Cây ăn quả có múi - triển vọng kinh tế cho nông nghiệp Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/1/2017 | 8:29:05 AM

YBĐT - Nếu năm 2015, doanh thu từ bưởi của nông dân Đại Minh là 32 tỷ đồng thì vụ bưởi năm 2016, người dân đã thu trên 42 tỷ đồng - một con số ấn tượng. Hộ thu nhập nhiều nhất từ bưởi lên tới 500 triệu đồng.

Thu hoạch bưởi đặc sản ở Đại Minh, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thanh Miền)
Thu hoạch bưởi đặc sản ở Đại Minh, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thanh Miền)

Những năm gần đây, ngoài đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nói chung, huyện Yên Bình đã tích cực đẩy mạnh phong trào phát triển cây ăn quả có múi.

Thực tế cho thấy, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, các loại cây có múi đã và đang dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, không chỉ giúp người nông dân từng bước làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Là địa phương nổi tiếng với giống bưởi đặc sản, xã Đại Minh hiện có 154 ha diện tích cây ăn quả có múi, trong đó, có 135 ha trồng giống bưởi đặc sản, còn lại là cây ăn quả có giá trị khác như: chanh, cam, quýt. Bưởi Đại Minh có nhiều đặc điểm quý như ngọt mát, dóc tép, mọng nước, mẫu quả đẹp, có hương thơm đặc trưng, trở thành giống cây ăn quả nổi tiếng của huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái.

Nếu năm 2015, doanh thu từ bưởi của nông dân Đại Minh là 32 tỷ đồng thì vụ bưởi năm 2016, người dân đã thu trên 42 tỷ đồng - một con số ấn tượng. Trong đó, Quyết Tiến 11, Quyết Tiến 12, Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ... là các thôn có diện tích trồng bưởi lớn. Hộ thu nhập nhiều nhất từ bưởi lên tới 500 triệu đồng. Thế mới thấy rằng, cây bưởi đặc sản đã và đang khẳng định ưu thế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã Đại Minh.

Một niềm vui đến với người dân xã Đại Minh nói riêng và huyện Yên Bình nói chung là tháng 12/2016, bưởi Đại Minh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Việc này giúp sản phẩm bưởi Đại Minh trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh bưởi Đại Minh.

Đồng chí Nguyễn Minh Toàn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình (bên phải) cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm bưởi Đại Minh tại lễ công bố đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Bưởi Đại Minh".

Ông Phùng Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết: “Xác định cây bưởi là một trong những cây trồng chủ lực trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền để người dân quan tâm đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để những sản phẩm được dán tem phải là sản phẩm chất lượng thực sự, để bưởi Đại Minh giữ vững giá trị".

Năm 2017 này, xã sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi với diện tích khoảng 9 ha. Cùng với đó, khoảng 15 ha diện tích đất trồng rừng bình độ thấp xã sẽ xin chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Kế hoạch từ nay đến năm 2020, diện tích trồng các loại cây ăn quả có múi của xã sẽ đạt khoảng 200 ha” - Ông Thủy nói. 

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình tập huấn kỹ thuật chiết ghép bưởi cho người dân.

Cùng với xã Đại Minh, Hán Đà, Bạch Hà, Vũ Linh là những địa phương cho thu nhập cao từ cây trồng có múi với trên 10 tỷ đồng trong năm 2016. Cuộc sống người nông dân đã đủ đầy hơn trước nhờ các vườn bưởi, đồi chanh và những loại cây ăn quả khác... Toàn huyện hiện có gần 370 ha cây ăn quả có múi, trong đó: bưởi 358 ha (bưởi Đại Minh 268 ha, bưởi Diễn 90 ha), cam, quýt 10 ha. Riêng năm 2016, huyện thực hiện trồng mới và trồng cải tạo 295 ha cây ăn quả có múi, tập trung nhiều tại các xã Đại Minh, Hán Đà, Vũ Linh, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Bạch Hà..., bằng 50% kế hoạch của Đề án Phát triển cây ăn quả có múi, giai đoạn 2016 - 2021.

Trong đó, đã thực hiện trồng mới 156,5 ha bằng nguồn vốn hỗ trợ cây ăn quả có múi của tỉnh và lồng ghép nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của 24 xã trên địa bàn huyện để trồng diện tích còn lại.

Thực tế cho thấy, trồng cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả rõ rệt trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Đồng chí Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: “Cây ăn quả có múi cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao, hoàn toàn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương. Đây là cây thế mạnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho người nông dân hiệu quả và bền vững. Huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả từ 1.286 ha năm 2016 lên 1.740 ha vào năm 2020, tạo ra vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, khối lượng sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân. Phấn đấu doanh thu từ cây ăn quả tăng từ 144 tỷ đồng năm 2016 lên 300 tỷ đồng vào năm 2020”.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng phát triển cây ăn quả có múi chắc chắn sẽ là hướng đi đúng đắn trong hành trình đầu tư phát triển nông nghiệp giá trị cao, tạo nền tảng vững chắc để huyện thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Minh Chính - Chủ tịch UBND xã Hán Đà:

Nhân dân toàn xã đều đồng thuận và tin tưởng vào các chính sách hỗ trợ của địa phương trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2016, người dân đã thu trên 20 tỷ đồng từ cây trồng có múi. Tổng diện tích cây ăn quả các loại là 125,5 ha, diện tích bưởi trồng mới thực hiện 14,3 ha.

Ngoài trồng bưởi Đại Minh, gần 40 hộ nông dân trong xã đã tham gia dự án trồng bưởi da xanh với trên 2.300 cây giống. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân trồng đa dạng các loại cây ăn quả, phù hợp với nhu cầu thị trường; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch bưởi. Xã dự kiến sẽ chuyển đổi 9 ha diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi và trồng mới 15 ha bưởi năm 2017”.

Ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Hợp tác xã Đặc sản bưởi Đại Minh:

Từ khi Hợp tác xã Đặc sản bưởi Đại Minh được công nhận đủ điều kiện cung cấp sản phẩm mang nhãn hiệu “Bưởi Đại Minh”, việc kinh doanh đã trở nên thuận lợi hơn trước. Vụ bưởi năm 2016, Hợp tác xã đã thu mua, bao tiêu hơn 30 vạn quả bưởi Đại Minh, xuất bán các tỉnh phía Bắc, lợi nhuận 300 triệu đồng.

Để giữ vững thương hiệu “Bưởi Đại Minh”, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc mở rộng thành viên Hợp tác xã; tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây bưởi; quản lý chặt chẽ quy trình kiểm tra, kiểm định, phân loại và dán nhãn sản phẩm để thương hiệu ngày một phát triển.

 

Ông Hoàng Thanh Nghị - thôn Đầm Thỏn, xã Đại Minh:

50 năm trồng bưởi Đại Minh, đã có lúc gia đình tôi định chặt bỏ vì cây không đậu quả. Từ khi tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, gia đình đã tập trung chăm sóc, thụ phấn hoa cho cây bưởi nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Với trên 70 gốc bưởi Đại Minh, trong đó có 30 gốc bưởi gần 40 năm tuổi đã giúp gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi vụ. Tôi nhận thấy, phát triển cây bưởi tại Đại Minh rất phù hợp, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Thanh Chi - Hoài Văn

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Xây dựng trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh đạt đô thị loại V

Ngày 16/4, UBND huyện Văn Yên tổ chức lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh là đô thị loại V trực thuộc huyện Văn Yên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định ở luật là ngày 1/1/2025).

Lãnh đạo xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn trao đổi với người dân về chăm sóc cây cam để giữ vững Chỉ dẫn địa lý Cam Văn Chấn. *(Ảnh tư liệu)

Ngày 16/4, UBND huyện Văn Chấn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm - Hà Nội và 9 xã vùng ngoài của huyện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo diện tích cam của huyện năm 2024.

Nhân dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

Triển khai nhiều giải pháp giúp các xã vùng khó khăn bứt phá trở thành xã nông thôn mới (NTM), huyện Văn Chấn quyết tâm phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt NTM nâng cao trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục