Yên Bái chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/10/2016 | 7:08:03 AM

YBĐT - Cứ vào mùa khô, trên địa bàn tỉnh lại đối mặt với nguy cơ cháy rừng ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt tại các huyện trọng điểm như Mù Cang Chải, Trạm Tấu.  Theo dự báo, mùa khô năm 2016 - 2017, hiện tượng khô hạn, nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn là rất cao.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về công tác phòng cháy, chữa  cháy rừng.
Cán bộ Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Mùa khô trên địa bàn tỉnh thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Ở các huyện phía Tây của tỉnh như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, nguy cơ cháy rừng là rất cao. Bởi nơi đây, gió lào thổi suốt mùa khô, các cành cây, tán lá và thảm thực vật khô kiệt, cùng với thời điểm người dân đốt nương làm rẫy nên chỉ cần một tàn đóm cũng đủ thiêu trụi cả khu rừng hàng chục, hàng trăm héc-ta.

Trong những năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR)được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm đã tăng cường lực lượng kiểm lâm viên xuống cơ sở, đảm bảo 100% các xã  đều có kiểm lâm địa bàn; in ấn tờ rơi, áp phích tuyên truyền tới tận các chủ rừng, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR tới người dân; kiện toàn và củng cố hàng nghìn tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở; xây dựng mới, phát dọn và tu sửa các đường băng cản lửa tại các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng.

Đặc biệt, để hạn chế cháy rừng do đốt nương rẫy gây ra lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp đã tăng cường vận động, tuyên truyền; đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật đốt nương theo đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện việc đốt nương rẫy vào ban ngày, lúc thời tiết không có gió; đồng thời, cử người canh lửa để lửa không lan ra các khu rừng bên cạnh.

Tuy nhiên, do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mùa khô cũng là thời điểm đồng bào vùng cao phát dọn đốt nương rẫy nên hàng năm trên địa bàn vẫn để xảy ra cháy rừng.

Tính riêng từ tháng 2 đến tháng 4 của năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng làm ảnh hưởng 141,3 ha rừng, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại 100% là 108,1 ha (bao gồm rừng tự nhiên 21,7 ha; rừng trồng 72,4 ha; rừng khoanh nuôi tái sinh 14 ha), diện tích có khả năng phục hồi là 33,2 ha.

Nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do bà con đốt nương rẫy, đốt bãi chăn thả để lửa cháy lan vào rừng. Đáng lo hơn cả là trong số đó có cả những vụ  người dân cố tình đốt rừng do mâu thuẫn cá nhân.

Điển hình là vụ cháy rừng trồng ngày 9/3/2016 tại Tiểu khu 340, khoảnh 13, 16 thuộc bản Háng Cơ Pua, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đã phải huy động hàng nghìn người lên rừng để dập tắt đám cháy. Thủ phạm đốt rừng là Giàng A Sử, sinh năm 1988.

Do phát sinh mâu thuẫn với trưởng thôn trong việc sử dụng cây thông nên sáng ngày 9/3/2016, Sử đã đem bật lửa đến khu vực rừng thông khu vực giáp ranh với đèo Khau Phạ, thuộc địa phận xã Púng Luông rồi châm lửa đốt, sau đó bỏ về nhà. Vụ cháy đã thiêu trụi khoảng 50 ha rừng thông trên 20 năm tuổi do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải quản lý.

Theo dự báo, mùa khô năm 2016 - 2017, hiện tượng khô hạn, nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Để chủ động trong công tác PCCCR, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; củng cố ban chỉ đạo PCCCR từ huyện đến xã; xác định rõ các vùng trọng điểm, lập kế hoạch PCCCR cho từng khu vực, từng địa phương đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời khi có cháy rừng.

Đồng thời, rà soát, bổ sung chỉnh lý các phương án chữa cháy rừng trọng điểm của địa phương; chú ý khả năng huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị được dự kiến huy động trong phương án chữa cháy; chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác PCCCR, trang bị tốt các phương tiện, thiết bị PCCCR, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống cháy xảy ra.

Lực lượng kiểm lâm tổ chức thường trực 24/24 giờ để cảnh báo, thông tin cấp dự báo cháy rừng và nắm bắt kịp thời các thông tin về phá rừng và cháy rừng; tại các huyện vùng cao, nơi đồng bào có tập quán đốt nương làm rẫy cần tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy; chỉ đạo tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy cho đồng bào để ổn định sản xuất…

Văn Thông

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục