Yên Bái: Dấu ấn những con đường

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/12/2016 | 6:43:08 AM

YBĐT - Mạng lưới giao thông thôn bản, liên xã, liên huyện ở Yên Bái đảm bảo đi lại thông suốt bốn mùa sẽ là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Những ngày tháng cuối năm này, thỉnh thoảng ông Hà Kim Cẩn ở thôn 2, xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình lại chống gậy ra xem nhà thầu thi công nâng cấp con đường qua cửa nhà mình. Năm nay đã 84 tuổi và có hơn nửa số thời gian ấy ông có mặt trên các mặt trận đánh Mỹ, làm cán bộ xã, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Phúc Ninh.

Ông là người đã từng lo cho người dân nơi đây có đường, nhưng chính ông cũng chứng kiến cái cảnh trên 300 hộ dân cư trú ở 4 thôn trong xã phải trầy trật, khổ sở khi đưa con đến trường. Hàng tiêu dùng thiết yếu vào xã giá thường cao hơn. Rồi những con dê, con lợn hay từng xe gỗ rừng bà con nuôi trồng, bán chẳng được bao nhiêu vì chi phí vận chuyển lớn.

Đường Cảm Nhân - Phúc Ninh (Yên Bình) được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh. Ảnh Quang Tuấn

Sau hàng chục năm mong đợi, con đường nối từ Cảm Nhân vào trung tâm xã và đi qua 4 thôn của xã Phúc Ninh dài chục cây số đã được đầu tư trên 25 tỷ đồng để nâng cấp bằng vốn ngân sách tỉnh. Con đường mới đi qua nhà đang dần thành hình, rộng rãi và sẽ đổ bê tông trong những ngày tới nên ông Cẩn vui lắm. “Thuận lợi rồi! Xe ô tô có thể qua xã dễ dàng hơn. Dân Phúc Ninh hết khổ rồi. Tôi rất cảm ơn!” ông Cẩn nói.

Còn Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh Hà Văn Lĩnh thì cho biết: "Nhân dân xã Phúc Ninh hết sức phấn khởi vì sau mấy chục năm xã được đầu tư tuyến đường. Sau khi được đầu tư, chắc chắn bà con sẽ có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững"

Ở một địa bàn khó khăn như xã Bạch Hà, xa trung tâm huyện Yên Bình và trung tâm tỉnh Yên Bái đến năm, sáu chục cây số, khi ốm đau, người dân ở đây thường đến cơ sở y tế ở tỉnh bạn Tuyên Quang để chữa trị. Nông lâm sản của người dân Bạch Hà cũng đưa sang tỉnh bạn tiêu thụ, nhiều hoạt động giao thương sẽ diễn ra thuận lợi khi con đường dài 1,5 km được bê tông hóa.

Đoạn đường đang thi công nằm trên địa bàn thôn Gò Chùa được đầu tư từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhà nước đầu tư cát, sỏi, xi măng, người dân thôn Gò Chùa tự nguyện hiến đất mở rộng nền đường và đóng góp ngày công để hoàn thành công trình.

Người dân thôn Gò Chùa, xã Bạch Hà tham gia đổ bê tông đường đầu tư bằng vốn xây dựng nông thôn mới. Ảnh Hoài Văn

Ông Đỗ Đức Hòa - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Ngòi Chùa chia sẻ" "Nhiều hộ cùng nhau hiến đất, cùng nhau làm đường để đạt kết quả cao. Con đường này hoàn thành sẽ giúp bà con đi lại thuận lợi. Đó là mong muốn bao đời nay rồi, vì thế bà con vô cùng phấn khởi!"

Không chỉ Bạch Hà, Phúc Ninh của huyện Yên Bình mà người dân ở các huyện Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn và nhiều địa bàn khác của tỉnh Yên Bái đã được hưởng lợi nhờ mạng lưới giao thông được mở rộng và ngày càng hoàn thiện.

Chắc hẳn ít người trong đồng bào Mông ở bản Táng Khờ, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có thể nghĩ tới một con đường vượt qua “cổng trời” đến bản định cư. Tháng 9 năm 2016, con đường đã cơ bản hoàn thành, việc đi lại của người dân nhờ đó dễ dàng, các điều kiện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn đặc biệt khó khăn thuận lợi hơn trước nhiều.

Ông Hờ A Lâu - bản Táng Khờ, xã Cát Thịnh, Văn Chấn vui vẻ cho biết: “Trước đây đi chợ phải mất cả ngày, nắm cơm đi. Nhưng giờ có đường, đi xe máy chỉ mất 1 - 2 tiếng là về đến nhà”.

Thi công đường lên bản Táng Khờ, xã Cát Thịnh bằng nguồn vốn Chương trình 135.

Năm 2016, bằng các nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135 đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có hàng trăm công trình giao thông đã và đang được đầu tư.

Riêng trong năm 2016, các địa phương kiên cố hóa được trên 73 km đường thôn bản, mở mới 104 km giao thông nông thôn, xây dựng 46 công trình thoát nước tổng kinh phí thực hiện trên 85 tỷ đồng. Kết quả đó tạo đà để thực hiện mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông của năm 2017.

Kiểm tra độ dày mặt đường bê tông ở xã Bạch Hà, huyện Yên Bình. Ảnh Quang Tuấn

Nhà nước và nhân dân cùng đồng lòng chung sức, những con đường gần đang nối lại những bản làng xa. Mạng lưới giao thông thôn bản, liên xã, liên huyện đảm bảo đi lại thông suốt bốn mùa sẽ là điều kiện quan trọng để đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Đó là động lực, là điều kiện để các địa phương vươn lên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đưa tỉnh Yên Bái thực hiện các mục tiêu đề ra cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Quang Tuấn - Hoài Văn

Các tin khác

Ngày 28/3, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt báo chí.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam công bố thông tin về "Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024" lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước; trong đó, cao điểm các sự kiện sẽ diễn ra chính thức từ ngày 29/3 đến 29/4.

Giá xăng tăng từ chiều nay 28/3.

Từ 15h hôm nay 28/3, giá xăng E5 RON92 tăng 406 đồng/lít, xăng RON95 tăng 532 đồng/lít, trong khi đó các mặt hàng dầu tăng, giảm tùy loại.

Người dân huyện Yên Bình chuyển hướng nuôi trồng các loại cá da trơn, cá đặc sản chất lượng cao.

Những năm qua, huyện Yên Bình chú trọng tập trung đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chủ động xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục