triển rừng phòng hộ chống xói mòn vừa cho thu nhập khá từ khai thác quả.

Một giải pháp nữa bà con nên chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ sang phát triển rừng gỗ lớn bằng cách tỉa thưa. Việc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn sẽ cho trữ lượng rừng, lượng tăng trưởng bình quân của rừng sau chuyển hóa cao gấp 6 - 7 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.

Nếu so sánh một chu kỳ trồng rừng keo gỗ nhỏ từ 5 - 7 năm thì việc tỉa thưa, mở rộng không gian dinh dưỡng cho rừng tại thời điểm rừng gỗ nhỏ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch và tiếp tục trồng thêm đến chu kỳ khai thác 13 - 15 năm giúp nâng trữ lượng lên khoảng 350 m3. Như vậy, bình quân sẽ cho thu tăng 450 - 500 triệu đồng/ha/chu kỳ khai thác, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với rừng gỗ nhỏ.

Không chỉ có vậy, trồng rừng gỗ lớn còn giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng nên giảm xói mòn, rửa trôi đất trong quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra. Biết là phát triển rừng gỗ lớn hiệu quả hơn nhưng phần lớn người trồng rừng có thu nhập thấp, không đủ tài chính cho một chu kỳ 13 - 15 năm trồng rừng. Sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn đang là xu thế của thế giới, cũng là giải pháp quan trọng để chuyển đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp.

Phát triển rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường, do vậy tỉnh, ngành nông nghiệp cần có những định hướng cụ thể từ công tác quy hoạch phát triển đến giống, kỹ thuật lâm nghiệp, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các chủ rừng, người trồng, sản xuất chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. 

Giải quyết tốt những vấn đề đã nêu, cùng với quy hoạch và phát triển mạng lưới chế biến lâm sản phù hợp với nguồn nguyên liệu, giá trị kinh tế lâm nghiệp sẽ phát triển hơn nữa và sẽ thực sự trở thành một ngành kinh tế chủ lực.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tủ bếp gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Lâm Phong, Khu công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh và thương mại quốc tế. Việc tận dụng FTA không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN tỉnh kiểm định cân được sử dụng trong mua bán tại chợ Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.

Từ năm 2024, bên cạnh việc kiểm định các phương tiện đo: công tơ điện, cân ô tô, thiết bị X quang… các loại cân (phương tiện đo nhóm 2) tại chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ được Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin và khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh kiểm định thường xuyên, góp phần tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 28/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam công bố thông tin về "Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024" lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục