Lên núi làm giàu

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2017 | 2:30:56 PM

YBĐT - Khu vực Nậm Ngập hiện nay có 27 hộ sinh sống. Hầu hết các hộ dân ở đây đều trồng cây ăn quả có múi với tổng diện tích khoảng 43 ha, trung bình mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Xuân này, những vườn cam ở Nậm Ngập giờ vàng óng, lúc lỉu quả đang chờ tay người hái.

Lãnh đạo thị trấn Yên Thế động viên các hộ dân ở Nậm Ngập phát triển kinh tế.
Lãnh đạo thị trấn Yên Thế động viên các hộ dân ở Nậm Ngập phát triển kinh tế.

Những năm chín mươi của thế kỷ trước, vùng đất Nậm Ngập thuộc tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên bị tàn phá bởi "cơn sốt" đá đỏ sau khi một công ty khai thác dời đi để nơi đây trở thành đại công trường cho hàng trăm, hàng ngàn người kiếm tìm giấc mơ đổi đời. Hơn chục năm bị cày xới, nguồn đá đỏ cạn kiệt, rừng bị tàn phá, Nậm Ngập trở thành bãi đất hoang tàn. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 25 năm về trước. Còn bây giờ, vùng đất ấy đã khoác lên mình một diện mạo mới, ngập tràn sức sống.

Trong tiết xuân se se lạnh, bảng lảng sương giăng, chúng tôi ngược dốc để lên Nậm Ngập. Vì lên núi, độ dốc cao, con đường lại chỉ đúng vừa đủ chiếc bánh xe nên chiếc xe máy cứ ì ạch. Nếu không chắc tay lái thì thật khó đi trên con đường này. Vậy mà, người dân ở Nậm Ngập cứ băng băng hai sọt hai bên xe chở đầy cam ra ngoài thị trấn.

Anh Nguyễn Quang Vinh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Thế cho biết: "Trước đây, con đường này khó đi hơn nhiều, vừa dốc vừa nhiều đá to. Giờ để phục vụ việc giao thương nên người dân đã chung sức để tạo nên con đường nhỏ này". Đang lúc mải mê câu chuyện, Nậm Ngập đã ở ngay trước mắt lúc nào không hay.

Phóng tầm mắt đâu đâu cũng thấy một màu xanh của những cánh rừng tái sinh và đồi cam vàng óng đang chuẩn bị thu hoạch. Tiếng nói cười râm ran cả một vùng và những chiếc xe máy của các thương lái nối đuôi nhau lên đây chở cam, quýt xuống thị trấn. Thấy anh Hoàng Văn Thoại đang buộc hai sọt cam vào xe máy, Bí thư Vinh dừng xe hỏi thăm:

- Tình hình thế nào, cam năm nay có được mùa không chú?

- Cũng tạm được bác ạ! Em tranh thủ cắt vài tạ cam vừa có người ở dưới thị trấn gọi lên đặt mua. Mời bác và các anh chị lên trang trại chơi.

Trong căn nhà sàn dựng tạm trên sườn núi vừa là nơi để sinh hoạt vừa tiện cho việc chăm sóc cam, anh Thoại tâm sự: “Cũng như nhiều người dân Lục Yên, trước đây, tôi lên đào đãi đá quý ở đây để tìm vận may đổi đời. Chục năm đắm chìm với “anh đá đỏ” nhưng đá đâu chả thấy mà cuộc sống gia đình, vẫn cứ khó khăn. Ở dưới thị trấn không có việc làm, lại thấy khí hậu, đất đai trên núi phù hợp với việc phát triển trồng các loại cây ăn quả nên hai vợ chồng bàn bạc, quyết định ngược lên núi để lập nghiệp”.

Năm 1999, vợ chồng anh bắt tay vào san đất, rồi đi sang tận Hà Giang để tìm mua giống cam sành về trồng. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cây cam anh trồng bị sâu, bệnh chết rất nhiều, còn những cây được cho thu hoạch thì chất lượng kém, giá bán thì lại rẻ nên không ít lần vợ chồng anh cũng đã định bỏ cuộc. Rồi với quyết tâm không cam chịu thất bại và đói nghèo, anh Thoại tiếp tục tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu tích lũy kinh nghiệm để đưa những giống cam mới phù hợp với thổ nhưỡng về trồng.

Giờ thì đã 14 năm gắn bó với cây cam, quýt, từ cách chọn giống, đến kỹ thuật trồng và chăm sóc, anh đều nắm rất kỹ.

Tận mắt thấy những đồi cam bạt ngàn của gia đình anh Thoại, ai cũng phải trầm trồ bởi những trái cam căng vỏ, mọng nước, nặng trĩu cành, cây nào cây ấy đều sai trĩu quả. Cành la, cành bổng không chịu được sức nặng, anh phải dùng cây chống lên.

Thoăn thoắt tay cắt những trái cam vàng óng cho khách đặt hàng, anh Thoại chia sẻ với chúng tôi về kỹ thuật trồng cam: “Để cam cho nhiều quả, không bị sâu, bệnh thì phải nắm vững kỹ thuật. Trong đó, cần chú ý đến việc phòng bệnh cho cam. Ngoài các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng theo định kỳ, thì cần biết bệnh của cây để chữa như bệnh vàng lá, bệnh nấm…”.

Đến nay, với diện tích 7 ha, gia đình anh hiện có 4.000 gốc trồng các loại: cam sành, quýt sen, quýt giấy, cam Vinh, cam Đường canh. Một năm, trang trại cho thu hoạch trên 12 tấn quả.

Riêng tết Đinh Dậu 2017, dự kiến, gia đình anh sẽ thu hoạch trên 14 tấn quả các loại. Cùng với trồng các loại cây ăn quả, anh Thoại còn trồng xen với khoai tím - loại khoai đặc sản của vùng đất ngọc Lục Yên. Nhiều hộ dân đã đến để học hỏi kinh nghiệm và được anh tư vấn tận tình về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Trang trại cam của gia đình anh Hoàng Văn Thoại mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Rời nhà anh Thoại, chúng tôi đến thăm vườn quả của gia đình anh Phạm Văn Nhâm. Anh là một trong những hộ tiên phong bỏ phố để lên núi Nậm Ngập này gây dựng, phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả. Anh Nhâm cho biết: “Nhà tôi đông con, điều kiện kinh tế lại khó khăn nên quyết định lên mảnh đất này tìm cách làm giàu. Lúc đầu, lên đây, thấy đất rộng nên vợ chồng bàn nhau phát triển cây ăn quả có múi. Mới bắt tay vào làm, kinh nghiệm chưa có, kỹ thuật cũng không nên giấc mơ làm giàu từ cây trồng này tưởng dang dở. Song tôi đã đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, rồi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” nên giờ thì gia đình đã thành công với mô hình này. Ngoài cam sành, tôi còn trồng thêm nhiều giống cây ăn quả khác như quýt vỏ giòn, quýt sen, cam Vinh và trồng trên 100 gốc phật thủ. Tôi cũng nuôi trên 100 con gà và thả các loại cá: trắm, trôi, bỗng…”.

Nhà ở tổ 12, thị trấn Yên Thế nhưng trang trại trên Nậm Ngập này gần như là nơi ở chính của anh Nhâm bởi một ngày không ra vườn để chăm sóc, để trừ rệp, bắt nhện đỏ, sâu mốc… cho các loại cây đã gắn bó với anh 15 năm nay là anh thấy rất nhớ. Thế mới thấy được tình yêu anh gửi ở vùng đất Nậm Ngập này nhiều đến thế nào.

Khu vực Nậm Ngập hiện nay có 27 hộ sinh sống. Hầu hết các hộ dân ở đây đều trồng cây ăn quả có múi với tổng diện tích khoảng 43 ha, trung bình mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà con còn phát triển chăn nuôi, đào ao thả cá, nhận khoanh nuôi bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây phật thủ, tre măng Bát độ...

Những vườn cam ở Nậm Ngập giờ vàng óng, lúc lỉu quả đang chờ tay người hái. Sự quyết tâm của chính quyền, sự mạnh dạn trong cách nghĩ của những người dân như anh Thoại, anh Nhâm và nhiều người dân khác đã khiến vùng đất Nậm Ngập hoang tàn ngày nào vươn lên mạnh mẽ, trở thành vùng đất tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.

Đức Toàn - Thanh Chi

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục